Sản xuất cây giống tre, trúc, tầm vông để trồng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp
Lượt xem: 3364
Đề tài “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đầu tư, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ (Trung tâm Ứng dụng KHKTLNNB) chủ trì thực hiện. Đề tài triển khai trong 03 năm, từ 2018 đến 2021 tại địa bàn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nhằm chọn được một số giống tre, trúc, tầm vông đạt yêu cầu làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng được quy trình canh tác giống tre, trúc, tầm vông được chọn phù hợp với điều kiện tỉnh Trà Vinh.

Ảnh: Tuyển chọn giống tre, trúc và tầm vông

Sau 10 tháng triển khai đến ngày 29/5/2020; Trung tâm Ứng dụng KHKTLNNB và chủ nhiệm đề tài đã thực hiện hoàn thành 2 nội dung nghiên cứu: Nội dung 1. Điều tra xác định điều kiện lập địa trồng; tuyển chọn giống tre, trúc, tầm vông phù hợp cho sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp và Nội dung 2. Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống; sản xuất giống phục vụ thiết lập các mô hình thí nghiệm. Theo đó, đã đạt được các kết quả như sau: Đối với Nội dung 1, đã lựa chọn được một số loài/giống tre, trúc, tầm vông để đưa vào trồng thử nghiệm với từng loài, nhóm loài như sau: Nhóm tre: (1) Tre xiêm, (2) Tre luồng Bình Phước, (3) Tre luồng Thanh Hóa, (4) Tre bông, (5) Tre gai (đang được sử dụng phổ biến ở địa phương); Nhóm trúc: (1) Trúc xanh xuất xứ Trà Cú (Trà Vinh) (2) Trúc xanh Châu Thành (Sóc Trăng), (3) Trúc xanh Tịnh Biên (An Giang), (4) Trúc xanh Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), (5) Trúc xanh Vị Thanh, (Hậu Giang); Nhóm tầm vông: (1) Tầm vông xuất xứ Trà Cú (Trà Vinh), (2) Tầm vông Tri Tôn (An Giang), (3) Tầm vông Châu Thành (Sóc Trăng), (4) Tầm vông Thủ Dầu Một (Bình Dương), (5) Tầm vông Bình Phước. Những loài được chọn để đưa vào trồng thử nghiệm đều có tính chất gỗ phù hợp cho mục đích làm hàng tiểu thủ công nghiệp (giỏ các loại, lồng bàn, rổ, bàn-ghế, salon, tủ, kệ sách,…) ở địa phương. Tại Nội dung 2, đã hoàn thành 5 thí nghiệm nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống tre, trúc, tầm vông từ hom gốc và hom cành: Thí nghiệm nhân giống tre bằng hom cành với nghiệm thức cành có độ tuổi <12 tháng cho kết quả tốt nhất (tỷ lệ sống đạt 73,3%, hầu hết cây có chất lượng tốt). Thí nghiệm nhân giống tre bằng hom gốc cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức, từ 71,1-77,8%. Tuy nhiên, chất lượng cây ở nghiệm thức có độ tuổi <12 tháng là tốt nhất. Thí nghiệm nhân giống trúc bằng hom gốc cho thấy nghiệm thức nhân giống bằng cụm (3 - 4 cây với 2 - 3 thế hệ) cho kết quả tốt nhất (tỷ lệ sống đạt 97,7%, cây có chất lượng tốt). Thí nghiệm nhân giống tầm vông bằng hom gốc: Cây có độ tuổi <12 tháng tuổi có tỷ lệ sống cao nhất 83,3%, đa số cây đều có chất lượng tốt. Từ kết quả nghiên cứu trên đã tạo cơ sở khoa học cho Trung tâm Ứng dụng KHKTLNNB và chủ nhiệm đề tài sử dụng để đưa vào sản xuất 1.630 cây giống tre, trúc, tầm vông nhằm phục vụ cho các thí nghiệm về nghiên cứu kỹ thuật trồng trong mùa mưa năm 2020 tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Bảo Việt


Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 1081
  • Trong tuần: 19 121
  • Tất cả: 4388707