Nghệ nhân ưu tú Tấn Thành - nỉ non với tiếng đờn cò
Lượt xem: 3022
“Nỉ non như tiếng đờn cò, cất lên ai oán mà đo tiếng lòng”. Tiếng đờn cò của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Tấn Thành luôn nỉ non như thế trên năm cung hò - xự - xang - xê - cống. Trong giới Nhạc lễ, Đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Trà Vinh, ngón đờn cò của NNƯTTấn Thành luôn được đánh giá cao. Anh là nghệ nhân miệt mài với nghệ thuật, chịu khó học hỏi để không ngừng tìm tòi, phát huy nét độc đáo trong âm sắc của dòng nhạc ngũ cung qua từng loại nhạc cụ và tâm huyết truyền dạy lại cho thế hệ sau. Chính từ cái tầm và cái tâm với nghề, năm 2019, Tấn Thành được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

NNƯT Tấn Thành với cây đờn cò

 NNƯT Tấn Thành sinh năm 1956 tại phường 7, thành phố Trà Vinh.Anh đến với nghiệp cầm ca này từ sự ảnh hưởng của người anh trai là nghệ sĩ Vũ Quốc Long, kép chánh của đoàn Cải lương Kim Phương khá danh tiếng, lưu diễn nhiều tỉnh miền Tây và Sài Gòn vào thập niên 1970. Thuở nhỏ, hàng đêm Tấn Thành được nghe anh của mình đờn hát với người bạn gần nhà là Quốc Trầm (nghệ sĩ Quốc Trầm, nổi danh ở Sài Gòn từng hát cho các đoàn Kim Chưởng, Kim Chung...). Tiếng đờn, giọng ca ấy đã thấm dần trong anh từ đó. Đến năm 13 tuổi, Tấn Thành được cha mẹ gửi vào Điện thờ Phật mẫu Mỹ Tiền để phụ việc trong dàn nhạc lễ lo cúng tế, tang ma trong họ đạo. Sau mỗi buổi cúng tế, đợi lúc dàn nhạc ngừng tay là Tấn Thành đến vuốt ve từng nhạc cụ, tập khảy đờn... Nhận thấy niềm đam mê của Tấn Thành, nghệ nhân Hai Công (người phụ trách dàn nhạc lễ)gọi anh đến và chỉ dạy cho những bài bản vở lòng của Nhạc lễ (đánh trống lễ và đờn cò).

Cuối năm 1971, sau khi nhạc sư Hai Phát (Hồng Tấn Phát) san định, thống nhất lại các bài bản thuộc dòng Nhạc lễ hệ phái Cao Đài Tây Ninh thì Ban Nhạc lễ Tòa Thánh Tây Ninh mở lớp “chỉnh huấn” dàn nhạc lễ Cao Đài cho các tỉnh, mỗi tỉnh chọn hai người đi học tại Tòa Thánh Tây Ninh.“Tôi may mắn được chọn đi học lớp đó và được nghệ nhân Sáu Thoàng (hậu nhân truyền thừa của nhạc sư Hai Phát) trực tiếp giảng dạy, truyền nghề. Vậy là tôi đã bị thuyết phục bởi những âm thanh trầm bỗng, du dương của cây đờn cò qua các điệu thức của Nhạc lễ và tôi đã theo nghiệp Tổ từ đó” - NNƯT Tấn Thành chia sẻ.

Do có năng khiếu và được học với những nghệ nhân Nhạc lễgiỏi cộng với niềm đam mê mãnh liệt nên anh không ngừng trau dồi và ngón đờn cò ngày một trở nên chững chạc, óng mượt hơn.

