Chùa Ấp Sóc - Cơ sở cách mạng kiên trung
Lượt xem: 2211
Chi chít những vết đạn còn hằn sâu trên cột, kèo, vách...của ngôi chính điện là dấu tích của những đợt tấn công bằng nhiều loại vũ khí mà Mỹ ngụy đã không thương tiếc trút vào chốn thờ tự thâm nghiêm này để đánh úp, tiêu diệt lực lượng cách mạng. Nhưng chúng làm sao hiểu được những vị sư ở đây đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng thì cũng có thừa sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cơ sở, bảo vệ cán bộ. Các vị sư sãi chùa Ấp Sóc, đã nêu cao tấm gương vì đạo pháp, vì dân tộc.

Chính điện chùa Ấp Sóc

 Chùa Ấp Sóc (chùa Bodhiculàmani)mà người dân trong vùng còn quen gọi là chùa Ất thuộcxã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Đến với ấp Sóc ngày nay, bộ mặt nông thôn đã đổi thay nhiều và đã cùng xã Huyền Hội xây dựng thành công xã nông thôn mới.Đâu ai nghĩ rằng, nơi đây xưa kia là “vùng đất chết” bởi sự đàn áp đến tàn tệ của chế độ thực dân phong kiến đối với người dân, nhất là người Khmer.Lòng dân căm phẫn, oán hận sục sôi nhưng ngọn lửa ấy chỉ cháy âm ỉ chưa có ngày bùng phát. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là lúc Đảng bộ Huyền Hội được thành lập thì đồng bào các dân tộc, nhất là những người dân bị áp bức đã đoàn kết cùng nhau một lòng theo Đảng, tham gia kháng chiến, vùng dậytạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ lan rộng khắp vùng nông thôn Huyền Hội. Phong trào cách mạng ở đây diễn ra khá sớm, trước 1945 dù chưa được chuẩn bị kỹ nhưng đến ngày cướp chính quyền thì nhân dân nhất tề nổi dậy,tạo khí thế áp đảo và nhanh chóng giành được chính quyền về tay nhân dân. Điều đó cho thấy sức chịu đựng của người dân bị đàn áp dồn nén quá lâu, nay đã đến dịp bùng phát. Thành quả này là tiền đề quan trọng mở đầu cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của quân và dân Huyền Hội, trong đó chùa Ấp Sóc là nơi khởi xướng.

Trong buổi đầu đấu tranh cách mạng cũng như về sau, chùa Ấp Sóc trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, cơ sở cách mạng kiên trung và là nơi nuôi chứa,bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng, luôn đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, đặc biệt là vai trò của các vị sư sãi giàu lòng yêu nước. Hơn ai hết, các vị sư cũng là con của những người nông dân mất đất, thấu hiểu nỗi cùng cực của người dân mất nước, chịu áp bức của chế độ thực dân phong kiến trong thời gian dài. Nay nhờ ánh sáng của Đảng chiếu rọi vào nên sẵn sàng theo Đảng để làm cuộc cách mạng mới mong thoát khỏi kiếp đời nô lệ.Trong thời chống Pháp, tấm gương tiên phong nhà sư nuôi chứa cán bộ cách mạng phải kể đến sư cả Thạch Kim. Những năm 1945 - 1946, bằng uy tín của mình đối với sư sãi, bà con phật tử...vị sư cả Thạch Kim đã đưa nhiều cán bộ xã về chùa nuôi chứa hòng qua mắt giặc. Từ đây các vị sư cả nối tiếp nhau ủng hộ cho cách mạng.

