DI TÍCH THÁNH TỊNH THANH LONG TRÀNG VÕ
Lượt xem: 4887
DI TÍCH THÁNH TỊNH THANH LONG TRÀNG VÕ

Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ tọa lạc ấp Ngãi Nhì, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được ông Nguyễn Bá Khanh xây dựng vào năm 1930.

Đầu năm 1931, Chi bộ xã Tam Ngãi được thành lập và đã tích cực vận động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, chống áp bức bóc lột của bọn thực dân, địa chủ và tay sai. Chi bộ đã bàn bạc với ông Nguyễn Bá Khanh để chọn Thánh tịnh làm cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng và làm nơi chứa lương thực phục vụ kháng chiến.

Những ngày cận Cách mạng Tháng 8/1945, tổ chức Thôn bộ Thanh niên Tiền phong Tam Ngãi ra đời do đồng chí Nguyễn Hòa Luông một môn đạo của Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ làm thủ lĩnh đã dựa vào Thánh tịnh để hoạt động. Tại đây, ông đã trang bị gậy gộc, tầm vông vạt nhọn và trực tiếp truyền dạy những bài võ gia truyền của dòng họ cho các Đoàn, Toán Thanh niên Tiền phong ra sức tập luyện đội hình, đội ngũ chờ đợi thời cơ.

Ngày 19/8/1945, cuộc mit-tinh lớn ở Vĩnh Xuân diễn ra dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và Ủy ban khởi nghĩa Cầu Kè. Tham dự cuộc mit-tinh có hơn 300 quần chúng Tam Ngãi được huy động, do các đồng chí Đào Trí Huệ, Hứa Duy Tân và Nguyễn Hòa Luông dẫn đầu. Cuộc mit-tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy tiến về huyện lỵ. Dựa vào lực lượng đông đảo của quần chúng khởi nghĩa hừng hực khí thế cách mạng, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào dinh Quận trưởng và kêu gọi đầu hàng. Sáng ngày 20/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Cầu Kè thành công.
Sau khi giành chính quyền ở Cầu Kè thành công, các đồng chí Đào Trí Huệ, Hứa Duy Tân, Thôn bộ trưởng Thanh niên Tiền phong Nguyễn Hòa Luông được phân công về phối hợp với lực lượng tại chỗ giành chính quyền ở xã Tam Ngãi. Nhiều quần chúng nhân dân, trong đó lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nồng cốt do đồng chí Đào Trí Huệ và Nguyễn Hòa Luông chỉ huy kéo ra nhà việc Tam Ngãi để giải tán bọn hội tề.

Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, hưởng ứng cuộc phát động phong trào “võ trang nhân dân” xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu, được sự phân công của Chi bộ, đồng chí Nguyễn Hòa Luông đã cùng người anh ruột là Nguyễn Thành Hưng từ Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ sang Sóc Trăng mời được một hàng binh Nhật vốn là sĩ quan quân đội Hoàng gia Nhật về huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu tự vệ cho xã Tam Ngãi trong đó, có nhiều con em là tín đồ của Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ tham gia.
Sau khi tái chiếm được Tam Ngãi, thực dân Pháp ra sức lôi kéo, xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng các dân tộc, gây nên mâu thuẫn giữa đồng bào theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc tại địa phương. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, Ban đại diện Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ và một số tín đồ chẳng những không nghe theo bọn chúng mà còn giúp đỡ, che chở, bảo vệ cán bộ cùng những người yêu nước ngay trong Thánh tịnh và nhà mình.
Năm 1947, Tam Ngãi thành lập Hội Ủng hộ Bộ đội Issarak trong vùng đồng bào Khmer do đồng chí Thạch Ê làm Hội trưởng, Hội phó là đồng chí Thạch Hên. Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Hòa Luông được Huyện ủy giao trách nhiệm xây dựng và chỉ huy trung đội Quốc vệ đội huyện Cầu Kè, do điều kiện địa hình thuận lợi và am hiểu rõ địa bàn Tam Ngãi, nên đồng chí đã chọn nơi đây làm căn cứ đứng chân và trú ẩn, hoạt động tại Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ.
Cuối năm 1947, sau khi quân và dân Tam Ngãi, An Phú Tân và lực lượng các xã lân cận đắp thành công sông “mặt hàn”  ngang rạch Cầu Kè, bọn địch huy động hai tiểu đội dưới sự chỉ huy của tên lính Pháp, mang theo địa lôi, thủy lôi quyết phá vỡ công trình. Nhận được tin báo, đồng chí Nguyễn Hòa Luông từ Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ đã tập họp tín đồ, quần chúng nhân dân và di chuyển một tiểu đội Công an xung phong lập trận địa phục kích. Khi địch vừa xuất hiện, đồng chí Chín Luông tự mình cùng 2 chiến sĩ nổ súng rồi rút lui để dẫn dụ địch vào trận địa. Trận này, ta tiêu diệt được tên lính Pháp, thu giữ 2 súng. Cũng trong giai đoạn này, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ Tam Ngãi phát động phong trào “Thi đua kháng chiến, kiến quốc”, Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ đã vận động tín đồ và nhân dân trong khu vực tự túc tăng gia sản xuất, tòng quân diệt giặc và lập hủ gạo nuôi quân cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho lực lượng cách mạng.
Trong chiến dịch Cầu Kè năm 1949 -1950, Chi bộ Tam Ngãi được phân công phục vụ dẫn đường, công tác vận chuyển vũ khí, lương thực và vận chuyển thương binh, tử sĩ ra tuyến sau. Trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch, Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ đã tích cực vận động tín đồ và nhân dân trong vùng đóng góp lương thực, thực phẩm cung cấp cho ban tiếp tế xã chuyển cho bộ đội các mặt trận để an tâm đánh giặc.

Giai đoạn 1954-1959,  Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ tiếp tục làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Thời gian này, ông Nguyễn Thành Hậu (Chủ thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ) với danh nghĩa là người theo đạo, ông tự do đi lại trong lòng địch, trực tiếp theo dõi và thu thập thông tin. Đặc biệt, ông được cử đi làm công tác địch vận trong bót Nhà thờ Bà Mi về cung cấp cho cán bộ cách mạng.
Từ năm 1962, địch xem việc xây dựng lực lượng vũ trang là biện pháp hàng đầu, tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân để lập ấp chiến lược nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thành Hậu (Chủ Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ) cùng với Họ đạo tiếp tục tổ chức nuôi chứa bảo vệ cán bộ như: đồng chí Nguyễn Thị Út (Út Tịch) - Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ du kích xã, đồng chí Lâm Văn Tịch - chiến sĩ địa phương quân, ông Sơn Sên- nguyên Trưởng Ban Binh vận, Ủy viên Mặt trận Cầu Kè, ông Diêu Văn Thêm - Cán bộ, và nhiều cán bộ cách mạng khác như: ông Nguyễn Phong Đăng, ông Nguyễn Văn Giao, bà Nguyễn Thị Bảy, ông Chín Đông, Tư Tru, Công Khanh,… Bên cạnh đó, Thánh tịnh cũng là nơi trú ẩn của tín đồ, nhân dân trong vùng mỗi khi giặc ruồng bố.

Giai đoạn 1968-1975, Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ vẫn tiếp tục đào hầm cất giữ lương thực, thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho cách mạng và nuôi chứa cán bộ cách mạng, tín đồ Thánh tịnh tham gia đào công sự chiến đấu, chuyển lương, tải đạn phục vụ bộ đội tiến công chi khu Cầu Kè.
Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân xã Tam Ngãi anh hùng, góp phần làm nên lịch sử tỉnh Trà Vinh vẻ vang anh dũng.
Ngày 19/02/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 201/QĐ-UBND xếp hạng Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ là di tích lịch sử cấp tỉnh.
                                                                               Hoài Nam