Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021
Lượt xem: 1939
Ngày 06/5/2021, ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 795/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2021 (Kế hoạch). Việc ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng trong năm 2021 và những năm tiếp theo... 

Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được trưng bày nhân Trà Vinh 
tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM

Thực tế, lĩnh vực ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những bất cập, cần tập trung lãnh đạo, định hướng. Thông tin từ lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thực hiện nhiệm vụ ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 286 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và 324 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp: thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phương tiện vận chuyển giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, thu 194 mẫu thực phẩm phân tích giám sát chất lượng ATTP và 188 mẫu vật vật tư nông nghiệp kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng. Kết quả đã phát hiện 03/194 mẫu thực phẩm không đạt (chiếm 1,55%, giảm 1,95% so với năm 2019); 41/188 mẫu vật tư nông nghiệp không đạt (chiếm 21,8%, giảm 4,6% so với năm 2019) và 83 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, vi phạm quy định về chất lượng, kinh doanh sản phẩm chưa được phép lưu hành, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa sản phẩm; các ngành chức năng đã xử phạt hành chính hơn 540,97 triệu đồng.
Với mục tiêu hướng đến nhằm đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, góp phần đảm bảo mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững, Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 được ban hành. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản với nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, XDNTM; xây dựng và mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng ATTP. Tổ chức sản xuất, tiêu thụ và kết nối của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh, cung cấp thông tin về các chuỗi ATTP, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến khác: VietGAP, GMP, HACCP..., thiết lập liên kết các cơ sở với các kênh phân phối sản phẩm. Tham gia các hội nghị, hội chợ nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn. Mở rộng vùng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, bày bán nông sản, thủy sản tươi sống. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn.
Kế hoạch ra đời, là “cẩm nang” giúp Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản trong quá trình triển khai, quản lý các nhiệm vụ được phân công, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP như: hoạt động kinh doanh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kiểm soát giết mổ, quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm theo hướng dẫn của các cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ NN-PTNT. Giúp nhận thức người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng về chất lượng vật tư nông nghiệp và người tiêu dùng về ATTP được nâng lên. Công tác giám sát ATTP các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực bằng hình thức lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng ATTP tại các cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh từng bước quan tâm đầu tư nâng cấp điều kiện cơ sở, mua sắm trang thiết bị dụng cụ theo tiêu chuẩn và duy trì tốt điều kiện vệ sinh tại cơ sở... đáp ứng quy định về điều kiện ATTP.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở NN-PTNT nỗ lực phấn đấu năm 2021 có 100% nhiệm vụ, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thẩm định đánh giá định kỳ về điều kiện ATTP; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được xếp loại A, B đạt 100% và không có cơ sở xếp loại C. Có 80% cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP ký cam kết sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2020; tiếp tục kiểm soát hiệu quả không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi./.

 Trường Nguyên

Tin khác