Như giai đoạn 1948-1954, sư cả Thạch Yên âm thầm cho đào hầm bí mật dưới những bụi tre già khắp khuôn viên chùa để giấu che cán bộ. Vì lúc này, các đảng viên trong xã thường mất liên lạc do bọn mật thám lùng sục khắp nơi, các tổ chức chính quyền cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Được sự che chở của các nhà sư, cơ sở cách mạng tại chùa Ấp Sóc không chỉ an toàn về địa điểm mà còn an toàn về thế trận lòng dân. Bởi từ bà con phật tử đến các vị sư sãi đều tận tâm, tận lực nuôi chứa, bảo vệ cán bộ. Chính vì người dân một lòng theo cách mạng nên sau này, các cơ quan tỉnh, huyện luôn chọn Huyền Hội là nơi đứng chân.Trong thời gian làm trụ trì từ năm 1948 đến năm 1954, sư cả Thạch Yên đã nuôi chứa nhiều đồng chí mà sau này trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Nguyễn Đáng(Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa V-Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long), đồng chí Hồ Nam(Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long), ông Ma Ha Sơn Thông (Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội khóa VII), đồng chí Phạm Hồng Phước, Phạm Thành Thưởng, Phan Văn Xuyên....đều trở thành Ủyviên Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh,là những hạt nhân của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Sau thời gian, bọn mật thám đánh hơi được chùa là nơi nuôi chứa, bảo vệcán bộ nên chúng vây ráp, lùng sục và sẵn sàngnã đạn bất cứ lúc nào vào nơi thờ tự tôn nghiêm này. Nhiều lần, địch dùng hỏa lực mạnh để hòng san phẳng ngôi chùa vì chúng đoán được các vị sư đang nuôi chứa cán bộ. Nhưng bằng sự mưu trí khôn khéo của các vị sư, chúng không đủ bằng chứng nên không thể làm gì được.Rồi chúng bắn pháo vào chùa, chúng gọi là “bắn nhầm”, thực chất là để uy hiếp các vị sư từ bỏ ý định theo cách mạng. Nhưng rất may, trái pháo không rơi đúng vị trí mà chúng mong muốn, chỉ làm hỏng một góc chính điện và dấu vết trái pháo ấy vẫn còn hằn chi chít trên vách, cột, kèo cho đến hôm nay. Trong tình hình nguy cấp có khả năng sẽ bị bại lộ, để bảo vệ sự an toàn cho các cán bộ, sư cả Thạch Yên đã bí mật làm một căn gác trên nóc chính điện để cán bộ có thể lẩn tránh nhiều ngày nếu như giặc vào chùa truy xét. Đây là quyết định táo bạo của sư cả Thạch Yên bởichính điệnlà nơi thờ Phật cũng là chốn hành lễ tôn nghiêm, bất khả xâm phạm. Sư cả như Thạch Yên biết rõ điều đó nhưng sư cả cũng thấu hiểu chân lý phải góp sức mình để cứu lấy dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ, máu đổ đầu rơi, chúng sinh khổ ải cũng là hợp với giáo lý nhà Phật. Chính quyết định táo bạo nàyđã qua được mắt giặc, an toàn cho cơ sở và các cán bộ ta trong thời gian dài. Sư cả Thạch Yên đã đưa nhiều đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Đáng lên căn gác của ngôi chính điện để nuôi chứa bằng chính hạt cơm dâng lục của đồng bào trong phum sóc. Việc làm đó cho thấy tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của sư cả Thạch Yên, một tấm gương vì đạo pháp - dân tộc.

La phông trần chính điện nơi sư cả Thạch Yên làm căn gác bí mật cho cán bộ ẩn náu

 Tại chùa Ấp Sóc mỗi khi địch càn vào thì những tiếng trống bất thường, những tiếng tụng kinh của các vị sư cũng trở thành tín hiệu báo tin cho cán bộ cách mạng biết mà lẩn tránh. Trong Tăng xá, Sa la...và ngay ở chính điện cũng trở thành địa điểm sinh hoạt, hội họp của các cơ quan tỉnh, huyện và Chi bộ xã để bàn bạc trao đổi, phổ biến các nhiệm vụ, chủ trương của Đảng.

