Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển “nông nghiệp xanh”
Lượt xem: 3761

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực “phát triển nông nghiệp xanh” ở Trà Vinh hiện nay, có thể nói đây là mô hình còn mới mẻ đối với nông dân trong tỉnh. Bên cạnh khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như nguồn lực trong nông dân để đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực sản xuất còn yếu và thiếu…

 

Đỗ Hữu Huệ

Báo Trà Vinh

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực “phát triển nông nghiệp xanh” ở Trà Vinh hiện nay, có thể nói đây là mô hình còn mới mẻ đối với nông dân trong tỉnh. Bên cạnh khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như nguồn lực trong nông dân để đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực sản xuất còn yếu và thiếu…

Tuy có những khó khăn trên, nhưng ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp xanh đang có nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới, giúp nông dân phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương để chủ động tạo các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp cũng có một số thách thức lớn. Ngoài các lĩnh vực đã bước đầu áp dụng được công nghệ 4.0; nhưng còn manh mún, tự phát, trình độ ứng dụng công nghệ chưa cao, nông dân không đủ nguồn lực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và bản thân họ cũng không biết sản phẩm sẽ đi về đâu, yêu cầu tiêu chuẩn thế nào; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 còn ít dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ. Năng lực đội ngũ chuyển giao chưa qua đào tạo bài bản nên còn thiếu chuyên nghiệp, còn hạn chế chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để tiếp cận với các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong nông nghiệp 4.0 từ các nước tiên tiến.

Hiện nay, tỉnh đang tổ chức thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạnh Công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 923/QĐ-BNN-KH, ngày 24/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 1099/QĐ-UBND, ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động triển khai thực hiện tăng trưởng xanh, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Trà Vinh đã có những ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp bắt đầu bằng việc tổ chức thành công diễn đàn “Nông dân làm nông nghiệp thời đại 4.0” trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2018.

Nông dân Thạch Chê Tha, ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần là một trong 03 nông dân của thành viên Hợp tác nông nghiệp Phú Cần đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 vào trồng màu (dưa lưới). Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Để trồng 2.500 gốc dưa lưới, diện tích 1.000m2, chi phí đầu tư gần 300 triệu đồng. Trong này, gia đình được hợp tác xã đầu tư nguồn vốn cho vay khoảng 200 triệu đồng (trả dần sau mỗi vụ sản xuất) để làm nhà lưới và gia đình, đầu tư thêm gần 100 triệu đồng để trang bị hệ thống tưới, pha chế thuốc tự động. Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thông qua Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tiểu Cần từ nguồn vốn khoa học công nghệ đã hỗ trợ 35 triệu đồng/mô hình và so với vốn đầu tư chưa đủ “sức hút” cho người thực hiện mô hình.

Nói về ứng mô hình “Nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ 4.0”, ông Nguyễn Nhật Hoàng, ấp La Ghi, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: Gia đình thả nuôi 300.000 con tôm thẻ chân trắng giống trên diện tích 0,15ha mặt nước (mật độ 200 con/m2), chi phí đầu tư trên 500 triệu đồng. Mô hình được ứng dụng công nghệ 4.0, thông qua sử dụng Hệ thống giám sát và điều khiển tự động môi trường ao nuôi như ứng dụng bộ cảm biến hệ thống quan trắc (độ pH, oxy, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm), cảnh báo môi trường tự động ao nuôi tôm, nhằm quản lý tốt môi trường nước. Qua đó, giúp người nuôi giảm trên 90% những rủi ro gặp phải từ môi trường, dịch bệnh… tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi gấp 04-05 lần so với phương thức nuôi ao đất.

Để công nghệ 4.0 phát triển bền vững trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo ông Phạm Minh Truyền, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới đầu tư công và dịch vụ công theo hướng chuyển nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất đai và lao động rẻ sang nông nghiệp đổi mới và sáng tạo phát triển theo thị trường. Chỉ ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 ở các nơi có đủ điều kiện, lồng ghép vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống.

 Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm từng bước hình thành nhóm chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Nghiên cứu chính sách, nhằm hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã hay trang trại có quy mô, nguồn lực mạnh đủ sức thực hiện yêu cầu nông nghiệp 4.0.

 

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 621
  • Trong tuần: 18 661
  • Tất cả: 4388247