Thực trạng và một số giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Trà Vinh
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; đóng góp trực tiếp, quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trong suốt 30 năm qua đối với đất nước cũng như đối với từng địa phương. Trà Vinh là một tỉnh duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi phải có những giải pháp hoàn thiện nhằm phát huy nguồn vốn đầu tư này.

Thực trạng…

Để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA) cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2005-2019, tỉnh Trà Vinh đã ban hành 63 văn bản, trong đó Nghị quyết của HĐND là 26 văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định của UBND là 37 văn bản quy phạm pháp luật cụ thể liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, chuyển giao công nghệ, lao động, môi trường… Về tổ chức bộ máy, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Xúc tiến thương mại và Hội nhập quốc tế về kinh tế tỉnh Trà Vinh và giao Sở Công thương làm cơ quan đầu mối tổ chức triển khai thực hiện các FTA trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tỉnh đã tăng cường kêu gọi đầu tư và đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng thương mại; hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, từng bước hình thành nét văn minh thương mại. 
Song song đó, tỉnh đã tiến hành đăng 1.440 tin, bài và 458 văn bản trên Cổng thông tin điện tử tỉnh liên quan đến thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức phổ biến về Hiệp định CPTPP đến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp thông qua tổ chức 01 Hội thảo phổ biến về CPTPP cho hơn 100 đại biểu tham dự và 01 lớp tập huấn, có 47 người tham dự; tổ chức 44.863 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật, có 1.476.726 lượt người tham dự, trong đó 900 đại biểu là dân tộc Khmer tham dự; tổ chức truyền thông trợ giúp pháp lý 92 cuộc, có 3.139 người tham dự; phát hành 36.000 quyển tuyên truyền pháp luật, 320.000 tờ gấp hỏi - đáp pháp luật, 118.800 quyển tờ tin tư pháp; cập nhật trên 665 tin cảnh báo từ Văn phòng TBT Việt Nam và 43 thông báo từ WTO phổ biến đến 10 Công ty xuất khẩu trọng điểm (Lương thực Trà Vinh, Cổ phần Trà Bắc, Cổ phần Dược phẩm TV,…) trên địa bàn tỉnh; phát hành 07 Bản tin và 12 số Thông tin Hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh Trà Vinh (200 quyển/số) gửi đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh đã kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh với 47 thành viên, hiện toàn tỉnh có 1.621 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó: báo cáo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là 234, báo cáo viên pháp luật cấp huyện là 227 và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là 1.160. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh
chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020
(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://dangcongsan.vn/)