Năm 1959, sư cả Thạch Yên hoàn tục, sư cả Thạch Niện thay thế và cũng nối tiếp truyền thống yêu nước của người tiền nhiệm mà hết lòng giúp đỡ cách mạng. Từ đây cho đến ngày giải phóng, ngoài việc âm thầm nuôi chứa cán bộ, các vị sư sãi chùa Ấp Sóc đã cùng với bà con phật tử, nhân dân dưới sự chỉ đạo của Chi bộ xã Huyền Hội liên tục có những cuộc đấu tranh trực diện với địch tại tề xã, tham gia cuộc biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, chống bắt lính, chống luật 10/59 của Ngô Đình Diệm v.v… Ngoài ra, các vị sư sãi cũng vận động đồng bào phật tử quyên góp của cải vật chất để đóng góp cho cách mạng.

Với tinh thần xuất gia không xuất thế, trong cơn Tổ quốclâm nguy các vị sư chùa Ấp Sóc đã cùng với nhân dân dũng cảm đấu tranh trên nhiều mặt trận để đẩy lùi âm mưu của kẻ thù. Tiêu biểu như hai vị lục Chuông và lục Bông bằng sự dũng cảm và mưu trí “trá hàng”đã dẫn dụ 70 tên lính thuộc đại đội biệt kích đặc biệt của tỉnh Trà Vinh vào tròng để tiêu diệt. Hay tấm gương của 08 vị sư đi đầu đấu tranh liên tục vào đồn bót, làm tan rã hàng ngũ của địch và san bằng đồn Giồng Trăng. Những tên lính ngụy ở Huyền Hội luôn cảnh giác với các vị sư chùa Ấp Sóc và chúng gọi các vị sư sãi là “Lục A-Ka”.

Trong những trận đấu tranh không khoan nhượng, nhiều vị sư sãi của chùa đã ngã xuống để bảo vệ cho sự an toàn của các cán bộ mà nhà chùa đã chở che cũng như trong quá trình đấu tranh để bảo vệ đồng bào. Ngay trong lúc kháng chiến cũng như sau ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp quan trọng đó và đã truy tặng, phong tặng những danh hiệu cao quí cho các sư sãi chùa Ấp Sóc qua hai cuộc kháng chiến.Riêng sư cả Thạch Yên được Chủ tịch nước tặng huân chương kháng chiến hạng Nhì và chùa Ấp Sóc được Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tặng giấy khen vì đã có thành tích qua hai thời kỳ kháng chiến và thực hiện tốt công tác xã hội.

Chùa Ấp Sóc đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc giải phóng đất nước, là biểu trưng cho tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh- Khmer sát cánh bên nhau trong đấu tranh giành độc lập. Đây là sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, chính sức mạnh tổng hợp ấy đã đưa cuộc kháng chiến cứu nước mau chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chùa Ấp Sóc được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia năm 2009. Đây là bài học lịch sử thực tế sống động cho tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết hai dân tộc Kinh-Khmer trong công cuộc đấu tranh vệ quốc hôm qua và xây dựng hôm nay.

Sau ngày đất nước giải phóng,các thế hệ sư sãi cùng chính quyền các cấp trùng tu, xây dựng chùa Ấp Sóc ngày một khang trang hơn để làm nơi thờ tự và là nơi tu học, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer.

Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, các vị sư sãi chùa Ấp Sóc đi đầu trong việc tập hợp đồng bào phật tử cùng với quần chúng nhân dân,Đảng bộ, chính quyền xã Huyền Hội bắt tay vào xây dựng đất nước, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Chùa tuyên truyền vận động bà con đồng bào phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Nhà chùa luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống nhân dân, giúp cho phum sóc được yên vui, người dân yên tâm lao động sản xuất, làm giàu ngay trên chính quê hương giàu truyền thống của mình.

Năm 2020, xã Huyền Hội xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có phần không nhỏ của các vị sư sãi cùng bà con phật tử chùa Ấp Sóc. Trải qua các thời kỳ, chùa Ấp Sóc vẫn là cơ sở cách mạng kiên trung, biểu trưng cho tinh thần đoàn kết dân tộc./.

Vĩnh Trà 

1 người đã bình chọn
Tin khác