Kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2011-2020) trên địa bàn trà vinh
Lượt xem: 2540
10 năm qua, các đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai đúng hướng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số của tỉnh nhà.

Ảnh: Mô hình dừa Sáp cấy phôi thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh”

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Trà Vinh, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, tỉnh đã triển khai 04 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và 05 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KTXH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025. Kết quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh nhà; huy động được nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn bó với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KH&CN mang lại. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, chậm phát triển, vùng dân tộc ít người.

Nổi bật đó là dự án “Xây dựng mô hình thông tin khoa học và công nghệ cụm xã tại tỉnh Trà Vinh” đã xây dựng 14 cụm điểm Thư viện điện tử về thông tin KH&CN trên địa bàn của 13/17 xã điểm nông thôn mới để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến trực tiếp cho người dân ở nông thôn với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng từ Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 – 2015. Kết quả dự án mang lại hiệu quả giúp cán bộ địa phương, người dân tiếp cận, khai thác thông tin KH&CN, cung cấp trực tiếp những thông tin phù hợp một cách nhanh chóng, thiết thực để phục vụ nhu cầu cần thiết trong đời sống, sản xuất góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của người dân ở vùng nông thôn; Dự án “Xây dựng mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh” được các hộ dân tin tưởng đầu tư trồng mới nhiều mô hình; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Trà Vinh” giúp người dân vận dụng thành thạo các quy trình nhân thuần, lai tạo, nuôi dưỡng, vỗ béo và phòng trị bệnh cho bò thịt, hiện nay chất lượng bò thịt đã được cải thiện rõ nét, và liên tục tạo được giống F1 để nâng cao tầm vóc, năng suất; Dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh” tiếp nhận và chuyển giao được cho người dân những quy trình nghiên cứu toàn diện để nuôi dê lai góp phần nâng cao năng suất thịt dê tại tỉnh.

 

Ảnh: Mô hình nuôi bò thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Trà Vinh”

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, gặp nhiều khó khăn  do tiềm lực KH&CN tại địa phương còn hạn chế; trong đó nguồn nhân lực KH&CN phục vụ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đủ hấp dẫn. Việc duy trì, nhân rộng các mô hình sau khi triển khai còn gặp khó khăn cả về vốn và nhân lực có trình độ kỹ thuật để duy trì sản xuất. Không có nhiều doanh nghiệp mặn mà triển khai các dự án tại các vùng này. Do đó, Sở KH&CN đề nghị cấp trên xem xét đầu tư ngân sách theo luật khoa học để hỗ trợ phát triển công nghệ trong sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng trên các đối tượng ưu tiên; Phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh được áp dụng tiến bộ khoa học và cơ giới hóa. Có chính sách ưu đãi đối với KH&CN trong việc tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số./.

 

Trí Thiện


Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 61
  • Trong tuần: 1 665
  • Tất cả: 4408952