Phê duyệt kinh phí trên 43 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2021
Lượt xem: 3071
UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định phê duyệt kinh phí trên 43,16 tỷ đồng cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2021.

Chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Theo quyết định vừa được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cấp kinh phí trên 9,46 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2021 gồm: chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ ngư dân sắm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá. UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được cấp kinh phí trên 9,46 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2021 gồm: chính sách hỗ trợ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, chính sách hỗ trợ vườn cây ăn quả, vườn cây dừa, vườn tạp, đất trồng lúa, chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh Trà Vinh biểu quyết thông qua ngày 19/3/2021 theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND với chính sách đầu tư tăng hơn 50% so với các Nghị quyết trước đó và có một số điểm mới trong hỗ trợ ở lĩnh vực cây trồng, như hỗ trợ sản xuất VietGAP không quá 20 triệu đồng/cơ sở (định mức cũ không quá 05-09 triệu đồng/cơ sở); hỗ trợ kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 50% năm đầu và 30% năm thứ hai đối với cây ăn quả và dừa, 50% kinh phí mua phân bón thông minh, không quá 05 triệu đồng/ha sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kín. Lĩnh vực chăn nuôi: như chính sách hỗ trợ cho người thực hiện tiêm phòng tăng 5.000 đồng/hộ (trước đây 2.000 đồng/hộ) và người dẫn đường hỗ trợ tiêm phòng 5.000 đồng/hộ (trước đây không có)…; Lĩnh vực lâm nghiệp: hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất (cây đước) 50% kinh phí cây giống, tối đa không quá 37 triệu đồng/ha, mật độ 2.500 cây/ha; 50% hỗ trợ mua cây trồng phân  tán, tối đa không quá 20 triệu đồng/ha, mật độ 1.000 cây/ha. Lĩnh vực thủy sản: hỗ trợ 50% cho ngư dân lắp mới định vị tàu cá không quá 10,5 triệu đồng (chính sách mới); tăng mức hỗ trợ nuôi tôm sú, tôm thẻ không quá 200 triệu đồng/cơ sở (định mức cũ không quá 150 triệu đồng); hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường trong ao nuôi, 30% kinh phí đầu tư hệ thống điều khiển máy cho ăn tự động đối với ao nuôi tôm thâm canh mật độ cao, tổng mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cơ sở.

Rừng phòng hộ ven biển ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang

Việc hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân,trang trại ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch như ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động… Hướng đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tiếp tục giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 63,7% năm 2019 xuống còn 58,4%, tăng tỷ trọng ngành thủy sản từ 35,1% lên 40,6%; đạt mục tiêu diện tích rừng trồng mới là 795 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,2% diện tích tự nhiên. Nghị quyết góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, phấn đấu đưa tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025./.

Quang Minh (Nguồn: Quyết định số 1471/QĐ-UBND)

Tin khác