NSND Viễn Châu - Người con ưu tú đất Trà Vinh
Lượt xem: 2320
Soạn giả - NSND Viễn Châu là người con ưu tú của đất Trà Vinh, là cây đại thụ của làng cổ nhạc Việt Nam. Ông đã sáng tác ra hơn hai ngàn bài ca vọng cổ, hơn trăm vở cải lương được nhiều người yêu mến. Ngoài gia tài sáng tác đồ sộ, ông có công rất lớn trong việc cách tân bài vọng cổ, sáng tạo ra thể loại tân cổ giao duyên, vọng cổ hài. Ông đã mang tiếng thơm về cho mảnh đất Trà Vinh, nơi ông được sinh ra. 

Chân dung NSND Viễn Châu – Năm 2010 ông về thăm quê hương Trà Vinh

Cuộc đời và duyên nghiệp cầm ca
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi may mắn hai lần được gặp và trò chuyện với NSND Viễn Châu, người được xem là cây đại thụ của làng cổ nhạc Việt Nam đã sáng tác ra hơn hai ngàn bài ca vọng cổ, hàng trăm vở cải lương được nhiều người yêu mến. Lần đầu tiên là vào tháng 10 năm 2010, tôi được gặp ông để thực hiện cuộc phỏng vấn nhân chuyến ông về thăm lại quê hương Trà Vinh. Lúc ấy, sức khỏe ông đã suy giảm nhiều, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Giao lưu với các văn nghệ sĩ Trà Vinh, ông hát bài “Anh không chết đâu em” khiến ai cũng cảm thấy gần gũi với sự chân tình, dễ mến và pha chút hài hước. Lần thứ hai là vào năm 2013 tại nhà riêng của ông ở Thành phố Hồ Chí Minh, dịp ông tặng cho Bảo tàng Trà Vinh cây đờn tranh đã theo ông hơn 50 năm, gắn bó với ông trong mỗi niềm vui, nỗi buồn.
Mỗi lần gặp mặt, ông đều rưng rưng. Ông tự nhận mình là người mau nước mắt, nhất là mỗi khi ai đó nhắc đến hai tiếng Trà Vinh. Trong câu chuyện kể với tôi, ông cho biết, ông sinh năm 1922, tên thật là Huỳnh Trí Bá, còn bút danh Viễn Châu là để nhắc nhở ông là người con của xứ Đôn Châu (nay là xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã lìa quê, xa xứ. Song thân của ông là ông Huỳnh Văn Trạch và bà Tô Thị Tính. Ông thứ bảy trong gia đình nên mọi người gọi thân mật là Bảy Bá. Sinh ra trong gia đình Nho giáo, ông sớm bộc lộ thiên chất về âm nhạc, văn thơ và ông viết văn làm thơ từ lúc còn rất nhỏ và được đăng trên một số báo lúc bấy giờ như Dân Mới, Tổng xã mới. Chàng trai Huỳnh Trí Bá sớm đàn thạo các nhạc cụ truyền thống. Năm 1946, người anh thứ sáu của ông là ông Huỳnh Thanh Tòng bị giặc Pháp sát hại và cũng năm đó Huỳnh Trí Bá lìa xứ Đôn Châu, ôm cây đàn tranh lên Sài Gòn một mình kiếm sống ở các quán văn nghệ và đoàn hát. Lang thang trên đất Sài Gòn, ông được người anh trong làng cổ nhạc lúc bấy giờ và cũng là đồng hương Trà Vinh, nhạc sư Hồng Tấn Phát giúp đỡ rất nhiều, giúp ông bén duyên với giới cổ nhạc Sài Gòn. 
Trước khi người mộ điệu biết đến ông với vai trò là một soạn giả thì ông được nhạc giới biết đến là danh cầm tuyệt diệu với ngón đờn tranh mẫn tuyệt không ai sánh bằng. Một thời ông cùng các nhạc sĩ Văn Vĩ (học trò nhạc sư Hồng Tấn Phát) và nhạc sĩ Năm Cơ hợp thành bộ ba huyền thoại “Cơ – Bá - Vĩ” trong làng nhạc cổ Việt Nam mà đến nay chưa ai dám sánh. Ông được nghệ sĩ Năm Châu trong đoàn Việt kịch Năm Châu, giúp đỡ, hướng dẫn ông sáng tác. Với vai trò là một soạn giả, ông có gia tài đồ sộ mà bất cứ một soạn giả nào cũng mơ ước. Tay đàn tay viết, ông đã mang đến cho đời hơn hai ngàn bài ca vọng cổ và hơn trăm vở cải lương. Tên tuổi của NSND Viễn Châu thân quen với tất cả những người Nam bộ qua những bài ca có lẽ sẽ còn trường tồn mãi mãi với văn hóa dân tộc như: “Tình anh bán chiếu”, “Võ Đông Sơ”, “Bạch Thu Hà”, “Lá trầu xanh”, “Tần Quỳnh khóc bạn”…
 

