Thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Sáng ngày 25/10/2022, tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật  Thanh tra (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật nêu trên. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng ngày 25/10/2022 (nguồn quochoi.vn)

Phiên thảo luận có 23 lượt ý đại biểu phát biểu, 1 ý kiến tranh luận đối với việc điều động, biệt phái Chánh Thanh tra; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra huyện; số lượng các cuộc thanh tra trong năm; việc điều chỉnh thanh tra chuyên ngành; về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập; việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; về nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra sở,…

Ông Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQh tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 25/10/2022 (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình cho biết, Thanh tra chuyên ngành, thanh tra bộ, ngành hay có tên gọi khác là thanh tra nhà nước chuyên ngành đã được pháp luật về thanh tra đề cập ở nhiều loại văn bản khác nhau và có sự chồng chéo giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành; tổ chức thanh tra được thiết lập chưa phù hợp; quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các biện pháp xử lý cứng nhắc, chưa được cập nhật, không phù hợp với tính chất, yêu cầu của quản lý nhà nước chuyên ngành, từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ chế định về thanh tra chuyên ngành trong Luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội vì thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm. 
Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn về khái niệm thanh tra chuyên ngành, mục đích thanh tra chuyên ngành phải gắn với đặc điểm, tính chất và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành vì làm rõ thanh tra chuyên ngành có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thiện chế định về thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra. 
Đồng thời, Luật cần quy định phạm vi thẩm quyền thanh tra chuyên ngành và thiết kế mô hình tổ chức phù hợp. Cần làm rõ phạm vi thẩm quyền thanh tra theo cấp hành chính (thanh tra cấp Chính phủ, tỉnh, huyện) và thanh tra theo ngành lĩnh vực (Bộ, Tổng cục, Cục, Sở). Cần nghiên cứu quy định rõ cấp nào thanh tra cấp đó và với phạm vi, đối tượng nhất định, không chồng chéo giữa các cấp thanh tra với nhau, giữa thanh tra theo cấp hành chính với thanh tra chuyên ngành. Trong thẩm quyền của các cơ quan thanh tra cần quy định rõ hơn thẩm quyền tham mưu quản lý nhà nước, thẩm quyền thanh tra và thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý, khuyến cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản cụ thể đối với dự thảo Luật.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

B.T.LOAN
VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 974
  • Trong tuần: 25 241
  • Tất cả: 3058691