Kết quả đánh giá trình độ công nghệ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiêp, ngành/lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2020
Lượt xem: 3541
TỔNG QUAN           Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất là mức độ đạt được của hiện trạng công nghệ, khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực.  

Ảnh: Phần mềm minh họa đánh giát trình độ và năng lực công nghệ sản xuất

           Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp là việc phân tích, xác định hiện trạng, hiệu quả sử dụng, khai thác công nghệ sản xuất và đánh giá khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

          Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực sản xuất là việc phân tích, tổng hợp các kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực sản xuất.        

I. NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ VÀ NĂNG LỰC CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT THEO THÔNG TƯ 17/2019/TT-BKHCN NGÀY 10/12/2019 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ.

          Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất được đánh giá thông qua việc phân tích, đánh giá tổng hợp năm nhóm yếu tố thành phần bao gồm: Nhóm hiện trạng công nghệ, thiết bị sản xuất (nhóm T); nhóm hiệu quả khai thác công nghệ (nhóm E); nhóm năng lực tổ chức, quản lý (nhóm O); nhóm năng lực nghiên cứu phát triển (nhóm R) và nhóm năng lực đổi mới sáng tạo (nhóm I), kết hợp với kết quả đánh giá hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

          Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất sử dụng phương pháp định lượng theo thang điểm chung 100 điểm cho tổng số 26 tiêu chí để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá, trong đó nhóm T tối đa 30 điểm cho 7 tiêu chí, nhóm E tối đa 20 điểm cho 5 tiêu chí, nhóm O tối đa 19 điểm cho 5 tiêu chí, nhóm R tối đa 17 điểm cho 5 tiêu chí, nhóm I tối đa 14 điểm cho 4 tiêu chí. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các tiêu chí và hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất để phân loại trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

          Hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất được tính toán dựa trên số điểm đạt được của các nhóm T, E, O, R, I. (Về ý nghĩa: Hệ số đồng bộ là hệ số thể hiện vai trò tác động một cách đồng bộ của các nhóm tiêu chí thành phần tới việc hình thành trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp).

II. THÔNG TIN, SỐ LIỆU DÙNG ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐIỂM CỦA CÁC TIÊU CHÍ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP.

           Theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN; thông tin, số liệu dùng để xác định điểm của các tiêu chí tại các doanh nghiệp có 26 nội dung, bao gồm:

           Nhóm I: Mức độ khấu hao thiết bị, công nghệ; Cường độ vốn thiết bị, công nghệ; Mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ; Mức độ tự động hóa và tích hợp sản xuất; Tỷ lệ chi phí năng lượng sản xuất; Tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu sản xuất; Tiêu chuẩn sản phẩm của dây chuyền công nghệ sản xuất.

           Nhóm E: Năng suất lao động; Mức độ áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; Năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dây chuyền, thiết bị của doanh nghiệp; Khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ; Chất lượng nguồn nhân lực.

           Nhóm O: Tỷ lệ chi phí cho đào tạo, huấn luyện; Thông tin phục vụ sản xuất, quản lý; Quản lý hiệu suất thiết bị tổng thể; Áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Bảo vệ môi trường.

           Nhóm R:  Ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thông tin; Nhân lực dành cho nghiên cứu, phát triển; Hạ tầng dành cho nghiên cứu, phát triển; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển.

           Nhóm I: Kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm; Kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ; Năng lực liên kết hợp tác nghiên cứu, phát triển; Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp.

III. KẾT QUẢ PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC NHÓM YẾU TỐ THÀNH PHẦN.

          Mục tiêu: Nhằm xác lập cơ sở để phân tích, xác định hiện trạng, hiệu quả sử dụng, khai thác công nghệ sản xuất và đánh giá khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, làm căn cứ xây dựng lộ trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ thiết bị theo Quy định tại Nghị quyết 82/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnhTheo hướng dẫn tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN.

          1. Kết quả phân tích, đánh giá Yếu tố thành phần về Hiện trạng công nghệ, thiết bị sản xuất (Nhóm T)

          - Yếu tố thành phần Nhóm T được đánh giá đạt 15,4 điểm (Theo Thông tư 17/2019-BKHCN thì Nhóm T được đánh giá qua 07 tiêu chí với tổng số điểm cao nhất 30 điểm và thấp nhất là 07 điểm). 

