Năm Cơ - nhạc sĩ tài danh của làng cổ nhạc miền Nam
Lượt xem: 3929
Mảnh đất Trà Vinh vốn sinh ra nhiều nhạc sĩ tên tuổi lẫy lừng trong nhạc giới tài tử, cải lương như: Hồng Tấn Phát, Bảy Bá (NSND Viễn Châu), Năm Cơ... Với ngón đờn kìm, sến điêu luyện, nhạc sĩ Năm Cơ có nhiều cống hiến cho âm nhạc dân tộc và luôn được nhạc giới tài tử, cải lương ở Nam bộ dành cho sự kính trọng đặc biệt đối với một tài danh.

Chân dung nhạc sĩ Năm Cơ

 Nhạc sĩ Năm Cơ tên thật là Dương Văn Cơ, sinh năm 1917 tại Thị Ròn, nay thuộc ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ông thứ năm trong gia đình nên mọi người gọi thân mật là Năm Cơ. Thân phụ là người gốc Triều Châu và biết đờn những bản nhạc Tiều nên Dương Văn Cơ sớm tiếp cận với âm nhạc và được cha dạy cho đờn đoản. Vốn có năng khiếu trời ban, lại được tiếp xúc hàng ngày nên cậu bé Dương Văn Cơ nhanh chóng đờn thuần thục cây đờn đoản. Nhà nghèo, nên khi còn rất nhỏ Dương Văn Cơ phải đi chăn bò thuê cho người cô ruột và cây đờn đoản chính là “người bạn” gắn bó với ông trong những lúc nghêu ngao ngoài đồng. Thập niên 1930, Đờn ca tài tử phát triển và là món ăn tinh thần chính, nhất là ở những vùng nông thôn, đã mê hoặc chàng trai Dương Văn Cơ. Nhưng do không có điều kiện mướn thầy về dạy đờn những bản nhạc tài tử nên chủ yếu là ông tự học.

Cuối thập niên 1930, bản Vọng cổ được mở rộng từ nhịp 8 thành nhịp 16 như một luồng gió mới và được công chúng đón nhận nhiệt tình. Nhiều dĩa hát Vọng cổ nhịp 16 được thu thanh và phát hành rộng rãi khắp Nam bộ. Trong đó, dĩa hát Khóc mồ bạn do hãng Pathé sản xuất rất thịnh hành với giọng ca cô Ba Bến Tre. Tiếng đờn kìm, sến điêu luyện của danh cầm Sáu Tửng trong dĩa hát trên đã cuốn hút chàng trai Dương Văn Cơ nên ông “học lóm” tập đờn theo. Cũng xin nói thêm “học lóm” là hiện tượng khá phổ biến trong giới đờn ca tài tử, cải lương lúc bấy giờ. Người có năng khiếu mua dĩa về tự học đờn, ca theo thần tượng của mình mà không có người thầy trực tiếp chỉ dạy. Năm 1969, sau khi thành danh trong giới cổ nhạc Sài Gòn, Năm Cơ may mắn được đờn chung với thần tượng của mình là nhạc sĩ Sáu Tửng trong hai cuốn băng Nam Bình I và II do nhạc sư Vĩnh Bảo thâu thanh và phát hành.

Nhờ thiên phú nên dù chỉ “học lóm” qua dĩa hát nhưng ngón đờn kìm của Năm Cơ lại nhanh chóng nổi tiếng trong vùng, vượt ra khỏi lũy tre làng của vùng đất quê Thị Ròn. Và ngón đờn ấy còn có thể vang xa hơn. Sau sự tan vỡ trong hôn nhân, năm 1948, Năm Cơ xách cây đờn kìm lên Sài Gòn tìm thêm bạn tri âm, đồng điệu và cũng là tìm kế mưu sinh.

