Sớm hỗ trợ, định hướng cho nông dân trong chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 2690
Trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở lĩnh vực trồng trọt, việc lựa chọn cây trồng thích hợp để đưa vào sản xuất tại các vùng thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như khô hạn, xâm nhập mặn đang là bài toán nan giải cho người nông dân. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ vốn và khâu liên kết thị trường sau tái cơ cấu lại trong canh tác đang được người nông dân trông chờ sự vào cuộc của các ngành chức năng chuyên môn.

Ảnh: Nhà vườn cù lao Tân Qui I “chua xót” bên những gốc cây chôm chôm một thời là cây đặc sản, được đốn hạ do bị nhiễm mặn.

* Chuyện “chặt, trồng, chặt” trong nông nghiệp

Cù lao Tân Qui (gồm ấp Tân Qui 1, Tân Qui 2) xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh khá nổi tiếng với những khu vườn cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…Tuy nhiên do ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong những năm 2015-2016 và năm 2019-2020 đã xóa sổ trên 300ha chôm chôm và gần 50ha sầu riêng, do đây là những cây khá mẫn cảm với nước mặn. Trong suốt thời gian qua, các nhà vườn ở Tân Qui luôn loay quay với việc chọn cây gì, trồng cây gì cho phù hợp và ổn định đầu ra. Đây đang là bài toán mà nhà vườn ở Tân Qui nói riêng và ở trong tỉnh nói chung cần giải quyết trước ảnh hưởng của BĐKH với các tác động như thiếu nước sản xuất, khô hạn, xâm nhập mặn…

Nhà vườn Hồ Văn Thạch, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân đưa chúng tôi ra thăm khu vườn chôm chôm gần 0,3ha đang chuẩn bị chặt bỏ để thay thế cho cây mít Changai. Đây là phần diện tích cây còn lại trong tổng diện tích 0,6ha chôm chôm được gia đình ông Thạch “phục hồi” từ vụ nhiễm mặn của năm 2015-2016. Ông Thạch cho biết: Hiện nay toàn bộ diện tích chôm chôm còn lại tiếp tục bị nhiễm mặn và khả năng sinh trưởng của cây không còn cứu nổi. Tổng chi phí để mua phân, thuốc phục hồi cho 0,3ha chôm chôm trong 03 tháng đầu năm 2020 trên 04 triệu đồng, nhưng đến nay toàn bộ trái non đều rụng sau khi cây tiếp tục bị nhiễm mặn. Gia đình đang chặt bỏ để trồng mít Changai, chi phí cũng khá cao, khoảng 13-15 triệu đồng/0,1ha, trong khi đó nhà vườn đã chịu nhiều thiệt hại trong vụ mặn vừa qua, thu nhập từ trái cây không có nên để đầu tư chuyển đổi sang cây trồng khác là một khó khăn lớn, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Trương Thanh Phương, Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Qui 2: Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã làm cho khoảng 30ha măng cụt và 50ha chôm chôm bị cháy lá, rụng lá và trái non (trên 70%). Còn ở khu vực Tân Qui 1, số diện tích chôm chôm bị thiệt hại nhiều hơn, với trên 70ha và gần 32ha măng cụt.

* Sớm hỗ trợ, định hướng cho nông dân trước tác động BĐKH

Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện cũng đang gặp khó trong việc định hướng cho nhà vườn chuyển đổi cây trồng nào và vấn đề đầu ra sản phẩm sau này cần phải cân nhắc kỹ. Do đó, ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo với nông dân là tập trung chuyển đổi trên những vùng đất sản xuất do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và thường khô hạn với những cây trồng phù hợp và có tính thích nghi cao trong điều kiện BĐKH.

Ghi nhận về tình hình chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái, trồng màu ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, ông Trương Thanh Đệ, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: “Để chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất lúa hiện không còn hiệu quả, trên địa bàn khoảng 30ha tập trung ở ấp Chông Nô III, Chông Nô II, Chông Nô I và Sóc Ruộng chuyển sang lên liếp trồng dừa kết hợp trồng màu. Trong vụ lúa đông xuân năm 2019-2020 do khô hạn và xâm nhập mặn, các hộ trồng lúa đã tự chuyển đổi sang các cây trồng khác và cắt vụ lúa.”

Tuy nhiên một thực tế hiện nay, các hộ nông dân trong vùng gặp bất lợi về sản xuất do thiếu nước canh tác, xâm nhập mặn và khô hạn ở đầu năm 2020, khi chuyển đổi sang cây trồng khác gặp nhiều khó khăn. Đa số các hộ chuyển đổi đều gặp khó về nguồn vốn đầu tư cũng như chưa có sự hỗ trợ kịp thời từ việc tiếp cận các nguồn vốn trong chính sách về nông nghiệp. Nông dân Thạch Ngọc Bích, ấp Chông Nô III, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: “Gia đình có 0,6ha đất trồng lúa, do khu vực này thường thiếu nước, nên mỗi năm chỉ làm được 02 vụ lúa nhưng năng suất bấp bên, đạt khoảng 4,5 tấn/ha và chỉ lấy công làm lời. Riêng trong vụ đông xuân 2019-2020 do khô hạn và xâm nhập mặn, gia đình đã bỏ sản xuất lúa và chuyển sang trồng dừa kết hợp trồng màu. Chi phí đầu tư ban đầu như tiền thuê cơ giới lên liếp và đặt cây giống, khoảng 25 triệu đồng/0,6ha, đây là số tiền được gia đình vay mượn bên ngoài, nếu không chuyển đổi thì phải bỏ đất trống, hoang hóa vì sản xuất lúa không còn hiệu quả. Nông dân phải mất thu nhập khoảng 02-03 năm sau khi chuyển đổi lên vườn, trong thời gian này sớm có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho nông dân để tiếp tục chăm sóc và phát triển vườn cây.”

Còn tại cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) nhiều nhà vườn rất trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong việc chuyển đổi, cải tạo và trồng mới lại các diện tích vườn cây ăn trái (chủ yếu là chôm chôm chôm, sầu riêng và măng cụt) bị thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn của những năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Cũng theo ông Trương Thanh Phương: “Trong thời gian qua, đối với các diện tích cây chôm chôm, măng cụt bị chết do ảnh hưởng mặn được nhà vườn chuyển sang trồng xoài Đài Loan và ổi Nữ hoàng. Đây là 02 cây trồng được nhà vườn Tân Qui 2 tập trung trồng nhiều, với trên 50ha; Tuy nhiên đây là những cây trồng không nằm trong khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhưng do hiệu quả kinh tế cao và thời gian ngắn (sau 18-24 tháng là cho thu hoạch); 100% các hộ ở Tân Qui 2 chưa được sự đầu tư của Nhà nước trong chuyển đổi.”

   

Do nhiễm mặn, hầu hết chôm chôm ở cù lao Tân Qui đang cho trái non bị rụng và hoặc xảy ra hiện tượng chết cây…

 

Nông dân Thạch Ngọc Bích chuyển đất trồng lúa bị khô hạn, nhiễm mặn sang trồng dừa kết hợp trồng màu.

Hữu Huệ - Báo Trà Vinh


Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 1 628
  • Tất cả: 4408915