QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN: HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BĂNG TẦN VÔ TUYẾN ĐIỆN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 15/06, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chiều ngày 15/6/2022 (Nguồn Quốc hội)

Tại phiên thảo luận Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Theo đó, về nhóm các vấn đề về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, về vấn đề bổ sung nguyên tắc xác định hạn mức sử dụng băng tần, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc, yêu cầu để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 và Điều 33 của Hiến pháp 2013. Về giới hạn băng tần cho một nhóm doanh nghiệp, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về giới hạn băng tần áp dụng cho một doanh nghiệp hay cho một nhóm doanh nghiệp. Về nhóm vấn đề về sử dụng tần số ngoài các quy hoạch tần số vô tuyến điện trong trường hợp đặc biệt, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật và cho rằng cần có chính sách cho phép các doanh nghiệp được sử dụng tần số và thiết bị này trong phạm vi nhà máy, khu công nghiệp; cần có chính sách cấp phép sử dụng tần số và thiết bị trong phạm vi không gian, thời gian diễn ra sự kiện, hội nghị. Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số ngoài quy hoạch và làm rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng tần số. Liên quan đến các phương thức cấp phép đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác về làm rõ khái niệm băng tần, kênh tần có giá trị thương mại cao. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao. Về việc cần làm rõ khi nào đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp, có ý kiến đề nghị làm rõ khi nào đấu giá, thi tuyển, và bổ sung trường hợp cấp trực tiếp.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh 
phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 15/6/2022 (Nguồn Quốc hội)

