Phát triển kinh tế biển ở Trà Vinh
Kinh tế biển có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các các địa phương có biển trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Trà Vinh có bờ biển dài 65 km, là vùng biển nông, thuộc khu vực tiếp giáp của 2 vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, xa hơn nữa là vùng biển Đông - Trường Sa. Đây là vùng biển có nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị kinh tế cao, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thuỷ sản nội đồng sẽ là tiềm năng lớn để thúc đẩy nền kinh tế biển của tỉnh phát triển. 

Thực trạng và tiềm năng
Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2007-2017 đạt 8.181 tỷ đồng (chiếm 33,8% tổng giá trị sản xuất khu vực I), diện tích nuôi mặn, lợ đạt 49.820 ha (chiếm 94,2% tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh). Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động khai thác thủy sản (hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm sú và tuyên truyền pháp luật trong nuôi trồng thủy sản trực tiếp và gián tiếp trên 6.000 hộ; cấp 500 máy thu trực canh SSB cho ngư dân; lắp đặt 21 thiết bị vệ tinh, 15 máy thông tin tầm xa; phê duyệt phương án đóng mới 11 tàu cá công suất lớn, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho 236 chủ tàu có công suất từ 90 CV trở lên, mua bảo hiểm tai nạn cho 1.779 thuyền viên với tổng số tiền gần 149 tỷ đồng) , phát triển kinh tế biển gắn dụ lịch biển (quy hoạch 02 khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn tại thị xã Duyên Hải và huyện Cầu Ngang diện tích 302,95 ha; thành lập 53 tổ hợp tác khai thác và liên kết dịch vụ hậu cần nghề cá với 230 chủ tàu cá tham gia hoạt động vùng ven bờ 18 tổ và ngoài khơi 35 tổ; điều chỉnh năng lực khai thác ven bờ, sắp xếp lại cơ cấu nghề nghiệp, cải tiến nghề ven bờ; tổ chức lại sản xuất gắn chuyển giao khoa học công nghệ và triển khai 04 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học kinh tế biển…)
Nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Trà Vinh bao gồm nguồn lợi cửa sông, rừng ngập mặn và vùng nước ven biển có độ sâu 30-40m nước vào bờ. Nguồn cá ven biển có 40 họ, 78 giống và 150 loài gồm cá biển ven bờ, cá nước lợ và cá di cư. Bãi tôm cửa Định An diện tích khoảng 20.000 ha là bãi tôm lớn nhất trong 5 bãi tôm ở dãi ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính trữ lượng tôm biển tại hai bãi tôm chính là 97-212kg/ha (Bắc Cung Hầu) và 64-249kg/ha (Cửa Định An). Tôm càng đứng sau tôm biển về giá trị kinh tế ở thủy vực Trà Vinh có 11 loài, trong đó có tôm càng xanh, tôm trứng, tép bò, tôm sông ấn . Vùng biển Trà Vinh còn tiếp nối với vùng Biển Đông có độ sâu, nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá hồng, cá thu…, mang lại tiềm năng lớn cho sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh và có 05 đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển (thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành) có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy hải sản khá lớn (nuôi tôm) cung cấp nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển (Phước Minh Hiệp, 2019).

Hình ảnh Trung tâm Điện lực Duyên Hải (TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)

(Nguồn: Website Diễn đàn doanh nghiệp - VCCI, https://enternews.vn/)

 
Bên cạnh đó, vùng đất Trà Vinh là một dải đồng bằng ven biển bao gồm cả vùng châu thổ được hình thành lâu đời và những vùng đất trẻ mới bồi, là một trong những vùng có tiềm năng rất lớn về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Vì vậy, vùng biển và ven biển Trà Vinh có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, giao lưu thương mại và an ninh quốc phòng của tỉnh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Cảng biển Trà Vinh là cảng thương mại đầu mối cho các tỉnh đồng bằng sông cửu Long ra vào cảng Cần Thơ. Mặt khác, địa hình Trà Vinh là một bán đảo, ba bên giáp sông, một bên giáp biển. Trà Vinh là một tỉnh cùng, chỉ có một con đường bộ duy nhất nối Trà Vinh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong khu vực. Chính vì vậy, để Trà Vinh phát triển toàn diện và bền vững, không còn hướng nào khác là phải phá thế độc đạo, hướng ra biển. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong những năm vừa qua, Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho phát triển kinh tế biển, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Tỉnh đã chú trọng thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển, khai thác được tiềm năng thế mạnh và lợi thế của ngành kinh tế biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng tích cực, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo vùng ven biển, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng ven biển phát triển, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên rừng theo hướng bền vững, chú trọng đảm bảo an ninh quốc phòng. 
Trong những năm qua, Trà Vinh ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương ven biển nhằm tạo nền tảng vững chắc để khai thác nguồn lợi kinh tế từ biển. Với sự hỗ trợ của Trung ương, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.857,475 tỷ đồng tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2011-2015 và khởi công mới 04 dự án, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020 là 912,872 tỷ đồng , chủ yếu tập trung nâng cấp, xây dựng hệ thống đê kè, các đoạn xung yếu ven sông, ven biển, hệ thống kênh trục, kênh cấp II, các trạm cấp nước sinh hoạt nhằm bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước và của nhân dân, nâng cao năng lực tưới tiêu, sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. 
Trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh được Trung ương đầu tư 56 tỷ đồng thực hiện dự án trồng rừng, với diện tích được trồng mới gần 1.100 ha, nâng diện tích rừng toàn tỉnh hiện có trên 8.975 ha; trong đó, rừng phòng hộ chiếm hơn 6.000 ha. Việc khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn ven biển đã đóng góp hiệu quả cho kinh tế - xã hội các địa phương ven biển. Hơn 80% diện tích rừng của tỉnh hiện đã được giao khoán cho hộ dân và các tổ chức để vừa chăm sóc, bảo vệ vừa khai thác nguồn lợi thủy sản dưới chân rừng, góp phần an sinh xã hội và ngăn chặn tình trạng sạt lở trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay. Đồng thời, tỉnh đã phát triển nhanh nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, vùng ngập mặn và nghề khai thác biển. Đến nay, tỉnh có diện tích nuôi tôm trên 25.000 ha. Tổng sản lượng thủy, hải sản hằng năm được đánh bắt và nuôi trồng đạt bình quân 167.000 tấn. 
Trà Vinh còn có lợi thế về phát triển du lịch biển với nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng; có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, tôm, cua, nghêu, sò huyết, kỳ đà, lợn rừng, rắn, chồn...; nhiều danh lam thắng cảnh (biển Ba Động, Cồn nghêu, Thiền viện Trúc Lâm); khai thác tắm khoáng nóng (mỏ nước khoáng nóng ấp Cồn Ông, xã Dân Thành) và có nhiều chùa chiền là điểm tham quan du lịch tâm linh gắn với phát triển mô hình homestay. Và đến cuối tháng 9/2019, tỉnh đã đón hơn 765.400 lượt khách du lịch, tăng 66,46% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu du lịch từ đầu năm đến nay của tỉnh đạt 279,8 tỷ đồng, tăng hơn 107,240 tỷ đồng so năm trước. Trong đó có hơn 60% lượng khách và doanh thu là từ 5 huyện, thị ven biển (Phước Minh Hiệp, 2019). 
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển ở đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh được Chính phủ chọn là tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực. Thực hiện chủ trương này, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, Trà Vinh đóng vai trò trung tâm. Cụ thể, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (tổng nguồn vốn đầu tư 88.000 tỷ, công suất thiết kế trên 4.400 MW, hiện đã đi vào hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, góp phần đảm bảo nguồn điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của khu vực và cả nước); Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu - kênh Tắt (vốn đầu tư 3.149 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 1/2017 đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào khu vực dễ dàng); Khu kinh tế Định An (diện tích 39.020 ha, giai đoạn 1 là 15.403 ha, là khu kinh tế ven biển đa ngành, đa lĩnh vực, hiện có 47 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 154.740 tỷ đồng) là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 của cả nước.

