NGÀY LÀM VIỆC THỨ 13 - KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV: thảo luận về chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1)
Sáng ngày 06/6/2022, tiếp tục ngày làm việc thứ 12 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổ thảo luận số 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Thọ, Trà Vinh, Thanh Hóa, Tổ thảo luận số 13 do ông Bùi Minh Châu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ làm Tổ trưởng; ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm Tổ phó đã tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Quang cảnh buổi thảo luận tổ 13

Tại buổi thảo luận, có 04 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư các dự án đồng thời đề nghị cần đánh giá tác động về môi trường đầy đủ; làm rõ hơn về cơ sở đầu tư, quy mô, tiến độ hoàn thành dự án,…Theo Tờ trình của Chính phủ, các Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011 -2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 là hợp lý và cần thiết. Cụ thể là, việc đầu tư hoàn thành  dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu,…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh
phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng ngày 06/6/2022

Cho ý kiến về Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án Vành đai 3), đại biểu Trần Quốc Tuấn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh cơ bản đồng tình. Đại biểu cho rằng, chúng ta thực hiện mục tiêu là phát triển hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu vận tải giải quyết các điểm nghẽn giao thông của các vùng kinh tế trọng điểm trong đó đặc biệt là có hai vùng: vùng tây nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long và dự án cao tốc này, giai đoạn một cũng là một trong những cái nội dung để chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Cửu Long để chúng ta tạo một động lực không gian phát triển mới phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu trân trọng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu điều tiết giải ngân nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý để không ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đây đến năm 2023, bởi trong một năm phải giải ngân 03 dự án này hơn 60.000 tỷ, song song với thời gian này chúng ta phải giải ngân đồng thời nhiều dự án khác, trong thời điểm này vấn đề lạm phát đối với nền kinh tế là rất lo lắng, mặc dù hiện nay chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tỷ lệ lạm phát, nhưng với tốc độ tăng giá và khan hiếm nguyên liệu xăng dầu, đặc biệt là nguyên liệu thì sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác có nguy cơ lạm phát. Khi thị trường tiền tệ trong cùng một lúc phải giải ngân nhiều tiền ra thị trường thì cần phải cân nhắc và điều tiết thật kỹ, đồng thời, cũng cần phải cân nhắc việc hấp thu nguồn vốn giải ngân của các dự án này, giải ngân như vậy thì việc hấp thu được hay không? hấp thu ở mức độ nào để đánh giá các tác động cho phù hợp, không làm ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô của chúng ta.
Một nội dung nữa, theo đại biểu Tuấn, Chính phủ cần có phương án kiểm soát tốt nguồn cát san lấp phục vụ cho các công trình này. Hiện nay, riêng đối với đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cát san lấp rất khan hiếm khi thực hiện ba dự án này, trong đó có một dự án đường cao tốc của đồng bằng sông Cửu Long hơn 188km thì nguồn cát san lấp cho dự án này là một vấn đề hết sức là khó khăn, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thị trường nguyên liệu, đặc biệt là vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường cát san lấp để tránh tình trạng khai thác cát trái phép phục vụ cho các công trình này, cần cố gắng không đánh đổi, vì nếu không kiểm soát chặt vấn đề nguồn cát san lấp thì sau các dự án mà  hoàn thành như dự án đường cao tốc thì có nguy cơ sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu tạo điều kiện để các chủ đầu tư cho các đơn vị thi công họ mua cát mà không có nguồn gốc, cát lậu, khai thác như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của các con sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân mất đất khi các dự án xây dựng tuyến cao tốc đi qua, đồng thời Chính phủ cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng các phương án bố trí tái định cư, sinh kế người dân để đảm bảo theo hướng sau khi người dân đến nơi ở mới, người dân phải có chất lượng cuộc sống tốt hơn hoặc ít nhất là tương đương với nơi cũ để đảm bảo sinh kế của người dân.

Đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc
 phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 06/6/2022

Tham gia phát biểu tại tổ, đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với các dự án đường cao tốc, nhưng riêng đường Vành đai 4 của Hà Nội đại biểu có một vài băn khoăn. Đường Vành đai 1 thì chưa hoàn thành, Vành đai 2 cũng chưa hoàn thành; Vành đai 3 cũng đang thi công,.v.v. Đại biểu nhận thấy  không có căn cứ gì để đảm bảo rằng Vành đai 4 sẽ hoàn thành trong thời gian mà chúng ta đưa ra việc này. Bên cạnh đó, cần phải có những đánh giá rõ ràng tại sao chưa hoàn thành, thì mới tìm ra nguyên nhân và có giải pháp hợp lý. Nếu quyết định vội vàng, thì khả năng hoàn thành rất khó. Đại biểu cho rằng, chưa báo cáo nào đánh giá các dự án về giao thông Hà Nội. Ví dụ như BRT, rất nhiều báo đánh giá thấp mức độ hoàn thành, nhưng nếu mức độ hoàn thành thấp thì phải dừng ngay, tại sao vẫn kéo dài thời gian rất lâu hay đường sắt  trên cao cũng vậy. Nếu chúng ta không có các đánh giá những dự án chưa hoàn  thành thì chúng ta cũng sẽ lại rơi vào tình trạng như thế này đối với những dự án tiếp theo. Đề nghị cần có những báo cáo đánh giá cụ thể để chúng ta triển  khai các dự án tiếp theo.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 06/6/2022

