TRÁI DỪA VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Lượt xem: 1646
Bến Tre có vùng dừa nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến tập trung với quy mô lớn, chiếm tỷ lệ trọng lớn về tổng diện tích, sản lượng và giá trị sản xuất so với toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Bến Tre là tỉnh có quy mô trồng dừa chiếm 1/3 diện tích dừa của cả nước và cây dừa được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn. Đây là một trong những yêu cầu về nguồn nguyên liệu trong công nghiệp chế biến thực phẩm, để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ và các nước có nền công nghiệp thực phẩm phát triển. Tuy nhiên, ngành chế biến thực phẩm từ dừa ở Bến Tre còn nhiều hạn chế, chỉ có các sản phẩm chủ yếu là cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, nước dừa, thạch dừa thô cho thị trường Trung Quốc. Kẹo dừa là sản phẩm đặc thù có giá trị tăng rất cao, nhưng có giới hạn về thị trường. Trong khi đó, sản phẩm cơm dừa nạo sấy có thị trường rộng, nhưng chưa đáp ứng được các thị trường khó tính. So với các nước có nền công nghệ chế biến như Philippines, Indonesia và Ấn Độ, thì sản lượng cơm dừa sấy ở Việt Nam ở mức rất thấp. Cụ thể, theo kết quả thống kê của tổ chức APCC năm 2014, sản lượng cơm dừa sấy khoảng 12.787 tấn/năm, thấp hơn 148 lần so với Philippines, 114 lần so với Indonesia và 91 lần so với Ân Độ. Ngoài ra, công nghệ chế biến dừa ở Bến Tre hiện nay đa phần chi đáp ứng cho việc chế biến các sản phẩm thô, bán thành phần.

Nhiều minh chứng khoa học và thực tiễn, dừa là cây trồng không có sử dụng hóa chất lên trái, nên trái hoàn toàn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cho nước dừa được mệnh danh một loại nước rất tinh khiết, an toàn cho người sử dụng. Nước dừa tươi được dùng làm thức uống giải khát và bồi dưỡng sức khỏe vì có nhiều đường khử, giàu đạm, nhiều vitamin C và B1 cũng như các khoáng chất. Nước dừa có thể dùng để pha chế môi trường nuôi cấy mô, tham gia vào quá trình chế biến thức ăn hay đóng hộp, giúp việc tồn trữ lâu dài, nâng cao được giá trị sản phẩm. Cho nên, cần đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm dừa thành các sản phẩm công nghiệp như nước cốt dừa và sữa dừa. Nhưng phụ phẩm trong ngành chế biến dừa như vỏ dừa, xơ dừa và lá dừa có thể tận dụng chế biến thành các dòng sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, dừa là đặc sản của tỉnh Bến Tre, thường được dùng làm quà biếu vào các dịp lễ, tết. Hầu hết tất cả các bộ phận của quả dừa đều được người dân tận dụng triệt để. Ngoài phần nước và phần thịt bên trong của quả dừa. Vỏ dừa, xơ dừa, lá dừa cũng có công dụng và mang lại một dòng giá trị riêng cho người trồng nói riêng và người dân Bến Tre nói chung.

Trước tình hình đó, nhằm phát huy chuỗi giá trị từ dừa, nâng cao giá trị sản xuất và thương mại, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao như cơm dừa sấy khô, sữa dừa, bột sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, nước dừa giải khát và các sản phẩm từ dừa mang lại giá trị cao….là cần thiết. Trong đó, nước cốt dừa là sản phẩm chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến dừa. Nước cốt dừa là thành phần nguyên liệu quan trọng trong các bửa ăn của người dân Châu Á cũng như trên thế giới, bởi vì nước cốt dừa có hương vị đặc trưng và các chỉ tiêu cảm quan riêng. Trung Quốc là một thị trường lớn và tiềm năng, theo ước tính khoảng 25% nước cốt được trên thế giới được tiêu thụ ở Trung Quốc. Để đáp ứng được yêu cầu thị trường trong nước và đặc biệt là xuất khẩu, quy trình công nghệ chế biến sản phẩm này cần phải hoàn thiện, cụ thể là các thông số quan trọng trong quy trình sản xuất.

Nhóm nghiên cứu Khoa công nghệ thực phẩm, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã nghiên cứu phát triển thành công quy trình sản xuất sản phẩm sữa dừa đóng lon, từ chuẩn hóa nguyên liệu, công thức ổn định hệ nhũ tương, tính toán giá trị tiệt trùng và xác định thời gian bảo quản sản phẩm. Nước cốt dừa có pH khoảng 6,1, thuộc nhóm sản phẩm này cần được xử lý ở nhiệt độ lớn hơn 1000C (tiệt trùng) nhằm tiêu diệt bào tử vi sinh vật, góp phần bảo quản nước cốt dừa trong thời gian dài. Kết quả nghiên cứu đã xác định được chế độ tiệt trùng tối ưu đảm bảo an toàn vi sinh, dinh dưỡng và cảm quan. Quá trình nghiên cứu về chế độ tiệt trùng đã sử dụng phương pháp Ball cải tiến (thông qua tính toán thâm nhập nhiệt) nên có khả năng ứng dụng thực tiễn ở quy mô công nghiệp cao.

Trần Văn Út Tám


Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 2132
  • Trong tuần: 18 734
  • Tất cả: 4387307