Sơ đồ quy hoạch Khu kinh tế Định An giai đoạn 1 đến năm 2020
(Nguồn: Website BQL Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, https://www.travinh.gov.vn/)

Từ phân tích trên cho thấy, Trà Vinh có điều kiện thuận lợi về phát triển giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và giao lưu văn hóa của tất cả các vùng miền trong nước và quốc tế. Đây là lợi thế, không tỉnh nào ở khu vực có được. Đặc biệt, Trà Vinh là một trong hai địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ chọn để thành lập khu kinh tế. Đó là Khu kinh tế Định An tại địa bàn hai huyện Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp. Mặt khác, đồng bằng sông Cửu Long hiện có 57 cảng thủy nội địa, 3.988 bến thủy nội địa và 1.404 cảng, bến tuy nhiên, trên 85% các cảng có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng. Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long ước đạt khoảng 17-18 triệu tấn/năm, trong khi đó cảng Cái Cui - cảng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu khoảng 3.000 - 5.000 tấn. Vì vậy, trên 70% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải dồn hết lên cụm cảng TP.HCM bằng đường bộ. Điều này làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và tại TP.HCM, chi phí hàng hóa tăng cao do vận chuyển và lưu kho (hiện tại, chi phí vận chuyển xà lan từ Cần Thơ đến cảng TP.HCM bình quân là 3,6 triệu đồng/cont 20 feet và khoảng 6 triệu đồng/cont 40 feet  thời gian lưu chuyển là 24 giờ, chi phí này đối với đường bộ là 8,2 triệu/cont 20 feet và 9,5 triệu/cont 40 feet, với thời gian là 8 giờ) và chi phí tăng thêm ít nhất 10 USD/tấn , chưa kể thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi đối với hàng nông sản của vùng. Cũng theo các chuyên gia, chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics thì mỗi năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng . Bên cạnh đó, cảng TP.HCM đã quá tải, không chỉ gồng gánh cho thành phố mà còn cho cả đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đồng bằng sông Cửu Long rất cần đầu tư, xây dựng bến cảng cho vùng theo Quyết định 1037 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3383 của Bộ Giao thông vận tải nhằm giúp khả năng luân chuyển hàng hóa tốt hơn, với chi phí hợp lý hơn.
Trong đó, cảng Định An, tỉnh Trà Vinh (đã được khởi công xây dựng vào tháng 7/2019 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải), với quy mô 120ha, tổng vốn đầu tư 4.452 tỷ đồng với 03 bến cảng, dự kiến bến số 1 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020, bến số 2 và số 3 sẽ hoàn thành trong năm 2021, khi hoàn thành đây sẽ là cảng vận chuyển hàng hóa lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm cảng biển số 6. Đây là công trình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch vào cảng biển Trà Vinh. Là cảng tổng hợp loại 2 của khu vực, khi hoàn thành sẽ bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 30.000 tấn đầy tải đến 50.000 tấn vơi tải (với thiết kế hiện tại có độ âm từ 9,5m) và theo thiết kế năng lực của cảng có thể nạo vét độ âm khoảng 16,5m sẽ đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 70.000 tấn đến 160.000 tấn cập cảng dễ dàng, bao gồm trung tâm logistics sau cảng. Năng lực thông quan năm 2030 khoảng 3,6 đến 5,4 triệu tấn/năm và về lâu dài được quy hoạch là cảng tổng hợp, công ten nơ tiềm năng cho tàu biển trọng tải lớn làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
Với các dự án trọng điểm của trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp đã hoàn thành và đang triển khai như: Luồng cho tàu lớn vào sông Hậu - kênh Tắt ; Trung tâm Điện lực Duyên Hải; các dự án điện gió, điện mặt trời..., Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quyết định số 1513-QĐ-TTg ngày 05/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 cũng nêu rõ: “...Là cửa ngõ giao thông hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Bộ”. Khu bến cảng này có nhiều lợi thế hơn hẳn những cảng biển hiện nay ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cả về vị trí lẫn chi phí đầu tư, bởi khu bến cảng này tận dụng được hai tuyến đê của luồng kênh Tắt nên sẽ không bị bồi lắng như những vị trí khác. Về kết nối, hiện nay cả về đường thủy lẫn đường bộ đang được tập trung đầu tư như: tuyến quốc lộ 60 là tuyến hành lang ven biển phía đông; tuyến quốc lộ 53, 54 kết nối với TP.HCM thông qua tuyến Quốc lộ 1; đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. 
