Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): còn nhiều băn khoăn về phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng hộ kinh doanh
Sáng ngày 21/5/2020, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Qua thảo luận hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm đổi mới công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn đối với phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng hộ kinh doanh.   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo gỉải trình, tiếp thu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Hội trường ngày 21/5/2020 (Nguồn: media.quochoi.vn)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết việc tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật này với các luật có liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật đã quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Với những vấn đề quy định khác với các luật khác đã được quy định rõ ngay trong từng điều khoản của dự thảo Luật để tránh phát sinh các xung đột trong áp dụng pháp luật. Đồng thời, đối với các quy định liên quan đến điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Luật đã dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan và lộ trình sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật đã có hai luồng ý kiến khác nhau đối với vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vì các lý do: (1) Nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; (2) Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh; (3) Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh. 
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì các lý do: (1) Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp; (2) Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới; (3) Số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn (hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có khoảng 1,7 triệu hộ nộp thuế); vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai. 
Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn, bởi đối tượng điều chỉnh có số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 đến 6 lần số lượng doanh nghiệp. Mặt khác, về bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp. Ông cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp. Bởi so với các chủ thể khác của luật thì hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh nhỏ bé. Việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại. Do vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét chưa nhất thiết can thiệp, đưa hình thức kinh doanh của hộ gia đình vào dự án Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh nên được xem xét ban hành thành luật riêng, luật về hộ kinh doanh, Luật Doanh nghiệp chỉ đề cập, điều chỉnh đối với doanh nghiệp, không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh. 
Cũng đồng tình với phương án không đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết với trên năm triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản 655.000 tỷ nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, tỷ lệ 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 30% GDP. Từ đó, đại biểu Tuấn thống nhất nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ nghị định cụ thể là Nghị định 78 lên thành luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn. Mặc dù hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh được pháp luật quy định bình đẳng với mọi loại hình kinh doanh khác, tuy nhiên hộ kinh doanh có rất nhiều điểm khác biệt. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh hành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý. Do vậy, ông đề nghị không đưa vào dự án Luật Doanh nghiệp các đều liên quan đến hộ kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (trái) và đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (phải) tham gia thảo luận Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Khác với các ý kiến nêu trên, khi tham gia thảo luận đóng góp dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng việc đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo của Luật Doanh nghiệp là hết sức chính đáng. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hộ kinh doanh cá thể là một sản phẩm của lịch sử, loại hình kinh doanh ra đời trong điều kiện nền kinh tế kế hoạch tập trung để hợp thức hóa hoạt động của khu vực kinh doanh tư nhân nhỏ lẻ mà lúc đó chúng ta chưa công nhận, chưa cho phép hoạt động của loại hình doanh nghiệp tư nhân. Hộ kinh doanh đã trở thành cứu tinh của những người kinh doanh nhỏ và đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh. Khu vực hộ kinh doanh là chiếc nôi của làn sóng khởi nghiệp đầu tiên trong nền kinh tế nước ta và đã góp phần đưa đất nước này vượt khỏi đói nghèo. Nhưng với các chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước từ năm 1986 và đặc biệt là vào năm 1990, khi chúng ta bắt đầu có Luật Doanh nghiệp thì các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Và như vậy, các hộ kinh doanh của chúng ta đang ở giai đoạn có điều kiện trở lại đúng với bản chất kinh tế và pháp lý của mình là một chủ thể của đời sống kinh doanh và chính là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế. Đồng thời, ông Lộc cũng đồng tình với việc Chính phủ quy định hộ kinh doanh như một chương của Luật Doanh nghiệp và cho rằng đây là một bước đệm tiến tới một bộ luật doanh nghiệp, hướng tới chuẩn mực chung của thế giới. 
Qua thảo luận đã có 22 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó có 02 luồng ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh đối với hộ kinh doanh. Trao đổi thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết phải luật hóa tất cả các quy định về hộ kinh doanh và lý do Chính phủ trình với Quốc hội xin Quốc hội đưa ngay vào lần này là nhằm: khẳng định định danh cho loại hình hộ kinh doanh hiện nay; bảo vệ được quyền lợi cho các hộ kinh doanh và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh; bãi bỏ được một số các rào cản đang vướng mắc và đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh; không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và không có tác động tiêu cực gì đến các hộ kinh doanh hiện nay mà chúng ta phân vân; tạo điều kiện, tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết nếu chúng ta xây dựng một Luật Hộ kinh doanh mới, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất có lẽ cũng phải 3 năm nữa chúng ta mới xây dựng được. 
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các đại biểu đều thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng đóng góp rất nhiều ý kiến về một số nội dung của dự án luật. Về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo luật, đa số ý kiến thống nhất là cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Nhiều ý kiến đề nghị là đối tượng hộ kinh doanh nên có một luật điều chỉnh riêng và không nên quy định tại luật này. Song, cũng có một số ý kiến là nên quy định ngay thành một chương trong dự án luật này. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng ngày 16/6/2020.


                                                                                            THẠCH KIẾN QUỐC
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh 
(Ảnh: media.quochoi.vn)

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 1 559
  • Tất cả: 3084659