            - Nhận xét:

            Đa số các doanh nghiệp (2/3) sử dụng công nghệ sản xuất có mức độ tự động hóa từ mức trung bình trở lên. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 1/3 doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu (có doanh nghiệp còn sử dụng máy móc được sản xuất từ những năm 1980, 2004,...).

           Điểm số Tiêu chí về mức độ khấu hao thiết bị, công nghệ  doanh nghiệp đạt bình quân 2,7/5 điểm tối đa, cho thấy hầu hết máy móc, thiết bị của doanh nghiệp sử dụng đã lâu với mức độ khấu hao trên 60% so với giá trị ban đầu. Trong khi điểm số Tiêu chí mức độ đổi mới, công nghệ thiết bị đạt bình quân 1,8/3 điểm, thể hiện trong 3 năm gần nhất các doanh nghiệp đã mua sắm thiết bị để mở rộng xuất cũng như thay thế các thiết bị đã cũ và hỏng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến khâu đổi mới, cũng như tạo nên các sản phẩm mới nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

          Điểm số Tiêu chí về hiệu quả sản xuất đạt bình quân 1,8/4 điểm tối đa, điều này là do máy móc phần lớn đã cũ với mức khấu hao trên 60% nên tỷ lệ tiêu thụ về năng lượng sẽ rất lớn.

          2. Kết quả phân tích, đánh giá Yếu tố thành phần Hiệu quả khai thác công nghệ (Nhóm E)

          - Yếu tố thành phần Nhóm E được đánh giá đạt 11,4 điểm (Nhóm E có 5 tiêu chí và tối đa 20 điểm).

          - Nhận xét:

          Qua khảo sát tại 42 doanh nghiệp với 8.423 lao động, thì chỉ có 106 lao động chuyên làm công tác nghiên cứu, 170 lao động xếp hạng công nhân bậc cao, 1.104 lao động có trình độ cao đẳng trở lên và 1.753 lao động đã được huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp không cao, các doanh nghiệp có xu hướng tận dựng nguồn nhân lực tại địa phương với trình độ thấp. Doanh nghiệp nào có trình độ học vấn của người lãnh đạo doanh nghiệp càng cao thì điểm số Nhóm T càng cao và có nhiều cơ hội để tiếp cận và áp dụng kỹ thuật mới vào trong quy trình sản xuất.           Điểm số hạn chế nhất là Tiêu chí thể hiện năng lực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp (Tiêu chí số 10), phổ biến là bảo dưỡng và sửa chữa khi máy móc thiết bị có sự cố, ít khi chủ động có những hoạt động như bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hay bảo dưỡng, sửa chữa chẩn đoán tổng thể. Mức độ phổ biến các tôn chỉ, chiến lược của doanh nghiệp đến với đối tượng là cán bộ quản lý được quan tâm nhiều hơn so với công nhân viên trực tiếp sản xuất (người trực tiếp khai thác công nghệ, thiết bị).

         3. Kết quả phân tích, đánh giá Yếu tố thành phần về Năng lực tổ chức - quản lý (Nhóm O)

          - Yếu tố thành phần Nhóm O được đánh giá đạt 8,4 điểm (Nhóm O có 5 tiêu chí và tối đa 19 điểm).

         - Nhận xét:  

        Bình quân tổng chi phí cho đào tạo, huấn luyện của doanh nghiệp trong 3 năm 2018, 2019, 2020 vừa qua là 370 tr.đồng/doanh nghiệp/năm, nội dung đào tạo chủ yếu tập trung đào tạo cho cán bộ quản lý.

        Điểm số hạn chế nhất là Tiêu chí Áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (Tiêu chí số 16), đa số các doanh nghiệp chỉ đạt 1 điểm. Thực trạng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chưa áp dụng các nội dung thông tin phục vụ sản xuất và quản lý như hệ thống thực hành sản xuất (MES), lLp kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), Quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM), Hệ thống lập kế hoạch sản xuất (PPS), Quản lý chuỗi cung ứng (SCM).