Theo nghiên cứu của các cơ quan, lượng hàng xuất - nhập khẩu qua các cảng biển thuộc khu vực đến năm 2030 là rất lớn. Vì vậy, phát triển một cảng biển có tính chất cửa ngõ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể tại khu bến cảng tổng hợp Định An, là một yêu cầu cấp thiết không chỉ cho Trà Vinh mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án cầu Đại Ngãi (nối tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh trên Quốc lộ 60) bằng vốn vay ODA, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.040 tỉ đồng và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (tổng mức đầu tư là 1.202, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 800 tỷ đồng) đã được khởi công vào đầu tháng 12/2019, khi công trình hoàn thành sẽ góp phần giúp cho việc kết nối giữa khu bến cảng tổng hợp Trà Vinh với Quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ được dễ dàng hơn. Đó chính là những cơ hội cho Trà Vinh biến tiềm năng, lợi thế thành động lực giúp tỉnh trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.  
Một số đề xuất, khuyến nghị  
Từ những phân tích trên cho thấy, tuy tỉnh có những điều kiện thuận lợi từ tiềm năng của biển, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương để phát triển mạnh về kinh tế biển. Thế nhưng, thách thức lớn nhất đối với tỉnh là nguồn nội lực về ngân sách không đủ thực thi những giải pháp căn cơ, quan trọng để tạo đà bứt phá. Trên thực tế việc phát triển kinh tế biển trong những năm qua mới dừng lại ở dạng tiềm năng. Một trong những hạn chế, bất cập dễ thấy nhất là việc khai thác các thế mạnh mũi nhọn chưa tương xứng. Các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt, chủ yếu mới khai thác lợi thế về nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực khác như: đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, du lịch biển… chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quy hoạch dân cư, đô thị ven biển còn chậm. Nguồn vốn đầu tư cho chương trình, dự án phát triển các huyện vùng biển trọng điểm của tỉnh như: Duyên Hải, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải, rất hạn chế. Việc mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề biển còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để kinh tế biển Trà Vinh phát triển góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững, trở thành tỉnh khá trong khu vực, kiến nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm chú trọng một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt công tác dự báo, xây dựng chiến lược khai thác hiệu quả nguồn lợi biển. Trong đó, phải đánh giá được các tiềm năng, lợi thế của các nguồn lực biển mà Trà Vinh có thể khai thác được cũng như những thách thức, khó khăn đối với sự phát triển kinh tế biển của tỉnh. Từ đó, xây dựng Đề án phát triển ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản công nghiệp; cơ cấu lại khai thác thủy sản… Gắn với đó là xây dựng các giải pháp nâng cấp về giao thông vận tải đường biển và đường bộ trình cấp có thểm quyền phê duyệt. Song song đó, nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển du lịch biển Trà Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm khai thác thế mạnh du lịch biển của tỉnh. Đồng thời rà soát, đề xuất các giải pháp phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến ven biển đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới công tác huy động vốn ngân sách đầu tư cho kinh tế biển. Theo đó, để huy động nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi cao, mạnh dạn đề xuất lộ trình phát triển các ngành kinh tế biển, xây dựng các mô hình phát triển theo hướng ưu tiên đầu tư các ngành, lĩnh vực kinh tế biển mà tỉnh có thế mạnh, dần dần tạo sức lan tỏa sang các ngành đòi hỏi nguồn lực lớn hơn. Sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Chính phủ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo cơ sở thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành kinh tế biền. Bên cạnh đó cần coi trọng và khuyến khích đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, kiều bào đầu tư phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch lịch tại các khu vực ven biển. Thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư cho ngành nghề chế biến thủy - hải sản xuất khẩu; khuyến khích khôi phục các cơ sở tiêu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống chế biến hải sản. Cùng với đầu tư nâng cấp chợ Duyên Hải và các chợ xã, thị trấn ven biển, tỉnh xây dựng chợ đầu mối xã Long Hữu (huyện Duyên Hải), chợ Định An (huyện Trà Cú). Điều này nhằm đảm bảo yêu cầu giao thương hàng hóa lớn, đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch ở những địa điểm có điều kiện như bãi biển Ba Động, Mỹ Long và các cồn nổi ven biển, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, khách sạn; quy hoạch du lịch ven sông Tiền và sông Hậu. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, ưu đãi thuế, có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành kinh tế biển.
