Di tích đình An Mỹ
Lượt xem: 4297

Đình An Mỹ còn gọi là đình Bà Trầm tọa lạc ở ấp Bà Trầm, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đình nằm cách thị trấn Châu thành khoảng 10 km đường chim bay về hướng đông bắc và cách thành phố Trà Vinh  khoảng 8 km về hướng đông.

Hiện tại, chưa tìm tư liệu xác định chính xác ngôi đình được tạo dựng thời gian nào. Tuy nhiên, tại đình còn lưu giữ một sắc thần có niên đại Tự Đức ngũ niên. Nội dung sắc thần như sau:

Phiên âm:

Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng, cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Trà Vinh huyện, An Mỹ thôn y cựu phụng sự.

Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai !

Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.

                                       (Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện chi thần, giúp nước che dân linh ứng rõ rệt đã lâu. Nay Trẫm lạm ôm mạng trời, liên miên nghĩ đến sự tốt đẹp của thần, nên gia tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Chuẩn cho thôn An Mỹ, huyện Trà Vinh thờ y như cũ.

Thần hãy giúp đỡ, bảo vệ dân đen của ta. Kính vậy !

                         Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (1852)

                                                     (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Như vậy, qua sắc thần này cho ta khẳng định đình An Mỹ (đình Bà Trầm)  có niên đại trước năm Tự Đức thứ năm và đến năm này (1852) thì được triều đình sắc phong. Nhiều khả năng ngôi đình được tạo dựng vào những thập niên 20 - 30 dưới thời Minh Mạng. Giai đoạn nhiều đình ở Nam Bộ được xây dựng.

Qua thời gian, ngôi đình được sửa chữa nhiều lần. Theo lời kể của những vị cao niên cùng các di vật còn lại (cột đình), thì đình An Mỹ được xây dựng quy mô do ông Nguyễn Văn Đước (Đống Văn Đước) cùng một số người tham gia. Sau khi ông Nguyễn Văn Đước qua đời, ông Nguyễn Văn Đỉnh rồi Nguyễn Văn Quyền, Trần Văn Tình kế tục phụ trách hội vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ II. Chính tại địa điểm này là nơi tập họp, hoạt động của nhiều tổ chức yêu nước. Đặc biệt, đồng chí Trần Văn Tình là một cán bộ cách mạng nhưng cũng là người của hội đình. Vì vậy, ngôi đình thường xuyên được sử dụng sinh hoạt, hội họp.

Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân nhiều làng ở Trà Vinh đã tích cực tham gia kháng chiến trong đó có nhân dân Bà Trầm- Hưng Mỹ. Tiêu biểu là hưởng ứng phong trào khởi nghĩa của Trần Văn Đề (Đề Triệu) khởi xướng tại rừng Mương Khai thuộc làng Long Hậu. Ông đã quy tụ những người yêu nước, vận động nhân dân, tổ chức chiêu binh, tinh thảo đôn lương kháng chiến. Ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ và những vùng phụ cận trong đó có khu vực đình Bà Trầm trở thành nơi luyện tập của nghĩa binh. Ngoài ra, nhân dân ở Bà Trầm còn hưởng ứng mạnh mẽ phong trào chống Pháp do Trần Hữu Điều người con của Hưng Mỹ lãnh đạo.

Bước sang thế kỷ XX, đặc biệt khi phong trào Thiên Địa Hội du nhập vào Việt Nam và đến Trà Vinh từ năm 1911. Ở Châu Thành, Thiên Địa Hội bên cạnh các hoạt động tôn giáo cũng ngấm ngầm tổ chức các hoạt động chính trị như rèn dao, mã tấu, may cờ... để chống Pháp. Trung tâm hoạt động nằm ở khu vực Bàng Đa. Gắn liền với Bàng Đa, khu vực Hưng Mỹ cũng tổ chức khá rầm rộ các hoạt động của Thiên Địa Hội với hình thức bên ngoài là các hoạt động tôn giáo như diễn kịch, cúng bái, đi nghinh...thu hút hàng trăm người tham gia trong đó có nhân dân Bà Trầm. Đình Bà Trầm cũng là địa điểm tổ chức, thông qua lễ hội thượng điền (12 - 13/ 12 âm lịch), hạ điền (19 - 20/ 4 âm lịch) hàng năm.

Tháng 10/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Trà Vinh được thành lập tại Ấp 3, xã An Trường, huyện Càng Long. Lần lược sau đó chi bộ Đảng các nơi cũng ra đời. Ở địa bàn huyện Châu thành nói chung và Hưng Mỹ nói riêng, đồng chí Dương Công Nữ, Phạm Thái Bường gấp rút chuẩn bị. Cuối năm 1939, chi bộ Hưng Mỹ được đồng chí Phạm Thái Bường - Tỉnh ủy viên lâm thời thành lập. Ngay sau khi thành lập các đồng chí trong chi bộ đã triển khai nhiều hoạt động cách mạng nhằm tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng các cơ sở cách mạng, phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Đình Bà Trầm cũng là một trong những địa điểm thường được tổ chức các cuộc họp.

Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Trà Vinh ra đời và hoạt động sôi nổi. Lợi dụng tính hợp pháp, công khai, Thanh niên Tiền phong tổ chức móc nối, xâm nhập vào hàng ngũ binh lính địch để làm công tác binh địch vận, tập võ nghệ và chiến thuật quân sự. Tại Hưng Mỹ, tổ chức này do đồng chí Bùi Văn Bê (Bùi Cát Vũ) huấn luyện, đồng chí Nguyễn Văn Luận (Hai Luận) làm đoàn trưởng. Riêng tại ấp Bà Trầm tổ chức Thanh niên Tiền phong do ông Trần Văn Út chỉ huy. Tham gia phong trào có rất nhiều người trong hội đình, mọi người sử dụng tầm vông vạt nhọn, gươm, mã tấu...luyện tập.

