Xây dựng mô hình trồng tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 2648
Đề tài “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đầu tư, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ (Trung tâm Ứng dụng KHKTLNNB) chủ trì thực hiện. Đề tài triển khai trong 03 năm, từ 2018 đến 2021 tại địa bàn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nhằm chọn được một số giống tre, trúc, tầm vông đạt yêu cầu làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng được quy trình canh tác giống tre, trúc, tầm vông được chọn phù hợp với điều kiện tỉnh Trà Vinh.

Ảnh: Mô hình trúc tại xã Đại An, huyện Trà Cú

Sau 17 tháng triển khai đến ngày 24/12/2020; Trung tâm Ứng dụng KHKTLNNB và ThS. Phạm Văn Bốn (chủ nhiệm đề tài) đã thực hiện cơ bản hoàn thành 3/6 nội dung nghiên cứu: Nội dung 1. Điều tra xác định điều kiện lập địa trồng; tuyển chọn giống tre, trúc, tầm vông phù hợp cho sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; Nội dung 2. Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống; sản xuất giống phục vụ thiết lập các mô hình thí nghiệm; Nội dung 3. Nghiên cứu kỹ thuật trồng tre, trúc và tầm vông.

Trên cơ sở thực hiện Nội dung 3., đề tài đã xây dựng 03 mô hình canh tác  tre, trúc, tầm vông thông qua việc thực hiện các thí nghiệm (1) Nghiên cứu về chọn giống; (2) Nghiên cứu về điều kiện lập địa trồng; (3) Nghiên cứu về vật liệu giống; (4) Nghiên cứu về bón phân đối với các loài tre, trúc, tầm vông theo phương pháp bố trí thí nghiệm đồng ruộng. Trong đó thí nghiệm (1) gồm 5 nghiệm thức về giống với 3 lần lặp lại trên diện tích 0,18 ha (tre), 0,09 ha (trúc), 0,15 ha (tầm vông); thí nghiệm (2) gồm 2 nghiệm thức về điều kiện lập địa trồng (đất giồng cát cao, đất bằng phẳng) với 3 lần lặp lại trên diện tích 0,24 ha (tre), 0,22 ha (trúc), 0,29 ha (tầm vông); thí nghiệm (3) gồm 2 nghiệm thức về vật liệu giống (trồng từ hom gốc, trồng từ hom cành) với 3 lần lặp lại trên diện tích 0,08 ha (tre), 0,06 ha (tầm vông); thí nghiệm (4) thực hiện theo 2 nhân tố về loại phân, hàm lượng phân gồm 8 nghiệm thức với 3 lần lặp lại trên diện tích 0,29 ha (tre), 0,23 ha (trúc), 0,13 ha (tầm vông).

Nhìn chung tại thời điểm kiểm tra thực tế sau khi trồng gần 5 tháng, 3 mô hình tre, trúc và tầm vông trên 4 loại thí nghiệm khác nhau đều cho cây sinh trưởng tốt. Tất cả các loài tre, trúc, tầm vông trên các nghiệm thức của các thí nghiệm đều sinh măng để phát triển thành cây con và có tỷ lệ sống bình quân lần lượt là 98%, 95%, 93%. Được biết, sản phẩm từ thân cây tre, trúc, tầm vông sẽ tạo thành nguồn nguyên liệu để các làng nghề Đại An và Hàm Giang (huyện Trà Cú) sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp (giỏ các loại, lồng bàn, rổ, bàn-ghế, salon, tủ, kệ sách,…) phục vụ cho nhu cầu sử dụng của khách hàng địa phương và du khách trong, ngoài tỉnh.

 

Bảo Việt


Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 165
  • Trong tuần: 1 765
  • Tất cả: 4408866