NSND Viễn Châu tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2013

Người cách tân bài vọng cổ
Ông có công rất lớn trong việc cách tân bài vọng cổ và cho nó có thêm sức sống mới, bám chặt rễ vào hồn người. Nếu như nhạc sĩ Cao Văn Lầu đẻ ra bài Dạ cổ hoài lang thì NSND Viễn Châu chính là người nuôi dưỡng và không ngừng đổi mới, trau chuốt cho nó lộng lẫy hơn. Ông đã sáng tạo ra tân cổ giao duyên, vọng cổ hài. Trong lần phỏng vấn ông cách đây 20 năm trong chương trình Tạp chí Văn nghệ của Đài Truyền hình Trà Vinh, ông cho rằng ông sáng tạo nên thể loại tân cổ giao duyên khoảng thập niên 1960. Ban đầu, ông có ý tưởng kết hợp hai dòng âm nhạc: phương Tây và âm nhạc ngũ cung, đặc biệt bản Vọng cổ có cùng nhịp. Ý tưởng đó cứ thôi thúc ông và đêm về, bên gác trọ khi mọi người ngủ say, ông ôm đờn mandolin dạo thử những bản quen và ông tìm ra sự tương đồng có thể đưa vào đầu câu vọng cổ thay thế cho những câu nói lối và ông cũng mạnh dạn lượt bỏ bớt câu 3 và câu 5 trong bài vọng cổ (6 câu). Ý tưởng lạ này của ông bị trở ngại bởi không nhạc sĩ tân nhạc nào chấp nhận đưa nhạc cho ông lồng vào vọng cổ vì sợ hư nhạc của họ. Ông tự sáng tác nhạc và những bài “Cô hàng chè tươi”, “Võ Đông Sơ”, “Bạch Thu Hà”, ‘Phàn Lê Huê” ... ra đời. Khi những bài tân cổ giao duyên này ra đời, ông cũng bị đả kích rất nhiều từ những tư tưởng khác nhau. Nhiều người cho rằng đây là sự lai căng, phá hỏng đặc tính bài vọng cổ. Thế nhưng ông vẫn không lung lai ý chí, những bài tân cổ giao duyên của ông vẫn tiếp tục ra đời và dần thu phục lòng yêu mến của công chúng. Đến 1964, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đưa Viễn Châu bài tân nhạc “Chàng là ai” để ông đưa vào bài vọng cổ. Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy cho biết, khi sáng tác xong, Viễn Châu đưa cho cô bài hát “Chàng là ai”, thấy Lệ Thủy ngần ngại vì đây là thể loại hoàn toàn mới, Viễn Châu trấn an rằng “bây cứ ca đi, biết đâu sau này bây nổi tiếng vì bài ca này”. Thế là Lệ Thủy trở thành người “thí nghiệm” đầu tiên cho thể loại tân cổ giao duyên. Và thật vậy, tên tuổi của Lệ Thủy thêm một dấu ấn khi nhắc đến là người ca tân cổ giao duyên đầu tiên. Bài ca “Chàng là ai” được thu tại hãng dĩa Hồng Hoa. Với tiếng trống đệm đầu của tác giả ca khúc Mưa rừng, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã gây thêm ấn tượng mới lạ cho người nghe. Thể loại tân cổ giao duyên chính thức ra đời từ đây và tên của đứa con mới này cũng chính ông đặt cho. Bà bầu Kim Chưởng nhận xét rằng Viễn Châu là người đã nâng bản vọng cổ lên một sắc thái mới khiến nó trở nên hay hơn, đẹp hơn, từ nhạc điệu, ý thơ đến tính văn học, điển tích và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn đong đầy trong hàng ngàn tác phẩm của ông: “Anh là người đã mạnh dạn cách tân bằng việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ, góp phần làm cho nó quyến rũ hơn, sinh động hơn, nâng lên một tầm vóc mới”. Tân cổ giao duyên có sức sống mãnh liệt cho đến ngày hôm nay, được mọi người yêu thích.