Điểm tập dợt thường xuyên của Thanh niên Tiền phong Hưng Mỹ là sân bóng đá Rạch Vồn. Nơi lực lượng hậu cần tổ chức nấu ăn cho Thanh niên Tiền phong tập luyện về nghỉ, ăn uống la miếu Cây Quéo và sân nhà của ông Bảy Luân ở Đại Thôn. Tại ấp Bà Trầm và các khu vực lân cận, địa điểm chính là đình Bà Trầm.

Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, chi bộ đã chỉ đạo cho nhiều quần chúng cảm tình cách mạng bí mật mua vải về may cờ Đảng. 

Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố trong cả nước, Tỉnh ủy Trà Vinh gấp rút mở hội nghị thành lập Ủy ban khởi nghĩa, ráo riết xây dựng kế hoạch và phát động nhân dân đội ngũ chỉnh tề khi có lệnh bao vây chiếm toàn bộ chính quyền địch. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi tại tỉnh lỵ và các cứ điểm xung quanh tỉnh lỵ thuộc huyện Châu Thành, các huyện, xã tiến hành khởi nghĩa.

Ở Hưng Mỹ, ban hội tề run sợ trước khí thế cách mạng nổ ra nên chúng cho bắt giữ nhiều bà cụ vào tề xã để ngăn trở hoạt động của Việt Minh. Quần chúng tổ chức đấu tranh phản đối nên địch phải thả. Chi bộ tổ chức cuộc mít-tinh ở ấp Bãi Vàng trước trụ sở nhà việc của địch với hàng trăm người tham dự có cả băng cờ khẩu hiệu. Mỗi Thanh niên Tiền phong dự mít-tinh đeo hai phù hiệu (phù hiệu biểu tượng cờ vàng sao đỏ của Thanh niên Tiền phong, phù hiệu biểu tượng cờ đỏ sao vàng của Việt Minh). Chương trình mít-tinh có đọc diễn văn kêu gọi quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Sau đó lực lượng quần chúng do Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt trong đó có quần chúng cùng những Thanh niên Tiền phong đã từng luyện tập, sinh hoạt tại đình Bà Trầm tràn vào tề xã bao vây cướp chính quyền. Ban tề xã buộc phải giải tán dễ dàng bởi vì người của ta cài sẵn trong đó. Số còn lại tư tưởng phân vân hoặc có cảm tình với cách mạng đã được ta giáo dục. Chính quyền nhanh chóng về tay nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi chưa được bao lâu, ngày 23/09/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Đầu năm 1946, chúng chiếm được thị xã Trà Vinh và khu vực Châu Thành. Một tuần lễ sau, binh lính Pháp cùng bọn tay sai tiến vào địa bàn Hưng Mỹ. Hưởng ứng phong trào “Tiêu thổ kháng chiến” của chính quyền cách mạng phát động, nhân dân Bà Trầm được tháo dỡ ngôi đình chôn giấu, nhưng chưa thực hiện kịp thì địch ập đến chiếm giữ, đóng quân. Sau đó chúng cho phá bỏ ngôi đình và đốn nhiều cây cổ thụ trong khuôn viên để làm mi-đo (tháp canh).

Đến năm 1954, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, sợ địch tiếp tục đến chiếm giữ đóng đồn, bà con trong ấp đem những cột gỗ còn lại sát nhập với miếu bà Chúa Xứ và xây dựng lại cách vị ngôi đình khoảng 800 m. Sau ngày đất nước thống nhất (1992), do nhu cầu làm thủy lợi, ngôi đình phải di dời, bà con lại góp công, góp của trong đó tiêu biểu có ông Nguyễn Văn Nghiêu, Nguyễn Văn Chính... tiếp tục di dời ngôi đình trở lại vị trí cũ để cúng bái.

đĐình Bà Trầm xaõ Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là ngôi đình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì vậy, địa điểm này cũng là nơi ghi dấu, minh chứng sự kiện của một giai đoạn lịch sử. Việc bảo tồn, phát huy sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mặc dù về mặt kiến trúc nghệ thuật ngôi đình không còn đúng theo quy chuẩn cổ truyền, nhưng vẫn giữ được những nét chung của một đình làng Nam Bộ nhất là trong việc thờ tự. Vì vậy, khi đến tìm hiểu ngôi đình chúng ta cũng hiểu được những đặc trưng cơ bản về tín ngưỡng đình của người Việt.

Trong suốt chặng đường lịch sử mở đất của cư dân Nam Bộ, đình làng luôn giữ vị trí hàng đầu  trong tâm thức của những người con xa xứ. Bởi ở họ đình làng vừa là cội nguồn tổ tiên, vừa là nơi biểu lộ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp, để lại cho muôn đời sau các giá trị văn hóa nhân văn. Điều này không chỉ giúp người Nam Bộ phát huy tốt tính cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, tạo dựng cuộc sống ấm no, mà còn giúp phát huy truyền thống anh hùng, nhân nghĩa, thủy chung, góp phần vào công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc.

Ngoài ra, thông qua lễ hội thượng điền, hạ điền hàng năm, ngôi đình là nơi tập họp bà con trong vùng, tạo mối đoàn kết gắn bó giữa các thành viên cùng nhau xây dựng làng xóm quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Đình An Mỹ được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định số 1436/QĐ-UBND ngày 5/8/2010 công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. 

                                                                           VĂN TƯỞNG