Chủ động trong canh tác lúa vụ hè thu 2021

         Từ kết quả thắng lợi ở vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 về năng suất cũng như giá bán, người sản xuất lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha cao hơn so với những năm trước đây; Trong vụ lúa Hè Thu 2021 với kế hoạch gieo trồng 73.175 ha; đặc biệt, là nguồn nước tương đối thuận lợi cho việc gieo sạ; để chủ động hơn cho việc xuống giống lúa vụ Hè Thu 2021 đạt năng suất và chất lượng cao, cần lưu ý một số giải pháp kỹ thuật, như sau:

         * Về khâu làm đất:

         - Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2020-2021 nên vệ sinh đồng ruộng: Thu gom rơm rạ, đốt đồng và dọn cỏ bờ ruộng trước khi làm đất;

         - Tiến hành cày ải, phơi đất để hạn chế phèn và một số độc chất hiện diện trong ruộng; tạo thuận lợi cho nhóm vi sinh vật trong đất hoạt động phân hủy chất hữu cơ tốt hơn điều kiện háo khí, nhằm cải tạo đất và hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ. Kết hợp diệt chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ.

          - Sau khi làm đất lần cuối nên trang mặt ruộng bằng phẳng, phân rò đánh đường nước giúp cho việc tháo rửa phèn và độc chất trong ruộng tốt hơn.

          - Bón vôi vùi vào trong đất với liều lượng từ 50 - 100 kg cho 1.000 m2 trước gieo sạ 5-7 ngày.

    - Có thể bón lót lân trước gieo sạ giúp hạ phèn, giảm một số độc chất giúp bộ rễ phát triển tốt hơn ở giai đoạn đầu.  

Đốt đồng và cảy ải phơi đất

         * Chọn giống và gieo sạ:

         - Sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp:

          + Các giống lúa chất lượng cao chủ lực, gồm:, OM 5451, OM 18, OM 4900;

          + Các giống lúa bổ sung: Đài thơm 8, OM 9517, OM 9921, OM 429, VD 20, ST 5, ST 20 ST24, ST 25;

          + Các giống lúa chất lượng trung bình: IR 50404, ML 202, Siêu hàm trâu có thể duy trì nhưng không vượt quá tỉ lệ 20 % diện tích gieo trồng của tỉnh.

          + Nên sử dụng giống cấp xác nhận, giống chất lượng cao, có khả năng chống chịu hạn, phèn tốt và phù hợp với thị trường tiêu thụ.

         - Lượng giống khuyến cáo: 80-120 kg/ha.

         - Áp dụng các phương pháp sạ hàng hoặc sạ thưa theo khuyến cáo.

         - Khai thác có hiệu quả bẫy giám sát côn trùng thông minh, đặc biệt là diễn biến rầy nâu làm cơ sở hỗ trợ cho các huyện xuống giống “né rầy” vẫn theo lịch khuyến cáo của Ngành.

                                                                                                     Đưa nước nhử cỏ dại                                                                                 Sạ lúa theo hàng

         * Chăm sóc.

          - Tùy theo điều kiện nguồn nước tưới mà có chế độ điều tiết nước cho phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây lúa, giúp tăng hiệu lực sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh.

         + Giúp cây lúa phát triển mạnh, đồng thời khống chế cỏ dại trên ruộng lúa ngay ở giai đoạn đầu nên thường xuyên giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5 cm.

         + Khi lúa đẻ nhánh đạt mật độ tối đa có thể rút cạn nước để lộ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đỗ ngã của cây lúa. Sau đó đưa nước vào ruộng giúp cây lúa phát triển tốt hơn cho các giai đoạn sau.

         + Áp dụng kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” để tiết kiệm nước làm hạn chế chồi vô hiệu, ruộng được thông thoáng giảm áp lực sâu bệnh.

         - Dặm tỉa:

         + Không nên để ruộng quá dày lúa sẽ đẻ nhánh ít, tỷ lệ bông hữu hiệu thấp, sâu bệnh nhiều.

          + Nên dặm tỉa sớm khi cây lúa từ 15-20 ngày sau sạ trở lên, sớm ổn định mật độ, tăng số chồi hữu hiệu, hạn chế thất thoát trong thu hoạch.

         - Phân bón:

        + Bón phân theo nhu cầu phát triển của cây lúa, cân đối đạm, lân và kali. Có thể sử dụng phân hỗn hợp NPK theo liều lượng khuyến cáo trên cây lúa hoặc kinh nghiệm qua thực tế, tránh bón thừa phân đạm đặc biệt đầu vụ Hè Thu.

         + Tăng cường bón phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, sử dụng các sản phẩm có chứa canxi và silic; ưu tiên, sử dụng các sản phẩm sinh học, các loại phân bón cung cấp qua lá để tăng cường sức chống chịu cho cây lúa nếu vùng sản xuất bị thiếu nước đầu vụ.

         * Phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng

        - Quản lý cỏ dại:

         Đây là đối tượng dịch hại quản lý và phòng trừ tốn nhiều chi phí ở vụ Hè Thu, nên quản lý tốt ngay đầu vụ:

         + Trước khi gieo sạ 7-10 ngày có thể chủ động nhử cỏ dại bằng cách: Đưa nước vào ruộng cho đủ ẩm để nhử cỏ mọc, sau đó sử dụng thuốc trừ cỏ (không chọn lọc) xử lý nhằm hạn chế mật độ cỏ dại ngay đầu vụ Hè Thu.

         + Ngăn ngừa hoặc hạn chế cỏ dại vào ruộng từ hạt giống: Sử dụng giống sạch hạt cỏ (giống cấp xác nhận hay giống nguyên chủng).

         + Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ.

         + Xử lý cỏ dại bằng thuốc hoá học: Tùy theo điều kiện từng vùng (khu vực) nên phòng trừ cỏ dại cho phù hợp. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm nhằm khống chế cỏ dại và lúa cỏ ngay đầu vụ; hoặc xử lý thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm khi phụ thuộc vào nguồn nước tưới.

         - Sâu bệnh hại:

          + Cần lưu ý các đối tượng dịch hại thường xuyên xuất hiện và gây hại ngay đầu vụ: Chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, các bệnh do vi khuẩn (cháy bìa lá, thối thân, sọc trong,…).

         + Không nên bón thừa phân đạm, vì khi thừa đạm, cây lúa dễ bị sâu bệnh xâm nhiễm, gây hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển ở giai đoạn sau.

         + Nên thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch hại trên đồng ruộng; chủ động phòng trị ngay đầu vụ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phát hiện sâu bệnh hại kịp thời và có các biện pháp xử lý chủ động mang hiệu quả cao nhất.

           Lưu ý:

         - Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”;

         - Các hoạt chất thuốc BVTV có trong Danh mục thuốc BVTV do Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành được phép sử dụng ở Việt Nam.

 

                                                                             Th.S. Nguyễn Thị Lùng

                                                                      Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới