Chỉ khâu mới mô phỏng gân tăng hiệu quả chữa bệnh và cung cấp thuốc
Lượt xem: 2000
Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học McGill đã tạo ra loại chỉ khâu mới mô phỏng gân người, không chỉ chữa lành vết thương hiệu quả mà còn theo dõi sự tiến triển của vết thương và được bổ sung các loại thuốc ngăn ngừa nhiễm trùng.

Nhóm nghiên cứu đã tìm cách khắc phục những thiếu sót trong thiết kế của các loại chỉ khâu thông thường. Các sợi cứng được sử dụng trong chỉ khâu hiện nay có thể gây tổn thương cho các mô xung quanh, dẫn đến chấn thương và biến chứng sau phẫu thuật, nên các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp khả quan hơn.

 Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, một phần của vấn đề là sự tương phản giữa độ cứng của chỉ và độ mềm của mô người, gây ra ma sát khi chỉ và mô tương tác với nhau. Từ đó, nhóm đã đưa ra giải pháp phù hợp là tạo ra loại vật liệu phù hợp.

 Zhenwei Ma, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Thiết kế của chúng tôi lấy cảm hứng từ gân của người, lớp vỏ endotenon, vừa cứng vừa chắc là nhờ có cấu trúc mạng kép. Nó liên kết các sợi collagen với nhau trong khi mạng lưới elastin tăng cường sức mạnh”.

 Loại chỉ mới được gọi là chỉ bọc gel bền chắc (TGS), vì chúng được bao bọc bởi loại gel chắc chắn nhưng trơn, mô phỏng cấu trúc mềm của mô xung quanh. Chỉ đã được thử nghiệm trên chuột và kết quả là bề mặt gel giúp tránh ma sát và tổn thương do chỉ khâu truyền thống gây ra.

 Để khám phá tiềm năng của chỉ khâu kết nối các mô rách lại với nhau, các nhà khoa học đã chứng minh cách chỉ khâu chứa các hợp chất kháng khuẩn, vi hạt cảm biến pH, thuốc và hạt nano huỳnh quang được tạo ra. Dù mới chỉ chứng minh ở giai đoạn đầu, nhưng chỉ bọc gel có triển vọng thực hiện nhiều chức năng bổ sung như chống nhiễm trùng, phân phối thuốc để đẩy nhanh quá trình chữa lành và theo dõi sự tiến triển của vết thương.

 Jianyu Li, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Công nghệ này cung cấp một công cụ linh hoạt để xử lý vết thương. Chúng tôi tin rằng chỉ khâu có thể được sử dụng để cung cấp thuốc, ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc thậm chí theo dõi vết thương bằng hình ảnh cận hồng ngoại. Khả năng theo dõi vết thương tại chỗ và điều chỉnh chiến lược điều trị để vết thương mau lành là một hướng đi thú vị cần được khám phá".

Nguồn: https://www.vista.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 86
  • Trong tuần: 1 686
  • Tất cả: 4408787