Thể loại vọng cổ hài được Viễn Châu sáng tạo trong một lần tình cờ ông và ông chủ hãng dĩa Hồng Hoa đến giải trí trường Thị Nghè của nghệ sĩ Lệ Liễu để xem hát và cũng để chọn nghệ sĩ có chất giọng về thu cho hãng dĩa. Lần đầu tiên Viễn Châu gặp nghệ sĩ Văn Hường, nghe Văn Hường ca vọng cổ ông nhận ra chất giọng lạ, có nét hài hước trong khi ca và ông đề nghị với chủ hãng dĩa Hồng Hoa, ông sẽ viết vọng cổ với nội dung hài hước để mời nghệ sĩ Văn Hường về ca. Chủ hãng dĩa Hồng Hoa đồng ý ngay. Ông viết bài vọng cổ hài đầu tiên cho Văn Hường ca là bài “Đêm tân hôn”. Khi thể loại vọng cổ hài ra đời, Viễn Châu cũng chịu không ít những áp lực từ người trong giới. Họ cho rằng, vọng cổ phải mang tính chất bi hoặc hùng, đưa hài vào vọng cổ là phá vỡ tính nghiêm túc từ cách ca của người nghệ sĩ lẫn nội dung bài ca. Nhưng Viễn Châu không nản chí (như trường hợp bài tân cổ giao duyên). Ông nhận ra thị hiếu thẩm mỹ của công chúng đương đại là họ cần một luồng gió mới và ông vẫn tiếp tục viết, bất chấp sự bàn tán của những người trong giới. Vậy là, một loạt bài vọng cổ hài ra đời: “Tư ếch xem đại nhạc hội”, “Văn Hường đi Suzuki”, “Tôi thua số đuôi” ... được công chúng nhiệt tình đón nhận như một luồng gió mới. Viễn Châu lại một lần nữa thành công và ông minh chứng cho mọi người thấy rằng sự sáng tạo, cách tân trong nghệ thuật, nhất là bài vọng cổ là không dừng lại. Mặt khác, ông dám vượt lên trên dư luận để sáng tạo, mà những sáng tạo đó ông cho là đúng, là phù hợp với thị hiếu của người đương thời. Chính những cách tân này tạo cho bản vọng cổ thêm phong phú hơn. 
Khi được hỏi, ý tưởng từ đâu ông đã sáng tác hơn 2 ngàn bài ca vọng cổ? Với giọng điệu và cách nói ví von, ông cho rằng mình như một người tiều phu, mỗi ngày ông lên rừng đốn về một bó củi, đốn riết thì đầy nhà, không có gì lạ. 
Là người nổi tiếng nhưng ông luôn sống giản dị, khiêm tốn và được giới nghệ sĩ cải lương trân trọng, yêu mến gọi ông với những ngôn từ thân mật nhất, thầy Bảy, ba Bảy... Viễn Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988, năm 2006 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là Người sáng tác vọng cổ nhiều nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ngày 01 tháng 02 năm 2016, NSND Viễn Châu vĩnh viễn ra đi để lại tiếc thương cho gia đình, giới văn nghệ sĩ và người mộ điệu./.

Nguyễn Văn Chót 

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Chót (2014), Nghệ nhân Đờn ca Tài tử Trà Vinh, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường ĐHTV.
2. Vương Hồng Sển (2007), Hồi ký 50 năm mê hát cải lương, NXB Trẻ.
3. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2011), Góp phần Nghiên cứu Đờn ca Tài tử Nam bộ, Nxb Âm nhạc.
4. Sở Văn hóa thông tin Trà Vinh phát hành (2000), Nhân vật chí Trà Vinh, Tr.35-37; 178-180.

Tin khác