Thập niên 1945 về sau, ở Sài Gòn các nhóm nhạc tài tử khá “đắc show”, họ luôn được mời để biểu diễn mở màn cho buổi chiếu phim hay diễn ở nhà hàng, làm phần quảng cáo cho nhà thuốc, nhà buôn vải, tiệm vàng... Vì vậy, khi đặt chân lên Sài Gòn, Năm Cơ được mời đờn cho quán Mỹ Linh, sau đó gia nhập nhóm tài tử của Bảy Bửu để đờn ca và bán thuốc cao đơn hườn tán hiệu Đại Từ Bi. Nhiệm vụ của Năm Cơ là đờn để quảng cáo, thu hút người đến mua thuốc. Thời gian này, ông gặp được nhạc sĩ Bảy Bá (NSND Viễn Châu) và Hai Phát (nhạc sư Hồng Tấn Phát) đều là người gốc Trà Vinh. NSND Viễn Châu có lần đã chia sẻ: “Tôi lên Sài Gòn được mấy năm thì anh Năm Cơ cũng lên. Làng tôi cách làng anh Năm một cánh đồng, anh em cũng đã từng gặp nhau ở quê qua những buổi đờn ca. Chúng tôi được anh Hai Phát giới thiệu với anh em trong giới đờn ca nên có điều kiện tiếp xúc và tiến bộ trong nghề cũng như giúp nhau trong mưu sinh”. Hai năm sau khi đặt chân lên đất Sài Gòn hoa lệ, được sự giới thiệu của các anh em đồng hương, Năm Cơ có dịp làm quen với những nhạc sĩ danh tiếng và được nhiều người chú ý với ngón đờn kìm, sến.

Khi Đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ, thu hút công chúng thì các hãng dĩa nhựa như Việt Hải, Hồng Hoa, Pathé, Asia, Béka, Ocora... cũng chú trọng đến việc thâu thanh và phát hành rộng khắp miền Nam cũng như ở nước ngoài. Nhạc sĩ Năm Cơ và nhiều nhạc sĩ khác có cơ hội đưa tiếng đờn của mình vượt khỏi không gian hạn hẹp trong những buổi biểu diễn tại nhà hàng hay các hiệu thuốc đến với rộng rãi hơn... Dấu ấn đầu tiên của nhạc sĩ Năm Cơ là ông được hãng dĩa Hoành Sơn mời đờn kìm độc chiếc cho cô Ba Trà Vinh ca 20 câu vọng cổ trong dĩa “Nợ nước tình nhà”. Cuối thập niên 1950 về sau, ngón đờn kìm, sến của nhạc sĩ Năm Cơ vang danh đất Sài Gòn và khắp cả miền Nam khi đờn cho các hãng dĩa như Hồng Hoa, Việt Hải, Việt Nam... các đài phát thanh và được các đại bang cải lương danh tiếng như: Kim Chung, Hoa Sen, đoàn Bầu Thắng (hát Bội), Ban cổ nhạc Đồng Nai, Ban Hoa tình thương - Thành Công... săn đón.

Dĩa hát của hãng dĩa Việt Nam do nhạc sĩ Năm Cơ đờn cộng tác

 Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, có lẽ may mắn lớn nhất của nhạc sĩ Năm Cơ là gặp được nhạc sĩ Bảy Bá và nhạc sĩ Văn Vỹ, những người bạn tri âm, tri kỷ để cùng nhau nắn phím so dây tạo nên những bản đờn bất hủ để lại cho đời sau. Mỗi người sở hữu tài năng diễn tấu một nhạc cụ: Năm Cơ đờn kìm và sến, Bảy Bá đờn tranh, Văn Vỹ đờn guitare đã tạo nên làn sóng đặc biệt yêu thích cổ nhạc. Giới cổ nhạc lẫn báo giới kịch trường thời ấy không tiếc lời khen ngợi dành cho ba danh cầm này với những mỹ từ: “bộ ba độc nhất vô nhị”, “bộ ba huyền thoại” (Cơ - Bá - Vỹ), “cặp sóng thần làng cổ nhạc” (Cơ - Bá, Cơ - Vỹ) ...

