Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công cách mạng
Trong 02 ngày 13-14/8/2019, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách, Trưởng đoàn giám sát đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng giai đoạn 2015-2018 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tại Ủy ban nhân dân xã Đại Phúc, Ủy ban nhân dân huyện Càng Long, Ủy ban nhân dân xã Thông Hòa, Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tham gia Đoàn giám sát có các vị ĐBQH khóa XIV; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc với UBND xã Đại Phúc và UBND huyện Càng Long

 Sáng ngày 13/8/2019, Đoàn làm việc với UBND huyện Càng Long và UBND xã Đại Phúc. Theo báo cáo của huyện Càng Long, giai đoạn 2015 - 2018 huyện đã xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng là 30.029 đối tượng, với tổng số tiền 286.882.021.000 đồng (trong đó hỗ trợ về nhà ở 2.243 căn; miễn giảm thuế tiền sử dụng đất cho 52 hộ; chăm sóc sức khỏe cho 243.067 lượt đối tượng;...). Hiện nay, trên địa bàn huyện số lượng gia đình người có công có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở là 2.362 căn nhưng chưa được hỗ trợ (trong đó có 768 căn cần xây mới, 1.594 căn sửa chữa).

Chiều cùng ngày, Đoàn Giám sát làm việc trực tiếp Ủy ban nhân dân xã Thông Hòa và Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè. Trong giai đoạn 2015 - 2018 toàn huyện Cầu Kè có 6.353 người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước với số tiền 91,031 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ về nhà ở 1.368 căn; cấp 13.105 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ dạy nghề cho thân nhân người có công, thương binh 58 đối tượng;...). Hiện nay, huyện còn 04 hồ sơ liệt sĩ chưa được giải quyết vì không còn giấy tờ gốc và không có an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.


Ông Thạch Phước Bình phát biểu tại buổi làm việc với
UBND xã Thông Hòa, UBND huyện Cầu Kè

 Sáng ngày 14/8/2019, Đoàn giám sát làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua báo cáo của Sở, hiện nay toàn tỉnh có 64.460 đối tượng người có công với cách mạng được ghi nhận, tôn vinh, được hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của các ngành, các cấp và nhân dân (trong đó có 19.624 liệt sĩ; có 12.819 đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; có 9.811 thương bệnh, binh; 3.327 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 171 mẹ); 12.373 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 8.814 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng và 3.348 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1.678 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học); đã thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 10.159 hộ; chăm sóc sức khỏe cho 31.089 đối tượng;… Hiện nay, toàn tỉnh hiện còn 5.489 hộ người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở nhưng chưa được hỗ trợ và 09 hồ sơ còn tồn đọng chưa được giải quyết (trong đó có 03 hồ sơ đề nghị Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 06 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ).
 
Ông Thạch Phước Bình phát biểu tại cuộc giám sát
đơn vị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

 Qua làm việc tại các địa phương, đơn vị, ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách đánh giá cao kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi cho người có công cách mạng của các địa phương, đơn vị trong thời gian qua. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được mở rộng đối tượng, điều chỉnh đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi; quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng khác nhau không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng cũng như trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện chính sách cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; còn nhiều đối tượng chính sách còn khó khăn về nhà ở và mức sống của các gia đình chính sách có cải thiện, nâng lên nhưng chưa thật sự ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 39 hộ nghèo thuộc chính sách người có công với cách mạng (theo chuẩn nghèo đa chiều), do không có đất sản xuất, thiếu việc làm, bệnh tật ốm đau, đông người ăn theo; một số trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến chưa xác nhận là người có công do không có các giấy tờ liên quan theo quy định. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở một số ít địa phương chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, ý nghĩa của phong trào, còn nặng về hoạt động quyên góp, giúp đỡ vật chất;...

Trên cơ sở đó, Ông đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân tỉnh cần quan tâm một số nội dung để thực hiện tốt hơn nữa về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng như: quan tâm đến công tác tuyên truyền; có nhiều giải pháp để thực hiện chính sách người có công bằng nhiều nguồn lực, trong đó quan tâm công tác xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người có công; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác này; bố trí cán bộ chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ phải có quy hoạch; quan tâm công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý người vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu người có công của địa phương để dễ dàng trong công tác quản lý hồ sơ được thuận lợi; tập trung rà soát những văn bản có liên quan trong thực hiện còn gặp khó khăn để đề xuất kiến nghị sửa đổi phù hợp trong thời gian tới.

 Thúy Oanh
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 22
  • Trong tuần: 1 560
  • Tất cả: 3084660