ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TRÀ VINH: NHIỀU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP ĐỐI VỚI NGHỊ QUYẾT VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ ĐỂ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Chiều ngày 04/01/2022, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và kinh tế - xã hội. Tổ đại biểu 58 gồm có 05 Đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, do đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH làm Tổ trưởng, chủ trì và gợi ý nội dung buổi thảo luận. Cùng tham dự buổi thảo luận tổ có đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Trà Vinh.

Ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách 
tham gia phát biểu thảo luận Tổ chiều ngày 04/01/2022 

Tham gia phát biểu thảo luận tại điểm cầu Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tán thành việc Quốc hội ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo, đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Đại biểu tham gia góp ý một số nội dung, cụ thể: 
Về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, việc tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10 nghìn tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán cụ thể, như hỗ trợ qua chính sách tiền tệ và các chính sách khác, Đại biểu đề nghị Quốc hội tính toán vào cơ cấu tổng thể chương trình như việc giảm hỗ trợ lãi suất bảo lãnh hạn mức tránh chồng lấn vào các chính sách khác. Về bội chi ngân sách và thực hiện nghị quyết, Đại biểu đề nghị trong năm 2022 nên xác định mức bội chi và từ năm 2023 trở đi nên quy định mức bội chi cụ thể, để Chính phủ điều hành thuận lợi, phù hợp hơn và đảm bảo với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 
Đối với vấn đề miễn giảm thuế, Đại biểu cho rằng không phù hợp và đề nghị lựa chọn những ngành mang tính kích cầu và có tính lan tỏa cao, chứ không thể giảm áp dụng ngành nào cũng miễn thuế 1%, chẳng hạn như tập trung vào các ngành nông sản, thủy sản, sản phẩm chế biến, điện tử, tiêu dùng, dệt may, vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và đặc biệt là các sản phẩm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh thì nên tập trung ưu tiên, còn một số ngành lại đang phát triển rất tốt, chẳng hạn như logictic, vận chuyển hàng hóa, ngành điện tử, các ngành tin học phát triển rất tốt nếu mà cào bằng giống như nhau hết thì đó là không phù hợp và đặc biệt là tôi đề nghị là miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong năm 2022 cho người tiêu dùng khi mua hàng mà lấy hóa đơn thuế giá trị gia tăng. 
Về gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để tăng quy mô tín dụng cho nền kinh tế, Đại biểu Bình đề nghị để tránh dàn trải, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và đặc biệt là cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi hoặc là được bảo lãnh tín dụng, như vậy sẽ phù hợp hơn, còn đưa vào những đơn vị và những ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp mà mất khả năng trả nợ, khả năng phục hồi thấp thì nguy cơ trở thành nợ xấu rất cao. Do đó đề nghị đặc biệt tập trung cho những lĩnh vực mà bị thiệt hại nặng nề như hàng không, vận tải, đường sắt, đường bộ, du lịch, ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ngành y tế hết sức là quan trọng. 
Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết, Chính phủ cũng như các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước nên xác định lãi suất cho vay phù hợp đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số, cơ sở sản xuất kinh doanh có khoảng 30% lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp đầu tư vùng dân tộc thiểu số, miền núi, lĩnh vực nông nghiệp. Về việc điều chỉnh giữa nhiệm vụ chi của chương trình, Đại biểu không tán thành quyết định này. Bởi vì, việc điều chỉnh giữa các nhiệm vụ chi của chương trình và theo quy định của Luật ngân sách nhà nước thì không được điều chỉnh nhiệm vụ chi và đây là chương trình mục tiêu có cấp nguồn vốn cho nó rõ ràng, đề nghị Quốc hội cân nhắc,... 
Cùng tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh bày tỏ sự thống nhất với các nội dung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà dự thảo Nghị quyết đã nêu, Đại biểu cho rằng nội dung này là rất cần thiết để chúng ta có thể sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người lao động, sớm khơi thông lại mạch máu của nền kinh tế, vốn hiện nay nó đang bị gần như tắc nghẽn bởi đại dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, đại biểu cũng rất đồng tình việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần này, đây là một vấn đề đổi mới và là một quyết định rất đúng đắn của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi thảo luận Tổ ngày 04/01/2022

Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến tính hiệu quả và khả thi của các gói chính sách hỗ trợ lần này và cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra chặt chẽ, sát sao trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện và giải ngân gói hỗ trợ để tránh trường hợp là lạm dụng, lợi dụng gói hỗ trợ để trục lợi cá nhân, trục lợi cho một nhóm lợi ích và tránh trường hợp Nhà nước sử dụng tiền thuế của người dân, tiền thuế của doanh nghiệp và tiền ngân sách của nhà nước để hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cuối cùng thì nó lại vào túi của một số nhóm người nào đó, đây là một điều không nên, lúc đó chúng ta lại mất đi cán bộ và một bài học xương máu từ công ty Việt Á vừa xảy ra mà chúng ta đã thấy rõ. Song song đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng cần quan tâm chỉ đạo tính thống nhất và thông suốt của chính sách, tránh trường hợp sau khi Nghị quyết Quốc hội ban hành rồi nhưng lại vướng các thủ tục, hồ sơ hướng dẫn để giải ngân gói hỗ trợ và những thủ tục này lại nằm rải rác ở các cơ quan, bộ ngành. Do đó, cần phải có sự thống nhất chỉ đạo để đảm bảo tính khả thi và tín hiệu quả của chính sách. 
Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất, đại biểu Tuấn cho rằng không nên cào bằng chính sách giảm lãi suất 2% cho tất cả doanh nghiệp và giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho tất cả các doanh nghiệp mà phải xem xét có ưu tiên đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có tác động trực tiếp đến lao động, việc làm, việc tổ chức thu mua nông sản để sản xuất, chế biến hàng hóa nông sản hoặc là những lĩnh vực xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết như các Hiệp định thương mại tự do với các nước. Đối với gói hỗ trợ 14 nghìn tỷ đầu tư cho tuyến y tế để phòng, chống dịch, trong đó có hỗ trợ cho xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng (CDC). Đại biểu Tuấn cho rằng bên cạnh hỗ trợ đầu tư xây dựng những tòa CDC mới, trang bị thiết bị CDC phục vụ cho y tế, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm hỗ trợ lực lượng cán bộ y tế trực tiếp tham gia xét nghiệm, điều trị bệnh Covid-19, vì hiện nay lực lượng này rất là khó khăn, vất vả, làm việc rất cật lực nhưng thù lao để bồi dưỡng chưa tương xứng và nhằm khuyến khích, động viên cán bộ y tế tâm huyết ở lại tham gia phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đối với nội dung hỗ trợ về bố trí nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương trong năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đại biểu Tuấn cho rằng gói hỗ trợ này là rất cần thiết và cũng cần phải triển khai. Tuy nhiên, cần phải quan tâm đến đối tượng lao động là những lao động tự do, những lao động không chính thức, không có hợp đồng lao động,…

                                                                                 Thúy Oanh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 195
  • Trong tuần: 1 537
  • Tất cả: 3083934