Tỉnh Trà Vinh hiện có 53 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn, tỉnh kêu gọi đầu tư và đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng thương mại; hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, từng bước hình thành nét văn minh thương mại, cụ thể: Toàn tỉnh hiện có 01 Trung tâm thương mại, 07 siêu thị ; phát triển 28 cửa hàng tiện tích (13 Cửa hàng Bách hóa xanh; 10 Cửa hàng Vinmart+); 08 máy bán hàng tự động, 302 cửa hàng xăng dầu và 03 thương nhân phân phối LPG; có 116 chợ , trong đó có 20 chợ khu vực thành, thị (chiếm 17,2%), 96 chợ khu vực nông thôn (chiếm 82,8%) góp phần lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2005 - 2019 là 211.010,74 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 16,2%/năm. Năm 2020 ước đạt 38.000 tỷ đồng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại thực hiện có hiệu quả. Lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. 
Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp giấy phép xây dựng cho 10 công trình dự án đầu tư có 100% vốn nước ngoài của 10 doanh nghiệp . Ngoài ra, đã thu hút đầu tư và cấp giấy Chứng nhận đăNgoài ra, đã thu hút đầu tư và cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (đến ngày 31/12/2019) được 83 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 157.913,05 tỷ đồng tại Khu Kinh tế, Khu công nghiệp, trong đó đã thu hút đầu tư được 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (12 dự án đang hoạt động; 04 dự án đang triển khai) với tổng vốn đăng ký 2.835,87 triệu USD, gồm: Canada: 05 dự án; Hàn Quốc: 03 dự án; Đài Loan: 02 dự án; Nhật Bản: 01 dự án; Đức: 01 dự án; Mỹ: 01 dự án; Trung Quốc: 01 dự án; Thái Lan: 01 dự án; Malaysia: 01 dự án theo hình thức BOT (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2), cụ thể: (1) Khu Kinh tế Định An thu hút đầu tư được 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư 154.769,79  tỷ đồng, trong đó có 04 dự án vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2.714,80 triệu USD, đang triển khai (gồm: 03 dự án điện gió và 01 dự án theo hình BOT (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải; (2) Khu công nghiệp Long Đức thu hút đầu tư được 35 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư là 3.143,26 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 121,07 triệu USD. 
Nhìn chung, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt sản xuất kinh doanh từ năm 2013 đến nay, góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút lao động và giải quyết việc làm cho lao động của địa phương, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, giá trị nhập khẩu, nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Long Đức có mức tăng trưởng đều hàng năm thể hiện năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) tập trung vào Khu công nghiệp Long Đức đạt 21.062,8 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) đạt 1.151,22 triệu USD. Nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Long Đức đạt 427,23 tỷ đồng. Bên cạnh góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh, các doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Long Đức góp phần thu hút nguồn lao động, năm 2013 tổng số lao động 6.122 người, năm 2019 tổng số lao động 12.946 người, trong 07 năm đã giải quyết việc làm cho 6.824 lao động.  
Vốn đầu tư trực  tiếp nước ngoài cũng đã tác động lớn đối với cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, ngân sách nhà nước. Từ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2005-2019 4.282,65 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 15 năm (2005-2019) tăng 17,24%/năm. Các mặt hàng thủy sản, các sản phẩm từ cây dừa, gạo, may mặc, giày dép,… tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh; các sản phẩm công nghệ cao như: Hóa chất, vật tư phục vụ ngành in, dây dẫn điện ô tô đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới; các sản phẩm may mặc, giày dép vừa đóng góp giá trị xuất khẩu, vừa tạo cơ hội việc làm lớn cho lao động.
Những khó  khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như:
Thứ nhất, chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Còn nhiều dự án đầu tư có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động. Suất đầu tư trên 1 hecta đất sử dụng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chưa cao. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những chính sách ưu đãi đối với khu vực này. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn; tốc độ tăng về số nộp ngân sách thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận. Tình trạng mất cân đối trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài  theo địa bàn, lĩnh vực và đối tác; thiếu gắn kết giữa phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp với các khu đô thị và phát triển nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa,... 
Thứ hai, công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong đầu tư nước ngoài còn hạn chế, bất cập. Còn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam. Hiện tượng chấm dứt hợp đồng với lao động ngoài tuổi 35 vẫn xảy ra ở một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tiềm ẩn những bất ổn về an sinh xã hội, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đào tạo lại nghề và bố trí việc làm. 
Thứ ba, việc phát triển, thu hút và hoạt động của các tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong khu vực đầu tư nước ngoài còn khó khăn. Số lượng tổ chức đảng tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn ít, hoạt động chưa hiệu quả. Hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Tình trạng chủ doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, chiếm dụng bảo hiểm xã hội còn diễn biến khá phức tạp. Thực trạng này cũng khiến cho quan hệ lao động trong nhiều thời điểm trở nên căng thẳng, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội tại địa phương, ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, đầu tư tại địa phương.
Thứ tư, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhưng thiếu bền vững, còn phụ thuộc khá lớn vào sản xuất điện và vốn đầu tư; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa tạo được bước đột phá mạnh trong phát triển kinh tế, khoảng cách về quy mô nền kinh tế so với các tỉnh trong khu vực được rút ngắn, nhưng còn chậm.  Doanh nghiệp có bước phát triển, tăng về số lượng thành lập mới nhưng số giải thể cũng còn cao; phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ, việc tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, sức cạnh tranh thấp. Kinh tế tập thể tuy có bước phát triển về số lượng nhưng hiệu quả còn thấp; kinh tế tư nhân quy mô còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh còn hạn chế. Phát triển dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ còn chậm.
Thứ năm, công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại và hoạt động kinh tế đối ngoại từng lúc chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại của tỉnh còn thiếu và yếu. Công tác xúc tiến thương mại, tuy có chú trọng trong quảng bá hình ảnh xúc tiến cho doanh nghiệp nhưng vẫn thiếu nguồn sản phẩm có chất lượng với sản lượng lớn và ổn định để cung cấp theo yêu cầu của các doanh nghiệp đầu mối tại các tỉnh, thành, đảm bảo theo hợp đồng được ký kết. 
Thứ sáu, nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, tổ chức các cuộc tuyên truyền về các FTA mà Việt Nam đang tham gia, hiệp định CPTPP mời nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia. Hạ tầng của tỉnh cũng như Khu kinh tế Định An chưa đồng bộ, phần lớn đất đai tại địa bàn Khu kinh tế Định An đều thuộc sở hữu của dân chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng; mặt khác, đối với dự án sản xuất không thuộc trường hợp thu hồi đất nên chủ đầu tư phải thông qua hình thức nhận chuyển nhượng đất,… Do đó gặp nhiều khó khăn do chủ dự án không thỏa thuận được với tất cả các chủ sử dụng đất hiện tại để chuyển quyền hoặc thuê quyền sử dụng đất.
Một số giải pháp, kiến nghị
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời, thu hút FDI theo hướng bền vững, thời gian tới, tỉnh cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, làm tốt công tác quy hoạch, công khai quy hoạch đã được phê duyệt; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, giám sát việc xây dựng các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Đồng thời, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế tỉnh tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, Khu kinh tế đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng tiếp nhận các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. 
Hai là, tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng và khuyến khích thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất lắp ráp ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp, các tổ chức xúc tiến đầu tư đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư, đảm bảo theo mục tiêu và kế hoạch.
Ba là, trong công tác xúc tiến đầu tư, cần chú trọng thu hút nguồn vố đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn đa quốc gia; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc và hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu và Hoa Kỳ. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng địa bàn và hình thức thu hút đầu tư nước ngoài vào những thị trường giàu tiềm năng và các công ty đa quốc gia. Cùng với đó, cần tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức rà soát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. 
Bốn là, quan tâm ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế và các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp phần mềm, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh như cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ ô tô xe máy... 
Năm là, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi trọng công tác quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để phục vụ thu hút đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh. Nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc. 
Sáu là, đẩy mạnh việc tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư, nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về Trà Vinh, cũng như chủ trương và quyết tâm đổi mới trong thu hút đầu tư, phát triển. cần có cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành, nhất là giữa Ban Quản lý với các nhà đầu tư các doanh nghiệp được duy trì thường xuyên; giải quyết nhanh chóng những vấn đề thuộc thẩm quyền; chủ động báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề cần sự phối hợp giữa các ngành để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh, từ đó tạo hiệu ứng lan toả và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Bảy là, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát dự án đầu tư, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc triển khai thực dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi, hiệu quả.


Thạch Phước Bình
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 419
  • Trong tuần: 24 686
  • Tất cả: 3058136