LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM GÓP PHẦN TẠO NỀN TẢNG PHÁP LÝ VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU VỰC BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 21/10/2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đại tướng Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc. Tại điểm cầu Trà Vinh có ông Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH; ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách cùng toàn thể các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh tham dự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc 
tại phiên họp ngày 21/10/2020

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) đã tiếp thu nhiều vấn đề về tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới… Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 06 chương, 36 điều.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp thứ 9 cũng như giải trình và tiếp thu, chỉnh lý về chính sách ưu tiên cấp đất, nhà ở xã hội cho gia đình cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu dài tại khu vực biên giới; quy định về nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới quốc gia vào dự thảo luật.

ĐBQH Hứa Văn Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo
 Luật Biên phòng Việt Nam trong phiên họp chiều ngày 21/10/2020
 tại điểm cầu Trà Vinh

Tham gia ý kiến về một số nội dung cụ thể của Dự án Luật, đại biểu Quốc hội Hứa Văn Nghĩa cho rằng quy định về “vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng” tại khoản 2 Điều 12 là phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của Bộ đội Biên phòng, không chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Bởi vì: an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia liên quan đến nhiều lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại, sự bền vững của thể chế chính trị, tồn vong của Nhà nước, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. An ninh quốc gia gắn liền với chủ quyền lãnh thổ và an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, do lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện; không thể tách rời công tác quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Do đó, bảo vệ và giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an và các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân, mà lực lượng Bộ đội Biên phòng là nòng cốt, chuyên trách. Bên cạnh đó, từ khi thành lập lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đến nay, các cơ quan Trung ương đã nhiều lần tổ chức khảo sát, nghiên cứu và  02 lần (1994 và 2004) tổng kết thực tiễn công tác biên phòng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 07 Nghị quyết (có 05 Nghị quyết chuyên đề) và 01 kết luận về chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và các điều ước quốc tế đều xác định Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và Chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và tại các cửa khẩu. 
Đối với tỉnh Trà Vinh có chiều dài biên giới biển trên 65 km, Bộ đội Biên phòng đang quản lý thực thi nhiệm vụ bảo vệ biên giới vùng biển, đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định của pháp luật, thường xuyên chủ động làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng ở khu vực biên giới biển trong giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các loại tội phạm vận chuyển hàng lậu từ Biển Đông vào vùng nội thuỷ và các tội phạm về an ninh quốc gia… ở khu vực biên giới biển, không để xảy ra điểm nóng, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý. Như vậy, thực tế cho thấy, giữa Bộ đội Biên phòng và các các quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc. Do đó, đại biểu Hứa Văn Nghĩa nhấn mạnh, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định Bộ đội Biên phòng có chức năng “ chủ trì, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về cơ bản các nội dung của Dự án Luật được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất nhiều nội dung đã được chỉnh sửa theo góp ý của đại biểu Quốc hội. Các quy định đã bám sát chủ trương, chính sách lớn, tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng ngày càng lớn mạnh, phù hợp với tình hình mới; các nội dung cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp theo quy trình.

Hữu Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 183
  • Trong tuần: 1 727
  • Tất cả: 3084635