Từ thập niên 1960 về sau, hoạt động ĐCTT ở Trà Vinh phát triển mạnh mẽ, từ thị xã Trà Vinh đến các huyện đều hình thành các nhóm ĐCTT. Nổi trội trong tỉnh lúc này là nhóm của nhạc sư Hồng Tấn Phát ở thị xã Trà Vinh, nhóm Nhạc Vân,Hai Chánh, Ba Mực ở Cầu Ngang, nhóm nhạc Năm Mười ở Duyên Hải (sau chuyển lên thị xã Trà Vinh), nhóm Tư Nhì, Giáo Hôi, Sáu Tòng (anh Bảy Bá) ở Trà Cú, nhóm Sáu Lệ, Hai Đặng ở Châu Thành, nhóm Sáu Vinh, Bảy Hoa, Tám Tảo (ba anh em) ở An Trường, Càng Long.... Đây là những nhóm nhạc tiêu biểu, thu hút những nghệ nhân giỏi tham gia tạo nên phong trào ĐCTT phát triển rộng khắp trong tỉnh.

Có được kiến thức từ Nhạc lễ, Tấn Thành tự học qua băng dĩa tiếng đờn của những nhạc sĩ, nghệ nhân nổi tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ như Ngọc Sáu, Chín Trích với ngòn đờn cò, Năm Cơ với ngòn đờn sến...và anh bước sang địa hạt ĐCTT để góp vào phong trào đang nở rộ này.Tên tuổi của Tấn Thành dần dần được khẳng định, đặc biệt với ngòn đờn cò. Rồi cũng từ đờn cò, anh lần dò tự học và đờn khá thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác trong dàn nhạc tài tử như sến, violon, ghita phím lõm... Hễ cây đờn nào anh học là đờn hay, mực thước rõ ràng. Nhưng có lẽ gắn bó suốt cuộc đời anh vẫn là cây đờn cò và chính cây đờn hai dây độc đáo thuần Việt ấy mà Tấn Thành được giới tri âm mộ điệu xa gần nhắc đến.Cũng những bản truyền thống trong dòng nhạc lễ và nhạc tài tử như Bắc, Nam, Oán, Hạ... nhưng với ngón đờn mượt mà, sâu lắng của anh luôn gieo vào lòng người nghe sự thổn thức.Đờn cò được xếp vào hàng tứ tuyệt, ngũ tuyệt (tức không thể thiếu) trong dàn nhạc lễ cũng như nhạc tài tử gồm (Tranh - Kìm - Cò-Độc huyền hoặc sáo). Nếu như tiếng đờn tranh réo rắc, tiếng đờn kìm trong sáng, tiếng độc huyền trầm lắng, ai oán thì tiếng đờn cò lại du dương, nỉ non. Cùng hòa tấu, tiếng đờn cò làm cho bài bản mùi mẫn hơn. “Tiếng đờn cò với tôi có sức hấp dẫn lạ kỳ, nó ngân lên là du dương, khó tả. Điều quan trọng nữa là tiếng đờn cò phù hợp với cá tính trầm lặng của tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn thấy rất là đúng khi chọn cây đờn cò và gắn bó với nó như một người bạn tri âm tri kỷ” - NNƯT Tấn Thành tâm sự.

Dù không cầm nhạc cụ chính trong dàn nhạc tài tử (đờn kìm được xem là đờn chính, giữ song loan) nhưng khi tiếng đờn cò của Tấn Thành cất lên là lộ rõ sự tài hoa, điêu luyện. Đó là sự lả lướt của ngón, cách sắp chữ đờn tài tình, chẻ nhịp sắc sảo, sự chắc chắn trong từng“hơi” của mỗi thể điệu, sự dày dạn của một người từng trải và am hiểu sâu sắc về những tính chất đặc trưng nhất của dòng nhạc này. Anh luôn nghiên cứu kỹ bài bản (nhất là 20 bản Tổ) để sáng tạo nên những chữ đờn mới, lạ, hấp dẫn. Khi đờn cây đờn sến anh lại có lối “ro” mà người nghe cho rằng rất “đã tai”, còn khi đờn cây đờn cò, violon, NNƯT Tấn Thành có lối “xốc cung” rất độc đáo, như chính sự chân truyền của nhạc sư Hai Phát. 

