Trà Vinh ban hành kế hoạch tổ chức trở lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 3240
Ngày 31/8/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức trở lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 76/KH-UBND). Với mục đích vừa tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, vừa từng bước tổ chức lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi tạm dừng hoạt động. Từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động; khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng được mô hình doanh nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các công ty trong Khu công nghiệp Long Đức

Theo Kế hoạch thì việc tổ chức sản xuất sẽ được thực hiện trong 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” doanh nghiệp sẽ tổ chức cho tất cả người lao động làm việc, sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ” trong phạm vi doanh nghiệp và “1 cung đường 2 điểm đến” doanh nghiệp bố trí duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân, người lao động từ nơi sản xuất đến nơi ở tập trung (do doanh nghiệp bố trí) và ngược lại của công nhân, người lao động, trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục ghi nhận các ca F0 hàng ngày trong cộng đồng. Dự kiến bắt đầu từ ngày 11 tháng 9 năm 2021.

- Phải đáp ứng và tuân thủ các quy định của Bộ tiêu chí tạm thời về việc thẩm định, công nhận và kiểm tra sau công nhận phương án “03 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ do Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ban hành.

- Người lao động trong khu vực vùng phong tỏa, nguy cơ rất cao, vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 không được đến doanh nghiệp lao động trong thời gian thực hiện giãn cách.

- Doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng với các đơn vị y tế trên địa bàn để quản lý, giám sát và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch covid-19 trong doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp không có bộ phận y tế).

- Tháng đầu tiên: Doanh nghiệp có số lượng trên 500 lao động được sử dụng tối đa 50% số lao động hiện có; doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 500 lao động được sử dụng số lượng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 250 lao động.

- Các tháng tiếp theo: Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét có quyết định cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Giai đoạn 2: Doanh nghiệp sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát, trở về trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp trở lại sản xuất vừa đảm bảo hiệu quả vừa phải tuân thủ quy định an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Khi không còn ghi nhận F0 trong cộng đồng, dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ, không còn thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh.

- Chỉ sử dụng người lao động đã được tiêm vắc xin, được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp và 02 lần kết quả xét nghiệm âm tính với Covid -19, mỗi lần cách nhau từ 05 ngày, trong đó lần gần nhất trước khi làm việc tại doanh nghiệp không quá 02 ngày.

- Xét nghiệm tầm soát Covid-19 ngẫu nhiên đối với tối thiểu 20% người lao động của đơn vị: 02 lần/tháng; báo cáo danh sách và kết quả về UBND tỉnh (qua Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 20 hàng tháng để theo dõi.

- Cập nhật biến động danh sách thông tin người lao động vào phần mềm quản lý lao động dùng chung của tỉnh trước ngày 20 hàng tháng; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác về người lao động của doanh nghiệp.

- Đối với người lao động tuyển mới (ưu tiên cho người đã được tiêm vắc xin): Doanh nghiệp phải yêu cầu người lao động khai báo y tế theo quy định; tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người lao động 02 lần, mỗi lần cách nhau 05  ngày, lần cuối cùng trước 01 ngày khi người lao động bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp; chỉ sử dụng lao động có kết quả âm tính với Covid-19 trước khi vào làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm lưu hồ sơ để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

- Có các Tổ An toàn phòng, chống Covid-19 trong doanh nghiệp và phương án đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 trong sản xuất.

- Có khu cách ly tạm thời cho người lao động trong doanh nghiệp nghi nhiễm Covid-19.

- Trước ngày 20 hàng tháng thông báo danh sách toàn bộ công ty khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa thường xuyên giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp tới UBND tỉnh (qua Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để theo dõi.

- Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp (cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia, ngân hàng, điện lực, thu gom và xử lý rác thải, hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng cấp thoát nước…): Yêu cầu ký cam kết phòng, chống dịch với Ban Quản ký Khu Kinh tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp, chính quyền địa phương; phối hợp với các doanh nghiệp, thực hiện việc quản lý danh sách người lao động, lịch trình, thời gian làm việc của người lao động; định kỳ 01 lần/tháng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người lao động; yêu cầu người lao động thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày; báo cáo danh sách, kết quả về UBND tỉnh (qua Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 20 hàng tháng để theo dõi.

- Khuyến khích doanh nghiệp thuê các đơn vị y tế để quản lý, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp.

Để tổ chức sản xuất cho từng giai đoạn, doanh nghiệp phải thực hiện các trình tự, thủ tục đăng ký và cam kết thực hiện của doanh nghiệp, đồng thời phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng trong quá trình tổ chức sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ giai đoạn 1 của Kế hoạch này thì được tiếp tục hoạt động theo phương án đã duyệt của giai đoạn 2. Doanh nghiệp chỉ tổ chức hoạt động theo phương án trong trạng thái bình thường mới sau khi có kiểm tra, rà soát đánh giá phương án mới và văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh./.

T.P

 

 

 

 

Tin khác