Cùng tham gia thảo luận các nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhất trí cao với các Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).  Đây là hiện thực hóa từ nay đến năm 2030-2045 kết nối giao thông, đồng thời phát triển kinh tế xã hội.
Đối với tuyến đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, cử tri rất vui mừng, dự án đã được quy hoạch từ năm 2011, cử tri các tỉnh cũng rất mong muốn được đầu tư, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân đến thời điểm này đặt ra đầu tư, đại biểu rất ủng hộ. Trong dự thảo Nghị quyết có nêu lập phương án đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh làm đơn vị chủ trì và vốn phân bổ điều chỉnh từ Bộ Giao thông - Vận tải giao cho 4 địa phương này làm đơn vị chủ trì. Tuy nhiên, trong Nghị quyết cần phải đưa cụ thể để mang tính trách nhiệm, vì các dự án hiện nay trong quá trình thực hiện chậm tiến độ, Nghị quyết 66 tuyến đường Hồ Chí Minh tiến độ trễ 2 năm, như vậy trong vấn đề chấp hành Quốc hội vẫn thực hiện chưa nghiêm. Quốc hội đã thống nhất các dự án, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn chậm. 
Từ đó, đại biểu Bình đề nghị cần đưa vào cụ thể trách nhiệm, đồng thời giao dự án vành đai 3 cho Thành phố Hồ Chí Minh, giao dự án vành đai 4 cho Hà Nội làm đơn vị chủ trì, như vậy các đơn vị này phải chịu trách nhiệm với Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội để đảm bảo về nguồn vốn và tiến độ thực hiện. Đại biểu băn khoăn vì thời gian thực hiện dự án rất ngắn từ năm 2023-2025, đến thời điểm đó có gia hạn hay không? Việc huy động nguồn vốn giao Thành phố Hồ Chí Minh vốn đầu tư công, Hà Nội huy động đầu tư vốn PPP là rất phù hợp. Đồng thời, trong Nghị quyết có nêu, cho phép thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói tư vấn và giải phóng mặt bằng…. tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn phương án về thu hồi vốn, được phép thu hồi bằng cách thu hồi phí. 
Trong phương án thu hồi vốn ví dụ như tuyến Vành đai 3 Thành phố Chí Minh cho rằng thu hồi vốn trong 28 năm nếu chúng ta đầu tư công với mức ba mươi mấy ngàn tỷ này và  nếu như chúng ta đầu tư công hết toàn tuyến thì thời gian thu hồi vốn sẽ phải mất thời gian gấp 5 lần. Phương án tính thu hồi vốn này phải 28 năm như vậy thì việc đầu tư công hết toàn tuyến thì thu hồi vốn trong vòng gần 100 năm. Phương án thu hồi vốn này rất khó khả thi trong thực tế. Chính vì vậy, đại biểu đồng tình cao với một số cơ chế được đấu giá tuyến dọc theo tuyến vành đai này. Tuy nhiên, hiện nay trong tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 vẫn có diện tích đất, không phải nằm ngoài, nhưng đi qua rất nhiều tỉnh và có khả năng đi trong vùng nội ô. Như vậy việc thu hồi đất rất khó khăn. Hiện nay, thực tiễn cho thấy sân bay Long Thành giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Ngay thời điểm đầu, khi  Quốc hội chủ trương, trong một năm đầu Long Thành chỉ giải ngân chưa tới 100 tỷ, như vậy rõ ràng đối với Vành đai 3, Vành đai 4 đã có thực tiễn rồi.
Bên cạnh đó, đại biểu Bình cũng đề nghị ngoài cơ chế đặc thù thì phải quy trách nhiệm và đồng thời phải tính toán phương án thu hồi vốn, huy động vốn thế nào cho phù hợp. Tại một số nước trên thế giới khi đầu tư các tuyến cao tốc như vậy, chẳng hạn như Đức, Anh vốn đầu tư đến 80% là đầu tư công, chứ không như Việt Nam lại dưới dự luật là PPP, trong đó quy định khi PPP thì Nhà nước đầu tư không quá 50% và có dự án cho phép đến 66%. Nhưng đại biểu cho rằng, không thể dự án nào cũng áp dụng đặc thù là không phù hợp. Chính vì vậy, đề xuất để đẩy nhanh hai dự án không phải cấp thiết mà gọi là rất cấp bách, thì Quốc hội cần xem xét trong kỳ họp tháng 10 tới đây ban hành Nghị quyết điều chỉnh hoặc thậm chí sửa Luật Đầu tư theo phương pháp PPP. Trong điều kiện ngân sách hạn chế như hiện nay, đầu tư công hết thì không phù hợp. Chính vì vậy, Vành đai 4 áp  dụng thêm PPP được đánh giá rất cao. Hiện nay, trong việc đầu tư các dự án thì người dân khi nghe lấn chiếm hành lang, nằm trong vùng quy hoạch dự án thì người dân lấn chiếm. Đại biểu cho rằng trong nghị quyết nên đưa một điều là giao cho chính quyền địa phương phải có thời gian bao nhiêu, bao lâu đó để giải phóng mặt bằng, chống hiện tượng lấn chiếm này thì sẽ tốt hơn để thực hiện Vành đai 3, Vành đai 4.
