Nghiệm thu nhiệm vụ chiết xuất cao định chuẩn từ củ ngải bún điều trị bệnh viêm loét dạ dày
Lượt xem: 2592
  Kết quả từ nhiệm vụ này có thể được chuyển giao cho các công ty dược để sản xuất chế phẩm bảo vệ và chống viêm loét dạ dày.

Buổi nghiệm thu nhiệm vụ

Ngày 28/4/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ “Xây dựng quy trình chiết xuất cao định chuẩn từ củ ngải bún (Boesenbergia pandurata) và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày”. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố, do Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ là GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai.

Viêm loét dạ dày là căn bệnh khá thường gặp ở đường tiêu hóa và được coi là một trong những chứng bệnh điển hình của đau dạ dày. Hai nguyên nhân gây viêm loét quan trọng nhất là nhiễm trùng dạ dày bởi vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và việc sử dụng mãn tính thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), bao gồm cả aspirin. Viêm loét dạ dày đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, căn bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, nếu viêm loét dạ dày không được chữa trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Củ ngải bún có tên khoa học là Boesenbergia pandurata Roxb. Schltr., là cây thân thảo, mọc từng củ dài, kết chùm. Củ ngải bún được sử dụng rộng rãi như một loại gia vị ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Củ ngải bủn chứa hàm lượng lớn hợp chất pinostrobin.

Hợp chất pinostrobin vừa có tác dụng diệt vi khuẩn HP vừa ức chế enzyme urease, sẽ tiêu diệt môi trường sống của HP, có khả năng bảo vệ dạ dày trước các vết loét gây ra bởi ethanol bằng cách tăng thành niêm mạc dạ dày, làm giảm diện tích vết loét dạ dày, ức chế sự xâm nhập leucocytes của thành dạ dày, giảm tế bào loét dạ dày tăng sinh.

Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thành các nghiên cứu về quy trình chiết xuất cao định chuẩn chứa nhiều pinostropin từ củ ngải bún, từ đó đánh giá độ an toàn và tác dụng chống viêm loét dạ dày trên mô hình in vitro và in vivo với mong muốn phát triển sản phẩm mới có khả năng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày từ nguồn dược liệu trồng tại Việt Nam.



GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai tiếp thu góp ý của Hội đồng

Kết quả nghiên cứu bao gồm:

- Xây dựng quy trình phân tích định lượng pinostrobin bằng phương pháp HPLC-DAD với đầy đủ các bước xử lý mẫu, chuẩn bị mẫu phân tích kèm các điều kiện phân tích trên thiết bị HPLC-DAD Agilent 1260.

- Xây dựng quy trình chiết xuất cao định giàu pinostrobin từ củ ngải bún với quy mô ly trích (1kg nguyên liệu củ ngải bún/mẻ) và quy mô điều chế cao định chuẩn 200g cao thô/mẻ. Từ 1kg củ ngải bún khô, điều chế ra được 200g cao thô EtOH và thông qua kết tinh thu được 70,67g cao định chuẩn chứa pinostrobin với hàm lượng từ 30,89%.

- Đánh giá độc tính cấp và bán trường diễn của cao định chuẩn: kết quả cho thấy cao định chuẩn giàu pinostrobin an toàn trên động vật thử nghiệm.

- Đánh giá hoạt tính ức chế enzyme urease và vi khuẩn HP của cao định chuẩn: kết quả cho thấy cao định chuẩn giàu pinostrobin không những có khả năng tiêu diệt chủng HP chuẩn 26695 (nhạy với các loại kháng sinh) mà còn tiêu diệt luôn chủng lâm sàng GD37 (kháng 4 loại kháng sinh); có tác dụng kháng viêm làm giảm lượng IL-8 mà không gây chết tế bào AGS; có tác dụng ức chế enzyme urease nhằm tiêu diệt môi trường sống của HP.

- Đánh giá tác dụng chống viêm loét dạ dày gây ra do ethanol của cao định chuẩn trên chuột cho thấy: cao định chuẩn liều từ 20-150mg/kg có tác dụng giảm đau theo cơ chế trung ương trên chuột khi dùng tác nhân acid acetic để gây đau (cơn đau quặn bụng) mạnh hơn khi dùng aspegic liều 100mg/kg; cao định chuẩn giàu pinostrobin ở liều từ 20-150mg/kg có xu hướng tăng pH dịch vị, giảm số ổ loét, mức độ loét và làm ức chế sự viêm loét dạ dày trên chuột. Liều 40-150mg/kg có tác dụng bảo vệ viêm loét dạ dày gần bằng omeprazol (liều 20mg/kg).

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu khoa học của nhiệm vụ đã được cụ thể hóa bằng đơn đăng ký sáng chế cao thảo dược hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày và phương pháp điều chế cao thảo dược này (đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ, chủ đơn là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM). Do đó, kết quả này có thể được chuyển giao cho các công ty dược để sản xuất chế phẩm bảo vệ và chống viêm loét dạ dày.

Sau khi xem xét và thẩm định các nội dung đăng ký và kết quả mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện, Hội đồng đồng ý nghiệm thu nhiệm vụ.

Nguồn: http://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/sokhcn


Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 947
  • Trong tuần: 18 987
  • Tất cả: 4388573