QUỐC HỘI THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 28/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Quang cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi) buổi chiều ngày 28/10/2021 (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận đã có 23 đại biểu tham gia phát biểu trực tuyến, 01 đại biểu tranh luận (cùng với 240 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại 72 Tổ vào sáng ngày 23/10/2021). Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh và đánh giá việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời cụ thể hóa nội dung về quyền con người, quyền công dân, quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa quy định trong Hiến pháp 2013. 
Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân.
Tham gia phát biểu tại Phiên thảo luận, từ điểm cầu tỉnh Trà Vinh, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung được nêu trong Báo cáo tiếp thu giải trình dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn một số vấn đề và tham gia góp ý cụ thể như sau:

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình tham gia phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều ngày 28/10/2021

Thứ nhất, về khái niệm điện ảnh, đại biểu cho rằng khái niệm này chưa thật sự đầy đủ, chưa nêu bật được những thành tố cấu thành nên điện ảnh bởi vì điện ảnh không chỉ là là một nghệ thuật sáng tạo mà là một khái niệm lớn bao gồm các bộ phim tạo bởi những khung hình chuyển động (phim); kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh và ánh sáng để tạo thành một bộ phim (kỹ thuật điện ảnh); hình thức nghệ thuật liên quan đến việc tạo ra các bộ phim và cuối cùng ngành công nghiệp và thương mại liên quan đến các công đoạn làm, quảng bá và phân phối phim ảnh (công nghiệp điện ảnh), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện thêm.
Thứ hai, về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh, thống nhất với 7 nguyên tắc được nêu trong dự thảo Luật, tuy nhiên để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
Thứ ba, về phổ biến phim, có một số ý kiến góp ý về hoạt động phổ biến phim liên quan đến tỷ lệ phim Việt Nam chiếu tại rạp và trên truyền hình; hoạt động chiếu phim lưu động; ưu đãi, giảm giá vé xem phim đối với một số đối tượng; việc dừng chiếu, thu hồi giấy phép phim trong trường hợp diễn viên đóng phim vi phạm đạo đức và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có nêu nội dung liên quan đến “công cộng” như: Hiến pháp năm 2013, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ luật Hình sự 2015, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định về nơi công cộng…  Chính vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, dự thảo cần rà soát, điều chỉnh về phạm vi “công cộng” tương thích với các văn bản pháp luật khác có liên quan như trên.
Thứ tư, về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức cá nhân nước ngoài, thấy rằng việc thu hút, khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài còn nhiều khó khăn. Theo phản ánh của một số đạo diễn trong nước thì hợp tác quốc tế vẫn còn nhiều điểm trống, nước ta có thế mạnh thu hút các đoàn làm phim thế giới. Đề xuất, nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp thì các hoạt động về dịch vụ điện ảnh cần tháo gỡ thủ tục hành chính, khâu đột phá là kiểm duyệt kịch bản. Các nước có nền điện ảnh lớn có nhiều ưu đãi về hợp tác làm phim, họ thấy lợi ích của việc đầu tư 1 đồng đô la thì thu về 9 đồng đô la từ các hợp tác đó. Mặt khác các điều quy định về hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, nên có liên kết hoặc gộp lại. Có nhiều điều khoản khuyến khích, ưu đãi về chi phí thuế, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm hợp tác làm phim với nước ngoài thì cần hướng dẫn cụ thể hơn mới có thể thu hút các hãng phim nước ngoài hợp tác sản xuất tại Việt Nam. 
Thứ năm, về quảng cáo phim quy định, vấn đề quảng cáo phim là các hoạt động nhằm xúc tiến cho việc phát hành phim đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, quảng cáo trong phim nghĩa là gì, quảng cáo vấn đề gì, hay phim có nội dung quảng cáo,… thì dự thảo Luật chưa làm rõ. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ phạm vi quảng cáo trong phim.
Thứ sáu, về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, có một số ý kiến nhất trí với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để hỗ trợ hoạt động điện ảnh, hỗ trợ những tác phẩm thực hiện nhiệm vụ chính trị, sáng tác kịch bản, phim thể nghiệm, hỗ trợ các đạo diễn trẻ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không nhất trí việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vì Quỹ đã được quy định trong Luật Điện ảnh từ năm 2006 nhưng đến nay không thành lập được. Đồng thời dự thảo Nghị định quy định nguồn thu của Quỹ khó khả thi vì sẽ tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng phù hợp với xu hướng của thế giới, các nước đều duy trì, đề nghị quy định rõ nguồn thu để hoạt động, chia sẻ lợi nhuận từ đài truyền hình, từ doanh thu phòng vé... có thể bổ sung quy định rõ nguồn thu để duy trì hoạt động của quỹ, như thu thường xuyên 3% từ doanh thu phim và nếu có quỹ hỗ trợ điện ảnh sẽ góp phần không nhỏ kích hoạt sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, đặc biệt hỗ trợ các tài năng trẻ trên con đường sáng tạo của họ để họ vững vàng đi tiếp con đường của mình. 

  Trần Thị Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 400
  • Trong tuần: 1 670
  • Tất cả: 3085409