DI TÍCH KHẢO CỔ ĐỊA ĐIỂM BỜ LŨY – CHÙA LÒ GẠCH
Lượt xem: 11422

DI TÍCH KHẢO CỔ ĐỊA ĐIỂM BỜ LŨY – CHÙA LÒ GẠCH

Di tích khảo cổ Địa điểm Bờ Lũy - Chùa Lò Gạch, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia theo Quyết định số 5399/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2017.
Khai quật di tích chùa Lò Gạch.

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2014 đến ngày 22 tháng 11 năm 2014, Trung tâm Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh đã phối hợp tiến hành cuộc thám sát, khai quật khu di tích. Kết quả đã làm xuất lộ vết tích nền móng của 06 kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn nằm trong khuôn viên chùa Kompong Thmo và khu vực lân cận, đồng thời có những ghi nhận mới về một loại hình di tích lũy đắp đất nằm liền kề về phía tây của chùa Kompong Thmo.

Các kiến trúc đã được khai quật có đặc điểm cấu trúc bình đồ, vật liệu và kỹ thuật xây dựng thống nhất nhau. Về cơ bản, những kiến trúc này có bình đồ hình vuông hoặc gần vuông, quy mô phổ biến trong khoảng 8m - 10m mỗi cạnh (kiến trúc nhỏ nhất có quy mô 4,7m - 5,08m mỗi cạnh), giữa cạnh phía đông có đường dẫn vào trung tâm. Trung tâm có một cấu trúc "hố thờ" xây âm rất đặc sắc.

Cụ thể kiến trúc KT1 còn lại phần nền móng được xây bằng gạch, có bình đồ dạng hình vuông (10m x 11m). Mặt phía đông của kiến trúc này cũng đã xác định được dấu vết của đường dẫn nằm ở khoảng giữa cạnh đông, được xây đơn giản bằng hai đường gạch song song và cách nhau 2.0m bởi loại gạch nguyên và cả gạch tái sử dụng.

Ở vị trí trung tâm của kiến trúc đã làm xuất lộ một cấu trúc “hố thờ” được xây bằng gạch, có diện tích vào khoảng 2.0m2. Ở đáy hố thờ đã tìm thấy 04 “ngăn” nhỏ ở giữa bốn cạnh, bên trong mỗi ngăn có một lá vàng hình vuông có chạm - khắc hình một con voi.

Kiến trúc KT2 nằm về phía tây - tây bắc của kiến trúc KT1. Về đặc điểm cấu trúc và bình đồ, kiến trúc KT2 có đặc điểm tương đồng với kiến trúc KT1 với bình đồ (khoảng 10m mỗi cạnh), dấu vết đường dẫn ở giữa cạnh phía đông.

Ở vị trí trung tâm của kiến trúc này có dạng hình trụ vuông với bình diện hình vuông (1.8m x 1.8m). Phần đáy của “hố thờ” có cấu trúc gồm một ô vuông ở trung tâm có đặt một lá vàng lớn hình hoa sen và bốn lá vàng nhỏ hơn ở bốn ngăn giữa bốn cạnh, mỗi lá vàng chạm khắc hình một con voi.

Kiến trúc KT3 nằm gần như song song với kiến trúc KT2, cách kiến trúc KT2 khoảng 12m về phía đông. Đây là một kiến trúc có quy mô khá lớn (rộng khoảng 8m mỗi cạnh). Phần lòng và trung tâm của kiến trúc hoàn toàn bị phá vỡ, chỉ còn xác định được dấu tích tương đối của phần cấu trúc “hố thờ”.

Kiến trúc KT4 ở vị trí song song với kiến trúc KT2 và cách hố kiến trúc này khoảng 10m về phía bắc, cạnh tây cách cạnh đông hố KT3 khoảng 12m về phía đông. Khi khai quật làm xuất lộ nền móng của một kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn song đã bị phá vỡ kết cấu ở nhiều vị trí. Căn cứ vào các phần còn lại, diện mạo kiến trúc đã được làm rõ với bình đồ dạng hình vuông (10.8m x 9.28m), cửa mở về phía đông với đường dẫn xây ốp hai hàng gạch xây kè bên cạnh nam của đường dẫn. Cấu trúc “hố thờ” được xác định lòng hố là tường xây bao quanh bằng gạch thành ô hình trụ vuông, các khối đá xếp trong lòng “hố thờ” cùng với 06 mảnh lá vàng nhỏ còn sót lại lẫn lộn trong lòng hố.

Kiến trúc KT5 nằm giữa hai kiến trúc KT2 và KT3. Kết quả xử lý đã làm lộ diện toàn bộ cấu trúc nền - móng và đường dẫn của một kiến trúc KT5 có quy mô nhỏ nhất trong số các kiến trúc được làm rõ bình diện (kiến trúc KT5 4.7m x 5.08m), cửa mở về phía đông với đường dẫn được xây kè hai bên bằng gạch vỡ dựng đứng, trong lòng đường dẫn lát bằng gạch tái sử dụng, gạch vụn, có chiều rộng 0.85m - 1.03m, nối dài về phía đông trên chiều dàn hơn 4.5m. 

