Ứng dụng quy trình nuôi tôm càng xanh (macrobrachium rosenbergii) toàn đực trong ao đất tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 2303
Vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú ban hành Quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 về việc phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình nuôi tôm càng xanh (macrobrachium rosenbergii) toàn đực trong ao đất tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh”, KS. Lê Văn Quí là chủ nhiệm dự án, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Trà Vinh chủ trì.

Ảnh: Tôm càng xanh thương phẩm tại Trung tâm

Trong những năm gần đây do tập trung quá mức vào đối tượng nuôi tôm biển, nghề nuôi tôm gặp nhiều trở ngại do dịch bệnh, môi trường ô nhiễm. Ngoài ra do hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, do đó việc phát triển mô hình nuôi thủy sản ở vùng nước lợ với các độ mặn khác nhau là vấn đề quan trọng để đáp ứng kịp thời và hiệu quả với diễn biến của các hiện tượng trên. Trong đó Tôm càng xanh là đối tượng nuôi tiềm năng và triển vọng.

Một trong những đặc điểm sinh học làm hạn chế việc nâng cao năng suất trong nuôi Tôm càng xanh thương phẩm là tính phân đàn khi nuôi chung tôm đực, tôm cái. Tôm đực thường lớn nhanh hơn tôm cái trong cùng quần đàn, đặc biệt trong giai đoạn thành thục sinh dục, tôm cái ngừng phát triển sinh trưởng để tích lũy cho sinh sản (Ranana, 1986). Đặc điểm sinh học này cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến kích cỡ, tổng sản lượng tôm nuôi thương phẩm cũng như hiệu quả kinh tế của tôm nuôi do tôm lớn có giá bán cao hơn nhiều so với tôm nhỏ.

Theo Quyết định quy hoạch Số: 359/QĐ-UBND của UBND tỉnh Trà Vinh, ngày 24 tháng 3 năm 2014 về việc phê duyệt phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Diện tích nuôi thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 đạt 37.860 ha, năm 2020 đạt 39.224 ha và năm 2030 đạt 38.816 ha. Từ đó cho thấy tôm càng xanh là đối tượng nuôi tiềm năng và triển vọng mang lại thu nhập cao cho người nuôi, đồng thời thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Trà Cú là một trong những huyện của tỉnh bị xâm nhập mặn làm ảnh hưởng việc canh tác nuôi trồng của người dân cũng như ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, mà con tôm càng xanh toàn đực lại là đối tượng nuôi chịu được độ mặn từ 0 đến 16‰, để thích ứng với điều kiện môi trường bên cạnh đó trên địa bàn huyện  cũng hướng đến việc đa dạng đối tượng nuôi. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ thực hiện dự án: “Ứng dụng quy trình nuôi tôm càng xanh (macrobrachium rosenbergii) toàn đực trong ao đất tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh” qua đó góp phần giúp tăng thu nhập, tăng lợi nhận cho bà con nuôi tôm càng xanh trong ao đất nhằm tạo việc làm ổn định và bền vững trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương.

Để đạt được mục tiêu chung là Ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất để xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Trà Cú, tỉnh Trà vinh. Dự án cần phải đạt các mục tiêu cụ thể Ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất xây dựng 08 mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm với tỷ lệ sống đạt ≥ 50%, đạt năng suất trung bình 500kg/2.000m2.

Ảnh: Con giống tôm càng xanh toàn đực tại Trung tâm

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực mang lại, có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Mặt khác, mô hình rất phù hợp với phong tục tập quán, khả năng đầu tư của nông dân cũng như hình thức canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật nông dân ở Trà vinh có thể hoàn toàn áp dụng được. Về lâu dài ngành nông nghiệp tỉnh Trà vinh sẽ triển khai nhân rộng mô hình trên cả ba vùng lợ, ngọt nhằm giúp người dân nơi đây hình thành phương thức canh tác thích ứng với vấn đề xâm nhập mặn-biến đổi khí hậu để nâng cao thu nhập, và cũng là phương cách giúp người dân phát triển kinh tế bền vững.

Bích Liên


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 1 611
  • Tất cả: 4408898