NNƯT Tấn Thành (bìa phải) Hòa tấu cùng các nghệ nhân ở Trà Vinh

 Tiếng đờn cò đã trở thành thương hiệu của NNƯT Tấn Thành và nó đã mang lại cho anh nhiều giải thưởng từ trong tỉnh cho đến cấp quốc gia. Tại Liên hoan ĐCTT Nam bộ lần thứ nhất, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1993, Tấn Thành đã đoạt Huy chương vàng độc tấu đờn cò. Đây là chiếc huy chương danh giá, bởi liên hoan năm đó, Ban tổ chức chỉ trao 2 huy chương vàng cho thể loại độc tấu nhạc cụ. Ngoài Tấn Thành, người nhận huy chương vàng còn lại là nghệ nhân Tư Còn của tỉnh Bình Dương độc tấu đờn kìm. “Ban giám khảo lúc đó toàn là những bậc danh cầm, danh canổi tiếng trong làng tài tử. Nhạc sĩ Bảy Bá (NSND Viễn Châu) làm Trưởng Ban giám khảo, các vị còn lại là Bạch Huệ, Thành Công, Tấn Đạt...Thể lệ đưa ra cũng khá “gắt”, mỗi nghệ nhân phải độc tấu 2 lớp đủ các thể điệu: Bắc - Nam - Oán - Hạ và 2 câu Vọng cổ và phải đờn liên tục chuyền từ điệu này sang điệu khác không được ngưng nghỉ”- NNƯT Tấn Thành nhớ lại. Chiếc huy chương cao quí này đã đưa Tấn Thành chính thức đứng vào hàng ngũ những nghệ nhân có ngón đờn cò điêu luyện trong nhạc giới ĐCTT Nam bộ. Đây cũng là thành công ít ai ngờ tới của ĐCTT Trà Vinh tham dự liên hoan cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.

Suốt trong những năm qua, NNƯT Tấn Thành cùng với NNƯT Nguyễn Văn Dấu, NNƯT Ngọc Hào, nhạc sĩ Kim Khánh, NN Văn Triển, Hoàng Việt... luôn là hạt nhân nòng cốt đưa phong trào ĐCTT ở Trà Vinh phát triển. NNƯT Tấn Thành rất nhiệt tình, anh có mặt hầu hết tại các Hội thi, buổi giao lưu ĐCTT trong tỉnh. Những ai đam mê loại hình nghệ thuật này là NNƯT Tấn Thành sẵn sàng chỉ dạy, vì vậy anh đã có công đào tạo cho hàng trăm học trò (đờn và ca) với mong muốn loại hình này có người tiếp nối, đặc biệt là ngón đờn cò. Tuy nhiên trong anh vẫn còn không ít những trăn trở: “Lo lắng nhất của tôi hiện nay là các bạn trẻ không ai chịu theo học đờn cò. Thấy có em có năng khiếu, tôi “năn nỉ” truyền nghề miễn phí nhưng học được vài tuần, thậm chí vài ngày là bỏ ngang...”

Đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng NNƯT Tấn Thành mà là trăn trở chung cho cả giới ĐCTT ở Trà Vinh. Sau lưng anh sẽ là khoảng trống rất lớn vì không có người kế thừa ngón đờn cò.

NNƯT Tấn Thành (bìa phải) nhận danh hiệu NNƯT

 

 Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là sự ghi nhận vô cùng xứng đáng đối với những công lao mà Tấn Thành đã dành gần cả đời mình để cống hiến. Ở tuổi gần 70, NNƯT Tấn Thành vẫn nuôi sống mình bằng tiếng đờn, anh là cộng tác viên thường xuyên của Đài PT-THTV và đờn cho các quán có ĐCTT. Anh cho rằng đây là cách để sống và cũng là cách để giữ nghề. Với những người trong giới ĐCTT ở Trà Vinh, NNƯT Tấn Thành là người luôn dễ gần dễ mến.

Cho dù ĐCTT, Nhạc lễ hiện tại gặp không ít khó khăn nhưng NNƯTTấn Thành vẫn là người sống trọn vẹn với đam mê, cống hiến hết sức mình cho bộ môn nghệ thuật mà mình đã dành gần cả đời để theo đuổi.Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại có công sức đóng góp không nhỏ của những người tận tâm với nghề như NNƯT Tấn Thành./.

Nguyễn Văn Chót

 

Tin khác