Thảo luận Tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh khánh Hòa và tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo
Chiều ngày 24/5/2022, Tổ thảo luận số 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Thọ, Trà Vinh, Thanh Hóa, Tổ số 13 do ông Bùi Minh Châu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ làm tổ trưởng; ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm tổ phó đã tiến hành thảo luận Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh khánh Hòa và tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ sáng chiều ngày 24/5/2022

Tại buổi thảo luận, có 06 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, các đại biểu đều bày tỏ sự thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa; thống nhất với báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh thống nhất với những nội dung cơ bản về quy hoạch, tiến độ triển khai thực hiện, nguồn vốn thực hiện, hình thức đầu tư Dự án, về giải phóng mặt bằng, di dân, công tác quản lý, khai thác, bảo trì; công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông; về công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, tác động của Dự án đối với tuyến đường biên giới, khu vực cửa khẩu. Bởi, đường Hồ Chí Minh là con đường rất quan trọng, nhưng thi công quá chậm, bây giờ vấn đề đặt ra là phải tiếp tục thực hiện để mau chóng hoàn thành. Đại biểu đồng tình với kiến nghị phải bố trí vốn để hoàn thành xong con đường này; đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có chủ trương kiểm tra, giám sát không riêng gì đường Hồ Chí Minh mà tất cả các công trình trên cả nước, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ như thế, để có những đôn đốc, nhắc nhở các công trình trọng điểm này.
Đại biểu cũng cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên, đại biểu băng khoăn đối với một số tỉnh thành còn lại cũng rất khó khăn, những địa phương có diện tích lớn về rừng, đất lúa và biển. Tại Hội nghị Trung ương cũng đã thống nhất việc hỗ trợ cho người trồng lúa, trồng rừng để đảm bảo an ninh lương thực,… Theo đó, đại biểu kiến nghị, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng có phân quyền, phân cấp, ưu tiên cho các tỉnh có nhiều đất rừng, đất trồng lúa và biển nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh này chuyển đổi, tận dụng được lợi thế khai thác tiềm năng vốn có, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh tình trạng tốc độ phát triển của các tỉnh này chậm hơn so với cả nước.

Ông Trần Quốc Tuấn,  đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận 

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh thống nhất cao với nội dung Chính phủ trình Quốc hội, nêu trong Tờ trình số 166/TTr-CP ngày 10 tháng 5 năm 2022 báo cáo Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội về nội dung này. Bởi lẽ, đây là địa phương ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có 03 vịnh lớn là Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh, và có chiều dài bờ biển dài nhất cả nước (hơn 385 km), trong đó, quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh. Nếu được thông qua, đây là địa phương thứ 9 được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đại biểu, cả nước còn rất nhiều địa phương có tính chất “đặc thù”, điển hình như tỉnh Trà Vinh là địa phương có tính chất “đặc thù” về an ninh chính trị của Vùng Tây Nam bộ, hiện tại Trà Vinh có hơn 01 triệu dân, trong đó có hơn 32% là đồng bào Khmer; trong khi tỉnh còn nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác như: (1) năng lương tái tạo (điện gió, điện mặt trời), (2) nhiều loại nông sản có sản lượng lớn như Thủy sản, trái cây, lúa gạo, (3) có Luồng cho Tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, thuận lợi để xây dựng cảng nước sâu tầm quốc tế…..
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì từ nay đến năm 2030 tỉnh Trà Vinh sẽ không được Trung ương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc đi ngang và dự án đầu tư cảng biển… Do vậy, Trà Vinh sẽ đối diện với nguy cơ phát triển chậm hơn so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho tỉnh trong thời gian tới, trong khi đó, Trà Vinh vốn được xem là tỉnh trọng điểm về an ninh chính trị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu đề nghị Quốc Hội, Chính phủ cần nghiên cứu 02 nội dung sau:
Một là, Quốc hội cần có chủ trương để Chính phủ chỉ đạo sớm tổng kết những nội dung của nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được 9 tỉnh đã và đang áp dụng, theo hình thức cuốn chiếu để trong thời gian sớm nhất Quốc hội đưa những nội dung áp dụng có hiệu quả, khả thi vào chương trình bổ sung, sửa đổi các Luật có liên quan để áp dụng đại trà cho cả nước. 
Hai là, đối với các tỉnh còn lại, nếu xét thấy có tính chất đặc thù như Trà Vinh, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm mạnh hơn, nhiều hơn nữa trong việc hỗ trợ đầu tư, mời gọi đầu tư các dự án mang tầm quốc gia ở các lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực xã hội để làm tiền đề dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội địa phương, tạo điều kiện Trà Vinh khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có nhằm phát triển kịp các địa phương khác trong khu vực vào thời gian tới.

Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 252
  • Trong tuần: 24 519
  • Tất cả: 3057969