Thứ ba, có biện pháp gia tăng hiệu quả đánh bắt hải sản theo phương cách tiếp tục điều chỉnh và thực hiện chính sách hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Từ đó, hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ gắn với tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đánh bắt. Đồng thời, tập trung xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình như: khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu và cửa Định An; hạ tầng Cảng cá Láng Chim, Bến cá Định An, các Làng cá Định An, Mỹ Long, Đông Hải, Vĩnh Bảo. Ở lĩnh vực nuôi trồng, cần mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa con nuôi; từng bước xây dựng các vùng nuôi thủy sản chuyên canh, nuôi theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao, gắn với ưu tiên đầu tư sản xuất con giống. Bên cạnh đó, cần tập trung tổ chức lại sản xuất phục vụ phát triển kinh tế biển, vùng ven biển. Trong khai thác hải sản thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã khai thác trên biển để hạn chế chi phí sản xuất, bám biển dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, tùy theo đặc điểm sản xuất, phát huy và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản xuất hàng hóa lớn. 
Thứ tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển. Trong đó cần chú trọng mởi các lớp hướng dẫn kỹ năng phục vụ khai thác hải sản xa bờ, phương pháp bảo quản thủy sản trên tàu, kỹ năng ứng phó các sự cố trên biển… Tăng cường  các hoạt động tuyên truyền, giám sát các hoạt động giám sát để hạn chế tiến tới xóa bỏ các hình thức khai thác bằng lưới cào, kích điện, thuốc nổ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm môi trường sinh thái. Đồng thời, tăng cướng nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án, sáng kiến khoa học công nghệ cho ngành kinh tế biển và chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh gắn với đầu tư trang thiết bị vào sản xuất. Tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết trong phát triển các ngành kinh tế trong nội bộ tỉnh (giữa các huyện với nhau) và liên kết ngoài tỉnh với các tỉnh trong khu vực để phát triển kinh tế biển. Theo đó, Lãnh đạo tỉnh cần chủ trì tổ chức các cuộc giữa lãnh đạo các địa phương trong tỉnh để xây dựng cơ chế phối hợp trong phát triển kinh tế biển (về tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, môi trường, thu hút doanh nghiệp…), để tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực lợi thế của từng địa phương, tránh phát triển chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh.   
Thứ năm, cùng với sự tập trung đầu tư nguồn lực của tỉnh, Trà Vinh cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng tại Khu Kinh tế Định An, các quốc lộ trên địa bàn, hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các địa phương ven biển, xã bãi ngang, xã đảo, để tỉnh thu hút đầu tư và phát triển trở thành tỉnh trọng điểm về kinh tế biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, quan tâm xây dựng, phát triển mạnh cảng Định An – Trà Vinh. Hiện nay, cảng Định An đang thi công. Bến 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2020, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn. Bến 2, bến 3 cũng sẽ hoàn thành trong năm 2020 và đầu năm 2021. Nếu được đầu tư đúng mức, bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Đây là cảng duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có đủ khả năng phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng, mà không cần phải chuyển lên TP.HCM hoặc các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngoài ra, khu vực cảng đã quy hoạch 63ha và đang xây dựng hạ tầng logistics... Do đó, tỉnh cấn tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá khách quan tiềm năng và vai trò của cảng Định An với Trà Vinh và đồng bằng sông Cửu Long để có sự quan tâm đầu tư đúng mức cùng với những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển. Từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ sáu, bên cạnh những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế biển, đối mới quy trình nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, tỉnh cần có những giải pháp thiết thực hiệu quả để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu như: hoàn thiện hệ thống đê bao, hệ thống cống và hệ thống thuỷ lợi vừa có chức năng ngăn thủy triều, sóng, gió, nước biển dâng, phòng, chống xói lở; đẩy mạnh kêu gọi kêu gọi các nhà đầu tư phát triển điện gió và điện mặt trời; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển những cây trồng, vật nuôi thích nghi với môi trường; duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển và nghiên cứu xây dựng trạm quan trắc nhiệt độ, quan trắc gió, quan trắc nước biển dâng, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường nước để theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ, theo dõi chế độ thủy văn cũng như khả năng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, chất lượng của nguồn nước dưới tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…


Thạch Phước Bình
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 1577
  • Trong tuần: 25 844
  • Tất cả: 3059294