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cảm nhận tiếng đờn của “bộ ba huyền thoại” này là một sự hòa quyện trọn vẹn: “Tiếng đàn sến hoặc kìm của Năm Cơ nghe rất xôm tụ, hợp cùng tiếng đàn guitare phím lõm chín chữ và huyền ảo, ngọt ngào của Văn Vĩ, lại cộng thêm tiếng đàn tranh bay bướm, óng chuốt của Bảy Bá trong dĩa “Nam Bình 2” đệm cho nghệ sĩ Thành Được ca bài vọng cổ “Thư về quê mẹ” và nghệ sĩ Út Bạch Lan qua bài vọng cổ “Lan và Điệp” hấp dẫn người nghe đến lạ lùng. Thưởng thức tiếng đàn của bộ ba này có thể ví như được chiêm ngưỡng tấm thảm muôn màu, muôn vẻ cho thấy sự hòa quyện thắm thiết, như “bạn vàng gặp bạn vàng”. Những âm điệu đó đã để lại trong lòng người mộ điệu một dấu ấn khó phai”.

Sở dĩ có được sự hòa quyện như vậy, theo NSND Viễn Châu: “Ba chúng tôi hòa đờn chung với nhau hàng ngày trên Đài phát thanh, đám tiệc hoặc đờn cho hãng dĩa. Đờn chung riết rồi quen hơi bén tiếng, hiểu tánh ý với nhau trong từng chữ đờn. Người này đờn một vài chữ là người kia biết ngay, đờn nối vô nó hài hòa vô cùng. Không cần phải nói, chỉ nghe tiếng đờn là hiểu ý nhau từng chút mà quăng, bắt một cách nhịp nhàng. Chính lối đờn hòa quyện như vậy làm cho người đờn lẫn người nghe thích thú. Nói trong nghề là ăn khớp, là đồng điệu với nhau giống như Bá Nha, Tử Kỳ. Ngoài cái hay, cái đẹp ra, khán thính giả mộ điệu còn yêu mến anh em chúng tôi ở lối đờn nhường nhịn nhau, không đờn “mắc mú” hơn thua nhau”. Ngoài tài năng, họ còn được yêu mến bởi cốt cách, cái tình nghệ sĩ dành cho nhau. “Cái duyên nợ của cổ nhạc nó lạ lắm. Tôi gặp anh Năm Cơ trước, đến khi đờn cho Đài phát thanh thì gặp được Văn Vỹ. Chính tiếng đờn và tánh ý hợp nhau nên đã gắn kết ba chúng tôi hơn 30 năm trong nghề cũng như cuộc sống. Anh em gặp nhau là nói chuyện cổ nhạc. Nói chuyện gì một chút cũng ôm ba cây đờn hòa với nhau. Nhận được lời mời đờn ở đâu là tui yêu cầu phải có anh Năm Cơ và Văn Vỹ đờn chung. Năm Cơ và Văn Vỹ cũng vậy.” - NSND Viễn Châu chia sẻ thêm.

Nhạc sĩ Năm Cơ (bìa phải) cùng nhạc sĩ Văn Vỹ (giữa) và

nhạc sĩ Bảy Bá - NSND Viễn Châu (bìa trái)

Cả ba nhạc sĩ lừng danh trong giới cổ nhạc thì có đến hai người (Năm Cơ - Bảy Bá) xuất thân từ Trà Vinh và người còn lại là nhạc sĩ Văn Vỹ là học trò của nhạc sư Hồng Tấn Phát cũng là người Trà Vinh. Như vậy chúng ta có quyền tự hào về mảnh đất Trà Vinh đã sản sinh ra những tài danh cho làng cổ nhạc nước nhà.