         Song, điểm số nổi bật cao nhất là  Tiêu chí Bảo vệ môi trường (Tiêu chí số 17), hầu hết các doanh  nghiệp đều có Hệ thống xử lý chất thải đáp ứng quy định và đạt tiêu chuẩn; điều này thể hiện trách nhiệm việc chấp hành quy định về bảo vệ và gìn giữ môi trường đã và được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu, nhất là với những ngành công nghiệp như sản xuất hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng.

          4. Kết quả phân tích, đánh giá Yếu tố thành phần Năng lực nghiên cứu phát triển (Nhóm R)

          - Yếu tố thành phần Nhóm R được đánh giá đạt 7,4 điểm (Nhóm R gồm có 5 tiêu chí và tối đa 17 điểm).

          - Nhận xét: 

         Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp mới dừng ở mức có hệ thống phần cứng, phần mềm (máy vi tính, kết nối Internet,...) đủ để triển khai một số ứng dụng thường xuyên giản đơn, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm tích hợp được ứng dụng trên toàn bộ hoạt động quản lý và tác nghiệp đến từng bộ phận hay có hệ thống phần cứng, phần mềm đủ để tự động hóa các quy trình tác nghiệp, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

           Các doanh nghiệp chưa có đội ngũ nhân lực hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D) cũng như chưa có hạ tầng dành cho nghiên cứu và phát triển (phòng Thí nghiệm, thử nghiệm), không có thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

         Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) của tỉnh Trà Vinh bình quân trong 3 năm 2018, 2019, 2020 là 33.000 triệu đồng (chiếm  0,14%GRDP, trung bình cả nước là 0,2% GRDP). Trong đó, tỷ trọng phần chi từ Ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D chiếm 89,09%,  phần chi từ các nguồn vốn xã hội (chủ yếu là doanh nghiệp lớn và vừa) chỉ đạt 10,01%.

          5. Kết quả phân tích, đánh giá Yếu tố thành phần Năng lực năng lực đổi mới sáng tạo (Nhóm I)

          - Yếu tố thành phần Nhóm I được đánh giá đạt 6,4 điểm (Nhóm I gồm có 4 tiêu chí và tối đa 14 điểm). Đây là nhóm tiêu chí khác biệt nhất và hoàn toàn mới của Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN (so với Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN ngày 08/4/2014). Tiêu chí này được xây dựng nhằm đánh giá việc bắt nhịp cũng như đo lường sự hiểu biết của doanh nghiệp đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

            - Nhận xét:

            Khu vực doanh nghiệp hiện vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng chi R&D. Có rất ít doanh nghiệp thực hiện R&D, mức độ đổi mới sáng tạo còn thấp và đồng đều, thiếu sự kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu (trong 3 năm: 2018, 2019, 2020 không có hợp đồng Chuyển giao công nghệ thuộc diện phải Đăng ký theo qui định). Cần ưu tiên tăng cường năng lực sáng tạo nội bộ trong các loại hình doanh nghiệp- từ năng lực thiết kế, chế tạo, marketing đến hoạt động R&D.

           Trong 3 năm 2018, 2019, 2020 hầu như không có sự đổi mới về sản phẩm cả về kiểu dáng công nghiệp và cải tiến chất lượng.

IV. KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ VÀ NĂNG LỰC SẢN XUẤT CHUNG TOÀN TỈNH VÀ 5 NHÓM NGÀNH.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN, việc đánh giá trình độ và công nghệ sản xuất về mặt định lượng, sử dụng thang điểm chung (100 điểm) để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được và Hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, để phân loại trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo 4 mức sau:

- Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất LẠC HẬU khi hệ số mức độ đồng bộ nhỏ hơn 0,3 và tổng số điểm nhỏ hơn 35 điểm;

- Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất TRUNG BÌNH khi hệ số mức độ đồng bộ từ 0,3 trở lên và tổng số điểm từ 35 điểm đến dưới 60 điểm;

- Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất TRUNG BÌNH TIÊN TIẾN khi hệ số mức độ đồng bộ từ 0,5 trở lên và tổng số điểm từ 60 điểm đến dưới 75 điểm;

- Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất TIÊN TIẾN khi hệ số mức độ đồng bộ từ 0,65 trở lên và tổng số điểm từ 75 điểm trở lên.

