Chính phủ ban hành chính sách mới về cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời
Ngày 06 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 5 năm 2020. Theo đó, Quyết định này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Với quyết định này, theo nhiều công ty cung cấp, lắp ráp thiết bị thu điện năng lượng mặt trời, nhu cầu lắp ráp điện năng lượng mặt trời nói chung và điện năng lượng mặt trời mái nhà nói riêng có xu hướng tăng trở lại sau khoảng thời gian tạm lắng khi người dân và các chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời chờ đợi mức giá mua mới từ Chính phủ. Đây là lúc nhiều nhà đầu tư tính toán tiếp tục đầu tư.

Đối với điện mặt trời nối lưới
Quyết định quy định bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới phát lên hệ thống lưới điện quốc gia phù hợp với quy định về vận hành hệ thống điện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành điện; ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời. Việc sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện mặt trời nối lưới là bắt buộc trong mua bán điện giữa Bên bán điện và Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau thời gian này, việc gia hạn thời hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới.
Về giá mua điện, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23 tháng 11 năm 2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng mức 7,69 Uscent/kWh tương đương 1.783 VNĐ/kWh (dự án điện mặt trời nổi) và 7,09 Uscent/kWh tương đương 1.644 VNĐ/kWh (dự án điện mặt trời mặt đất). Giá mua điện tại Biểu giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

 

Lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà (Nguồn:thanhnien.vn)

  Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán. Giá mua điện tại khoản 1 và khoản 3 Điều này được áp dụng cho các dự án có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.
Về phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới, Quyết định đặt ra yêu cầu thiết bị chính của dự án mặt trời nối lưới phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế (IEC) hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Chất lượng điện của dự án điện mặt trời nối lưới phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về điện áp, tần số và các yêu cầu về vận hành hệ thống điện quốc gia theo quy định hiện hành. Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời nối lưới được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn điện, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời bên bán điện chịu trách nhiệm đầu tư, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng thiết bị đo đếm điện năng, đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện của Bên bán điện tới điểm đấu nối với lưới điện của Bên mua điện; tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện năng theo đúng quy định của pháp luật về đo lường.
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà
Quyết định nêu rõ, các hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc Bên mua là tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia theo giá mua điện với giá 8,38 Uscent/kWh tương đương 1.943 VNĐ/kWh. Giá mua điện này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí. 
Giá mua điện này được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Hợp đồng mua bán điện mà Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tuân theo Hợp đồng mua bán điện mẫu. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà tối đa là 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Sau thời gian này, việc gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quyết định cũng yêu cầu, hệ thống điện mặt trời mái nhà có đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện quốc gia được đầu tư phát triển sau khi đăng ký đấu nối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị đo đếm điện năng đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền. Bên cạnh đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà phải có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. Tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Nghiên cứu nội dung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà đầu tư rất phấn khởi và cho rằng thị trường năng lượng mặt trời sẽ sôi động trở lại. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cũng cho biết, do thời hạn áp dụng giá mua bán cố định mới sẽ kéo dài trong 20 năm nhưng chỉ áp dụng cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 nên các nhà đầu tư sẽ phải “chạy đua” để được hưởng mức giá Chính phủ vừa ban hành. Mặt khác, nguồn thiết bị lắp đặt đang bị chững lại do tác động của dịch Covid-19 nên nguồn cung cấp thiết bị cho các dự án lớn sẽ có thể bị thiếu trong giai đoạn hiện nay. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt thiết bị, đặt hàng nhập khẩu. Trong khi đó, đối với việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời mái nhà dành cho sinh hoạt của hộ dân sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn. 
Cũng theo Quyết định 13, bên cạnh biểu giá mua điện mới, đối với các dự án điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, điểm mới trong quyết định là trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, bên mua điện và bên bán điện có thể tự thỏa thuận về giá cả, cách thức để sử dụng điện trực tiếp từ hệ thống năng lượng mặt trời. Hình thức này phù hợp với mô hình đầu tư điện năng lượng mặt trời trên mái các nhà xưởng, các trung tâm thương mại hoặc các cao ốc để bán lại điện cho người sử dụng bên dưới… Nhìn chung, cơ chế mua điện mới này sẽ giúp  đa dạng hóa phương thức thanh toán tiền mua điện năng lượng mặt trời cho người dân, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời và hy vọng rằng với cơ chế chính sách khuyến khích năng lượng mặt trời sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung điện cho sinh hoạt cũng như phát triiển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.


KIẾN QUỐC
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 1753
  • Trong tuần: 26 020
  • Tất cả: 3059470