Thảo luận tại Tổ về tình hình KT-XH, NSNN năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2023; kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng ngày 22/10/2022, Tổ thảo luận số 6 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Trà Vinh, Nam Định, Thái Nguyên, Đà Nẵng, do ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh làm Tổ trưởng đã tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ sáng ngày 22/10/2022

Phiên thảo luận Tổ, có 12 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, với nhiều nội dung quan trọng chủ yếu, tập trung vào các vấn đề như: về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động, tình trạng lạm phát còn diễn ra; tỷ lệ điều tiết ngân sách ở các địa phương; thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; việc mở cửa kinh tế nhanh sau khi kiểm soát dịch bệnh; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; giáo dục; chuyển đổi số; việc phân bổ ngân sách năm 2023; lộ trình tăng lương cơ sở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã; việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là việc phát triển thành phố Thủ Đức,...

Ông Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận

Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận ông Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đồng tình cao với các nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ về “Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023”. Bên cạnh đó, đối với thời điểm tăng lương cơ sở, ông cho rằng cần thực hiện việc điều chỉnh tăng ngay thời điểm ngày 01/01/2023 với 04 lý do. Trước hết, đại biểu Tuấn cho rằng sau khi Đảng, nhà nước quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đã đến lúc, các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm, xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. 
Tiếp theo, đại biểu Tuấn cho biết, hiện nay lực lượng cán bộ công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc và áp lực xã hội ngày càng nhiều, nhu cầu thực tiễn phát sinh, mặt khác chúng ta đang thực hiện nghiêm chính sách tinh giảm biên chế, người ít nhưng việc nhiều, trong khi tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực cơ bản ấy. Cùng với đó, theo ông Tuấn, lần điều chỉnh lương cơ sở gần đây nhất là 01/7/2019, nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 01/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ, thì mất 04 năm, lương công chức, viên chức mới được tăng 20,8%... trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng qua các năm từ 2019 đến 2022 bình quân khoảng 11,8%. Như vậy, nếu trừ yếu tố lạm phát, trong 4 năm, tiền lương công chức viên chức chỉ tăng khoảng 9%, điều này là không hợp lý so với mức tăng trưởng kinh tế cả nước hơn 20% trong giai đoạn từ 2019 đến 2022. Mặt khác, theo dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5 - 5,0%, do vậy việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm. 
Cuối cùng, đại biểu Tuấn cho rằng, nguồn ngân sách để tăng lương cơ sở thực hiện ngay từ ngày 01/01/2023 thay vì 01/7/2023 sẽ vẫn đảm bảo từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2022 cho nhóm đối tượng là công chức, viên chức; những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở là hoàn toàn hợp lý và xứng đáng, vì cuộc sống của họ hiện tại còn nhiều khó khăn..., tạo động lực làm việc, kịp thời ngăn dòng chuyển dịch chất xám từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước đang có nguy cơ gia tăng như hiện nay. Bởi lẽ, theo quy luật kinh tế, khu vực nhà nước vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý, dẫn dắt, định hướng phát triển xã hội và là khu vực hỗ trợ, đồng hành cùng khu vực tư nhân phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Ông Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận

Cùng tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua dưới sự điều hành của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu cho rằng tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, việc giải ngân đầu tư công còn chậm, vẫn còn một số chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện được do nhiều yếu tố chủ quan, khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, đồng thời đại biểu băn khoăn đối với việc giao dự toán năm 2023, khi giải ngân vốn năm 2022 còn chậm; việc bố trí vốn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia nên cân nhắc vì trong thời gian qua việc chuyển nguồn còn cao. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên cũng cần quan tâm đối với chế độ tiền lương cho công chức cấp xã, do lực lượng này chưa được điều chỉnh trong Luật, đồng thời tăng chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã do hiện nay chế độ hỗ trợ thấp nhưng công việc kiêm nhiệm nhiều. 
Đối với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu cho rằng qua thời gian thực hiện, các cơ chế vẫn chưa được tận dụng như giải phóng mặt bằng, triển khai dự án,… đại biểu cũng đồng tình đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023, tuy nhiên, đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tạo ra cơ hội cho mình, không nên xin rồi để đó; đồng thời ban hành nhiều chính sách giúp khơi thông nguồn lực phát triển, hạn chế việc dịch chuyển nhân tài sang khu vực tư; tạo cơ chế chính sách đặc thù cho dân nhập cư, giải quyết tốt vấn đề nhà ở, trường học, bệnh viện cho đối tượng này; đồng thời, bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức phát triển.

Bà Huỳnh Thị Hằng Nga -Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, bà Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, địa phương, sự đồng thuận của Nhân dân đã kịp thời điều hành, ứng phó với những thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch, chuyển đổi số; thăng hạng trên bảng xếp hạng Chính phủ tốt; tăng 39 bậc về chỉ số chất lượng sống tốt nhất thế giới; xếp 77 trong báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2022 về tăng trưởng kinh tế. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành cần làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu, phân tích nguyên nhân cả khách quan và chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới có nhiều khả năng tiếp tục diễn biến bất lợi trong tương lai. Làm rõ tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giả cả các mặt hàng thiết yếu khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đồng thời, theo đại biểu Nga, Chính phủ cũng cần quan tâm tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức; tình trạng viên chức ngành y thôi việc hoặc bỏ việc, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công gây lo ngại cho dư luận xã hội. 
Về lĩnh vực văn hóa giáo dục, đại biểu Nga cho rằng vẫn còn một số hạn chế, bất cập như việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết khắc phục triệt để, một số nơi bị động trong nguồn tuyển giáo viên, đời sống một bộ phận giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện dạy học chưa đồng bộ, đầy đủ; Chất lượng một số sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông còn có mặt hạn chế vì phát hành sách ở nhiều địa phương còn bất cập gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh; việc lạm thu một số quỹ phụ huynh học sinh; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, đuối nước, tai nạn gây tử vong trẻ em, tình trạng trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ gia tăng; Tỷ lệ bao phủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp; tình trạng chậm thanh toán, bổ sung chi phí khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2018 cho đến nay chưa được giải quyết kịp thời; Việc thanh toán tiền giường cho sản phụ sinh thường, phương pháp vô cảm gây tê chưa được quy định, gây khó khăn trong việc thanh quyết toán giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 24/3/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

B.T. LOAN
VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 87
  • Trong tuần: 1 631
  • Tất cả: 3084539