Chính sách phát triển nông nghiệp an toàn trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam
Lượt xem: 1822
Hiện nay, nông nghiệp an toàn đang là một chủ đề khá “nóng”. Có thể khẳng định đây là vấn đề có tính “sống còn”, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, cả người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm. Đối với một quốc gia, nông nghiệp thiếu an toàn không chỉ gây nên những thiệt hại đơn thuần về kinh tế, thương mại mà còn để lại hậu quả lâu dài cho môi trường và giống nòi.

Nông nghiệp Việt Nam đang trong bối cảnh tái cơ cấu, chuyển từ tư duy phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Sau khi mục tiêu an ninh lương thực đã hoàn thành, mục tiêu tiếp theo của ngành nông nghiệp là phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn.

Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu. Trong 5 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN và Hàn Quốc, ngoại trừ Trung Quốc là thị trường có yêu cầu tương đối thất thường, các thị trường còn lại đều rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, nông nghiệp sạch đối với Việt Nam là một mục tiêu nhất định phải đạt được.

Đề tài Chính sách phát triển nông nghiệp an toàn trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Viện Kinh tế Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Đào Thị Hoàng Mai sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề chính sách nhằm phát triển nông nghiệp an toàn một cách đúng hướng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Nhằm mục tiêu đề xuất các giải pháp chính sách để phát triển nông nghiệp an toàn ở Việt Nam, trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp an toàn là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của xã hội cũng như bối cảnh hiện tại và tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam. Phát triển nông nghiệp an toàn, gắn với mục tiêu an toàn thực phẩm đang huy động không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà Chính phủ cũng đã vào cuộc với sự phối hợp các ngành liên quan. Trong vòng một vài năm gần đây, các chính sách về nông nghiệp an toàn, từ trực tiếp đến gián tiếp, đã được ban hành khá nhiều. Một số chính sách đã được thực hiện, một số khác sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Có thể nói, để phát triển nông nghiệp an toàn ở Việt Nam thì không thiếu chính sách. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để các chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy bức tranh thực trạng về nông nghiệp an toàn ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khá hỗn loạn. Sự hỗn loạn này phần nhiều bắt nguồn từ sự thiếu rõ ràng và minh bạch thông tin. Các khảo sát cho thấy có sự mập mờ từ các khái niệm an toàn, đến các tiêu chuẩn, quy trình và tính xác thực của các sản phẩm bán trên thị trường.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy việc quản lý dựa trên sự thanh tra, giám sát của các cơ quan hữu quan là rất tốn kém, cả về nhân lực và vật lực. Do vậy, việc huy động các tổ chức xã hội và sự tham gia của chính người tiêu dùng vào quá trình giám sát là cần thiết. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào nông nghiệp cũng sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển nông nghiệp an toàn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16468/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn https://www.vista.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 705
  • Trong tuần: 18 745
  • Tất cả: 4388332