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với việc bổ sung 03 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều của Luật tần số vô tuyến điện năm 2009 nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành với 07 nhóm vấn đề như Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đã nêu. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu nêu quan điểm của cá nhân đối với một số nội dung như: về điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp đấu giá. Khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 21 đưa ra nhiều các điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Các điều kiện này được suy đoán là nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức xin giấy phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn. Như vậy, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển nhưng dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá. Trong trường hợp đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số. Nếu người trúng đấu giá không sử dụng tần số một cách hiệu quả thì sẽ chịu thua lỗ lớn. Do đó, việc quy định thêm các điều kiện trên dường như không còn cần thiết. Nếu bỏ các điều kiện này đi, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn. Từ đó, đề nghị cơ quan soạn cân nhắc các quy định về điều kiện cấp phép tần số trong các Điều 19, 20, 21 trong trường hợp cấp phép qua phương thức đấu giá.
Về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: một trong các trường hợp thu hồi giấy phép quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện là không nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Điều này có thể hiểu là trường hợp doanh nghiệp chỉ nộp một phần trong tổng số phí phải nộp thì không bị thu hồi giấy phép. Vì vậy cần làm rõ trường hợp doanh nghiệp không nộp hoặc nộp không đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật cũng bị thu hồi giấy phép. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp không sử dụng tần số trong hai năm (sửa đổi Điều 23). Quy định này cũng chỉ phù hợp với các doanh nghiệp được cấp phép tần số qua hình thức trực tiếp hoặc thi tuyển. Đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá thì quyền sử dụng tần số đã trở thành quyền tài sản của doanh nghiệp, do đó, việc thu hồi sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định trên này.
Về cam kết triển khai mạng viễn thông. Dự thảo Luật bổ sung khoản 4, 5, 6 vào Điều 20 về cấp giấy phép sử dụng băng tần. Theo đó, doanh nghiệp muốn được cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng viễn thông thì phải đáp ứng điều kiện: “Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 6 Điều này;”. Tuy nhiên, quy định về cam kết tại khoản 4 có điểm còn chưa bảo đảm rõ ràng, dễ gây ra các cách áp dụng khác nhau khi triển khai trên thực tế. Ví dụ như quy định: “Cam kết triển khai mạng viễn thông gồm một hoặc một số nội dung về…” sẽ không rõ trường hợp nào doanh nghiệp phải cam kết nhiều hơn một nội dung và các nội dung đó là gì. Quan trọng hơn, các quy định tại khoản 4 liên quan trực tiếp đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư, các quy định này cần thiết phải được quy định cụ thể ngay ở cấp luật hoặc nghị định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định ủy quyền cho Chính phủ hướng dẫn nội dung này, thay vì giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như tại dự thảo.
Về lượng băng tần tối đa với mỗi tổ chức. Hiện nay, các băng tần có giá trị kinh tế cao được nhiều nước trên thế giới đấu giá các băng tần dành cho thông tin di động mặt đất, một vài nước đấu giá truyền hình thương mại. Các đối tượng này sử dụng tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng và kinh doanh dịch vụ viễn thông theo pháp luật về viễn thông. Việc cho phép đấu giá tần số và chuyển nhượng tần số trong trường hợp đấu giá theo quy định của Luật Tần số và thực tế mua bán, sát nhập, hợp nhất giữa các doanh nghiệp viễn thông có thể dẫn đến một doanh nghiệp viễn thông có thể đạt được hầu hết lượng phổ tần, tập trung tần số trên thị trường viễn thông. Sự tập trung tần số làm cho doanh nghiệp có ưu thế về tài nguyên, có thể dẫn tới sự thống lĩnh trong thị trường viễn thông, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường viễn thông. Luật Tần số chưa có quy định về nội dung này trong nguyên tắc cấp phép tần số. Nhiều nước cũng đã đưa ra quy định về giới hạn lượng phổ tần mà một doanh nghiệp được nắm giữ (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Anh Pháp, Đức, Thụy Điển..).
Việc bổ sung quy định về lượng băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng tối đa được cấp cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng một doanh nghiệp thâu tóm tài nguyên tần số và trở thành độc quyền. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định này cần được soạn thảo theo hướng nhằm tránh nguy cơ bị bóp méo trong quá trình thực thi, cụ thể như sau: (i) Khi quyết định về lượng băng tần tối đa được cấp, cơ quan có thẩm quyền cần có báo cáo về hiện trạng và tác động cạnh tranh của các phương án chính sách, nhằm lựa chọn phương án tốt nhất. (ii) Để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty nhưng các công ty này lại cùng một tập đoàn, cùng nhóm công ty thì vẫn không bảo đảm cạnh tranh, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế quy định áp dụng cho nhóm công ty chứ không chỉ cho từng công ty đơn lẻ.
Về điều khoản cụ thể tại khoản 4 Điều 45: "Trong trường hợp cần thiết, căn cứ quy định của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng an ninh (QPAN) để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ QPAN và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông". Đại biểu thống nhất với quy định này, theo đó nội dung, từ ngữ và thiết kế điều khoản này đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng và đảm bảo 03 yêu cầu của việc quản lý tần số vô tuyến điện và phát triển KT-XH. Theo đó, việc kết hợp chặt chẽ đảm bảo QPAN và phát triển KT-XH là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, trong đó mục tiêu xây dựng nền QPAN hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển KTXH cũng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản của Đảng, pháp luật Nhà nước. Qua đó, góp phần quan trọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và sử dụng tài nguyên quốc gia, sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KTXH... 
Tiếp theo, theo đại biểu Bình, việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích QPAN kết hợp phát triển KTXH sẽ giúp tạo lập kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng, khi xảy ra các tình huống ANQP; đồng thời đây cũng là kênh quan trọng để thực hiện đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số rất mạnh mẽ ở nước ta hiện nay. Mặt khác, việc bổ sung quy định này tại dự án luật cũng không xung đột và không trái với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; không mâu thuẫn với pháp luật về thuế, pháp luật về phí, các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP. Đồng thời, đảm bảo yếu tố bí mật trong thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trong thực hiện nhiệm vụ ANQP, vì có thể công khai thông tin tổng thể đoạn băng tần cấp cho QPAN, nhưng bí mật về mặt mục đích sử dụng. 
Tuy nhiên, đồng tình với nhiều đại biểu đã nêu, đại biểu Bình cho rằng đây là một chính sách được sửa đổi, bổ sung rất quan trọng và có nhiều ý kiến khác nhau, kể cảkhi thẩm tra. Đề nghị cần được nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng các nội dung về công nghệ. Việc sử dụng cùng một tần số để vừa kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là rất khó khăn. Trường hợp bổ sung quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong trường hợp đặc biệt thì đề nghị cần làm rõ thế nào là trường hợp “đặc biệt” và trong trường hợp kết hợp thì có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hay không ? Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì khả năng đảm bảo nguyên tắc quan trọng là phải đưa mục đích quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh quốc gia lên hàng đầu có được đảm bảo hay không ?
Bên cạnh đó, cho ý kiến đối với nội dung dự thảo luật bổ sung khoản 2 quy định trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh, ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ riêng thì Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng quy định thế này là chưa phù hợp với quy định về nguyên tắc quản lý nhà nước theo lĩnh vực. Đề nghị Chính phủ sửa đổi theo hướng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trao đổi, đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

                                                                                                 Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 1 556
  • Tất cả: 3084656