Kết quả đánh giá trình độ công nghệ và năng lực sản xuất chung toàn tỉnh và 5 nhóm ngành của tỉnh Trà Vinh, năm 2020; như sau:

Tên ngành

Hệ số đồng bộ TĐB

Tổng điểm TEORI

Nhóm T

Nhóm E

Nhóm O

Nhóm R

Nhóm I

Chung toàn tỉnh tại kỳ phân tích đánh giá 2020

0,46

47,4/100

15,4/30

11,4/20

8,4/19

7,4/17

4,6/14

Chế biến nông lâm sản

0,42

43/100

13/30

11/20

8/19

7/17

4/14

Dệt may

0,37

38/100

15/30

9/20

5/19

5/17

4/14

Sản xuất thực phẩm

0,52

54/100

16/30

15/20

10/19

9/17

5/14

Sản xuất sản phẩm từ Plastic

0,59

61/100

20/30

12/20

11/19

11/17

6/14

Sản xuất vật liệu xây dựng

0,4

41/100

13/30

10/20

8/19

5/17

4/14

Nhận xét:

           “Hệ số mức độ đồng bộ - TĐB ” bình quân của 05 nhóm ngành đánh giá năm 2020 có giá trị là 0.46, tổng điểm 5 thành phần TEORI là 47,4. Trong đó chỉ số bình quân các nhóm thành phần như sau:

         - Nhóm hiện trạng thiết bị, công nghệ (Nhóm T): 15,4/30

         - Nhóm hiệu quả k`hai thác công nghệ (Nhóm E): 11,4/20

         - Nhóm năng lực tổ chức - quản lý (Nhóm O): 8,4/19

         - Nhóm năng lực nghiên cứu, phát triển (Nhóm R): 9,6/17

         - Nhóm năng lực đổi mới sáng tạo (Nhóm I): 4,6/14

Kết luận:

         - So sánh với phân loại đánh giá quy định tại Mục b Khoản 3 Điều 9 Chương III Thông tư 17/2019/TT-BKHCN thì “Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trung bình khi hệ số mức độ đồng bộ từ 0,3 trở lên và tổng số điểm từ 35 điểm đến dưới 60 điểm”.

         - Như vậy, trình độ và năng lực công nghệ sản xuất doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh đánh giá năm 2020 đạt mức TRUNG BÌNH.

        - Theo đó, năm nhóm ngành được đánh giá, như sau: Sản xuất sản phẩm từ Plastic đạt mức Trung bình tiên tiến, còn lại 4 nhóm ngành Chế biến nông lâm sản, Dệt may, Sản xuất thực phẩm, Sản xuất vật liệu xây dựng đạt mức Trung bình.

IV. KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KH&CN

         Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ, năng lực công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường KH&CN;  Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của tỉnh theo nguyên tắc: Lộ trình đổi mới công nghệ là công cụ liên kết giữa sản phẩm, công nghệ và thị trường. Tổ chức đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho các kỹ sư, kỹ thuật viên. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp.

         Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về công nghệ; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm về KH&CN, tìm kiếm công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình đổi mới công nghệ; chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trọng điểm, chủ lực; chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh.

         Hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, phát triển tài sản trí tuệ. Khuyến khích hoạt động nghiên cứu chuyển hóa, làm thích nghi công nghệ hiện đại được nhập từ nước ngoài để chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thị trường; tìm kiếm, mua công nghệ nguồn, công nghệ cao trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN, trường đại học ở Trung ương và địa phương trình diễn, giới thiệu sản phẩm KH&CN, công nghệ mới.

         Tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm mang tính đặc thù, sản phẩm đặc sản có thế mạnh của Trà Vinh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ thương mại hoá các sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp.Tổ chức lại, nâng cao hiệu quả và đi vào thực chất phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở mọi lĩnh vực, với sự tham gia của mọi đối tượng, đặc biệt là phong trào sáng tạo trong công nhân, nông dân, thanh thiếu niên. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các giải thưởng về sở hữu trí tuệ, các cuộc thi sáng tạo trên địa bàn thành phố và cả nước./.

Trần Văn Nhàn - Phòng Quản lý Công nghệ


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 78
  • Trong tuần: 1 682
  • Tất cả: 4408969