Đối với tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đại biểu bày tỏ sự ủng hộ rất cao và rất mong các đại biểu khác sẽ ủng hộ. Bên cạnh đó, đối với vùng thì trong giai đoạn 2021 - 2025 thì vùng được dự kiến bố trí khoảng 50.000 tỷ và trong đó thì chiếm 20% tổng số đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Thông vận tải, trong đó 7 dự án đường bộ cao tốc với khoảng diện tích 1.000 km. Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13 người dân rất phấn khởi, hy vọng qua việc hiện thực hóa kỳ họp lần này sẽ được đầu tư tuyến cao tốc, một bên là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã được thông xe ngày 19/01/2022, đồng thời tiếp tục được đầu tư tuyến Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng thì bà con rất mừng. Đây là một trong 7 tuyến cao tốc sẽ được đầu tư, nếu đầu tư Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng  cùng với Trung Lương - Mỹ Thuận thì là 2 tuyến đầu tiên. Như vậy, còn 5 tuyến để đầu  tư. Cùng với tuyến này sẽ giảm tải ùn tắc, kết nối được trục dọc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì đại biểu rất hoan nghênh. 
Tuy nhiên, đại biểu Bình hiện nay vấn đề khai thác cát để phục vụ các công trình giao thông và đặc biệt như gần đây là tuyến cầu Rạch Miễu 2 của tỉnh Bến Tre, thì nhu cầu khai thác rất lớn và hiện nay việc khai thác cát ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Chính vì vậy, đề xuất trong Nghị quyết cũng nên nêu, giống như đường Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh phải quy định hạn mức hay quy định để chính quyền địa phương có thể có thẩm quyền cho khai thác các mỏ cát để phục vụ cho dự án này. Mặc dù khan hiếm nhưng chúng ta vẫn phải sử dụng để phục vụ cho các công trình, muốn công trình chạy nhanh thì cần phải có nguồn cát san lấp. Đại biểu cho rằng, trong Nghị quyết phải có quy định này để chínhquyền địa phương các tỉnh chẳng hạn như Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng thì rất cần nhu cầu đó. Chính vì thế để các địa phương có thẩm quyền khai thác.
Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho biết, Trà Vinh thuộc vùng Đông Nam của Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua tỉnh được Trung ương quan tâm đầu tư rất nhiều, như tuyến vận tải đường bộ luồng có tàu trọng tải lớn vào sông Hậu và các dự án khác được quan  tâm, cũng có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông thì tỉnh còn rất khó khăn. Hiện nay tỉnh có 04 quốc lộ đi ngang QL53, QL54, QL60, QL53B, tuy nhiên chỉ có QL53 được đầu tư nâng cấp một phần thì còn lại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh phần lớn nhỏ hẹp, xuống cấp rất nghiêm trọng. Chính vì vậy bà con tỉnh Trà Vinh rất quan tâm và vui mừng khi trong 7 tuyến cao tốc chuẩn bị đầu tư 2021 - 2025 thì có tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh được đưa vào. Nhưng lại đưa vào sau  2030, chính vì vậy đề xuất bên cạnh việc đầu tư tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lần này thì cũng rất mong Chính phủ sẽ quan tâm sớm  đầu tư  với hình thức phù hợp đối với tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh để tỉnh có điều kiện phát triển  hơn trong thời gian tới. Bởi vì tỉnh là một vùng đặc biệt về vấn đề an ninh tôn giáo, vấn đề dân tộc, rất mong Trung ương sẽ quan tâm cùng như các tuyến khác đầu tư cho giao thông của Trà Vinh để tỉnh có điều kiện phát triển.

                                                                                                   Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 45
  • Trong tuần: 1 589
  • Tất cả: 3084497