 Cho đến tận bây giờ, người trong giới vẫn đánh giá cao tiếng đờn kìm, sến của nhạc sĩ Năm Cơ. Khi độc tấu, ông khảy lên vài chữ rao, bốn ngón tay trái thần diệu lướt nhẹ nhàng trên đôi dây, phát ra những thanh âm giòn tan, “tròn vành rõ nghĩa”. Lối đờn của nhạc sĩ Năm Cơ rất chân phương, cách sắp chữ đờn tài tình, chẻ nhịp sắc sảo, quăng bắt lôi cuốn, nhấn nhá sâu lắng. Thâm trầm nhất là chữ "xang" ông nhấn nghe miên man, nức nở. Ông đờn điệu Bắc thì khoan thai, điệu Nam - Oán thì mùi mẫn. Khi hòa tấu, ông không đờn “mắc mỏ” dễ gợi cảm hứng cho người cùng hòa đờn. Có lúc đang đờn, ông đơn phương ngừng nghỉ, rồi ngẫu hứng hòa vào mà người trong giới gọi là ra vô, quăng bắt rất nhịp nhàng.

 Tiếng đờn phần nào cũng nói lên tính người. Những người quen biết nhạc sĩ Năm Cơ đều có chung cảm nhận, tính tình ông cũng hiền như chính tiếng đờn. Ông không hơn thua, tranh cãi với bất cứ ai, ít nói nhưng mỗi khi nói rất dí dỏm, hài hước, vì vậy ông luôn được người trong giới yêu mến.

Tiếng đờn của nhạc sĩ Năm Cơ đã ghi dấu trong hàng trăm tác phẩm. Đó là những bản độc tấu, hòa tấu hay đệm cho các nghệ sĩ ca bài ca lẻ, các vở cải lương thu thanh cho các hãng dĩa, đài phát thanh trước và sau giải phóng. Trong ba thập niên từ 1960 đến 1980, ngón đờn kìm và sến của nhạc sĩ Năm Cơ đã góp phần chắp cánh cho tên tuổi của nhiều nghệ nhân tài tử, nghệ sĩ cải lương bay bổng như: Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Hữu Phước, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Tấn Tài, Minh Vương, Lệ Thủy... Sau năm 1975, nhạc sĩ Năm Cơ tiếp tục cộng tác cho hãng băng dĩa, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

Tiếng đờn của nhạc sĩ Năm Cơ (đặc biệt là đờn sến) sau này được không ít các nhạc sĩ trẻ học theo, tạo thành trường phái “chữ đờn Năm Cơ”. Điều đó cho thấy ông đã tạo dấu ấn rất lớn và lan tỏa cho đến ngày hôm nay, lưu lại hậu thế tiếng đờn, chữ đờn của bậc danh cầm tài hoa.  

Nhạc sĩ Năm Cơ đã dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật. Trước ngày mất, ông còn đờn cho Đài phát thanh và hẹn 9 giờ hôm sau quay lại đờn tiếp... Nhưng ngày hôm sau ấy, cả dàn nhạc chờ mà không thấy ông đến, tìm đến nhà thì biết ông đã trút hơi thở cuối cùng (ngày 11/1/1980) để lại bản đờn dang dở và cả sự nuối tiếc cho giới cổ nhạc cùng người mộ điệu. Nhạc sĩ Năm Cơ được an táng tại nghĩa trang Hội nghệ sĩ Ái hữu ở Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh thần tượng của mình là danh cầm Sáu Tửng.

Tên tuổi của nhạc sĩ Năm Cơ không chỉ được nhạc giới tài tử, cải lương Nam bộ nể phục với ngón đờn kìm, sến độc đáo mà còn là niềm hãnh diện cho các văn nghệ sĩ, cho mảnh đất Trà Vinh vì đã sản sinh một nhạc sĩ tài danh, đóng góp lớn cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà./.

Nguyễn Văn Chót

 

Tin khác