Phần lòng trung tâm hình vuông bên trong là “hố thờ” đã bị đào phá một phần song về cơ bản vẫn còn nguyên dạng đặc điểm kết cấu. Đặc điểm cấu trúc xác định được của “hố thờ” kiến trúc KT5 cho thấy có sự tương đồng cao với cấu trúc “hố thờ” ở kiến trúc KT2 từ đặc điểm vật liệu sử dụng đến quy cách cấu trúc, quy mô.
Kiến trúc KT6 có vị trí nằm ngoài vòng tường bao phía nam của chùa Lò Gạch, nằm gần như song song với hố KT2, cách hố KT2 khoảng 12m về phía tây - tây nam. Tổng diện tích hố H7 là 22m2.

Kết quả khai quật đã xác định các đường gạch và cấu trúc sàn của phần nền móng một kiến trúc gạch đã bị phá vỡ phần lớn cấu trúc. Đặc điểm cấu trúc còn lại cho thấy kiến trúc KT6 có cùng kỹ thuật xây dựng và kết cấu tương tự như các kiến trúc đã làm xuất lộ. Mặt ngoài các cạnh tường được xây liền mạch, tạo bề mặt thẳng đứng, không giật cấp. Góc đông nam bẻ vuông góc rất đơn giản, không có hiện tượng giật góc hay bẻ góc nhiều lần.

Qua khai quật đã thu được 12 hiện vật bằng kim loại vàng có hình dáng nguyên vẹn định hình và một số mảnh kim loại vàng được cắt nhỏ, vụn hoặc bị nhàu rách. Trong đó có 10 hiện vật có hình chạm khắc thể hiện hình voi, hoa sen (09 hình voi, 01 hoa sen). 01 mảnh nhỏ hiện vật bằng đồng thau có dạng gần hình tam giác, là mảnh vỡ từ một đồ đồng kích thước lớn. Nhiều hiện vật bằng đất nung là những viên gạch hình chữ nhật được chế tác thống nhất với nhau, được tìm thấy ở cả 05 kiến trúc KT.1, KT.2, KT.3, KT.4 và KT.5, theo đó, trên mỗi viên gạch có một rãnh lòng máng chạy dọc theo chiều dài ở giữa bề mặt. Trên nhiều viên gạch có rãnh trên cả hai mặt đáy đối diện nhau. 01 mảnh miệng và vai bình gốm có chất liệu sét mịn màu xám vàng, miệng loe cong trên cổ hình trụ eo nhẹ đặc trưng. Đây là loại hình vật dụng cao cấp thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo (thế kỷ IV – VII).

Đặc điểm cấu trúc cùng tính chất và các hiện vật khác đã được phát hiện nơi này trước đây như khung cửa, bệ thờ, yoni… cho thấy những hiện vật đặc biệt này có khả năng là những bộ phần cấu thành rãnh dẫn nước thiêng (somasotra) mà những công trình kiến trúc tôn giáo thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo vốn rất phổ biến.

Cuộc điều tra, khảo sát sâu, được triển khai trên diện rộng với nhiều góc độ tiếp cận và ứng dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ đã giúp xác định được cơ bản đặc điểm cấu trúc và quy mô của phần Bờ Lũy đắp đất. Bên cạnh đó, việc xác định đặc điểm phân bố và cấu trúc của phần không gian phía bắc với hệ thống rạch kết nối với đầu phía bắc của cạnh tường đắp đất phía tây và ăn vòng qua phía bắc chùa Kom Pong Thmo thông đến vị trí chợ Ba Se ngày nay là thông tin rất mới.

Mặc dù còn cần kiểm chứng thêm, song với những phát hiện mới này cho thấy sự độc đáo cũng như mở ra hướng nghiên cứu để xác định cụ thể đặc điểm cấu trúc, chức năng, các mối quan hệ văn hóa của di tích Bờ Lũy trong lịch sử, cũng như liệu có khả năng có mối quan hệ nào giữa di tích này với cụm kiến trúc tôn giáo trong khu vực chùa Lò Gạch.

Cuộc khai quật triển khai trong khuôn viên chùa Kom Pong Thmo đã phát hiện được dấu vết nền móng của 06 phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn - nhỏ khác nhau. Trong đó, có 05 kiến trúc được xác định có bình đồ hình vuông hoặc gần vuông với cửa mở về phía đông.

Các kiến trúc có cấu trúc dạng nửa chìm - nửa nổi với "hố thờ" hình trụ vuông, xây âm xuống bên dưới cấu trúc chân móng.

Tuy nhiên, cấu trúc bên trong lòng mỗi hố thờ có nét khác nhau trong việc sử dụng vật liệu, phương thức xử lý… trong sự thống nhất cao về cấu trúc và tính chất, tạo nên tính đa dạng cho cụm kiến trúc tại đây.

Từ những kết quả so sánh trên đây, có thể thấy nhóm di tích kiến trúc Chùa Lò Gạch mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ với những ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Ấn Độ.

Đây là một khu di tích kiến trúc có quy mô lớn, rất đặc sắc, có giá trị khoa học lớn, đặc biệt khi đặt trong không gian văn hóa - lịch sử với các di tích Bờ Lũy và Ao Bà Om cũng như vùng gò - giồng duyên hải Tây Nam Bộ trong không gian văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo.

                                                                                          Hoài Nam