Thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021
Ngày 31/10/2022, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết  kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành.

Qua một ngày làm việc đã có 46 đại biểu phát biểu ý kiến, 01 ý kiến tranh luận. Ý kiến của các đại biểu xoay quanh một số vấn đề trọng tâm, cụ thể về việc lãng phí nguồn nhân lực; việc dùng nguồn lực hiệu quả để kiến tạo thị trường khoa học công nghệ; vấn đề quản lý đất đai ở một số địa phương, gây lãng phí; việc thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong lãng phí ở lĩnh vực khoa học công nghệ; việc xử lý các dự án treo; hậu giám sát đối với các dự án trọng điểm quốc gia; lãng phí nguồn lực đất đai; nguyên nhân lãng phí; công tác quản lý, sử dụng tài sản công; trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp bộ máy còn phân tán, bỏ hoang; công cụ đánh giá về sử dụng dịch vụ công; các giải pháp cụ thể để khắc phục sớm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại địa phương; Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí; quan tâm phòng, chống lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực; pháp điển hóa các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sát thực tiễn và tăng chế tài xử lý,….

Ông Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận 
tại Hội trường ngày 31/10/2022 (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 31/10/2022, ông Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với những thành tựu quan trọng, tích cực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Qua đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. Đồng thời, đại biểu cũng băn khoăn lo lắng với những hạn chế yếu kém, đặc biệt là việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Bên cạnh việc đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị được nêu tại Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương quan tâm chỉ đạo và nghiên cứu bổ sung đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một số nội dung. Trước hết, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ ngành cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến bất cập, hạn chế và khó khăn để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục sớm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dài hạn và nhất là 03 năm còn lại trong nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng. Có giải pháp khắc phục ngay tình trạng chậm báo cáo thậm chí không báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm đã tồn tại trong nhiều năm qua và gần như trở thành bệnh kinh niên mà chưa có biện pháp hay liều thuốc hữu hiệu. 
Tiếp theo, đại biểu Bình đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nhóm giải pháp thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII, các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, cần quan tâm chú ý bổ sung nhóm giải pháp khắc phục tình trạng đối tượng phạm tội gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước bỏ trốn. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu bổ sung nhóm giải pháp kết hợp đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc lợi dụng lãng phí để tham nhũng và cũng tránh tham nhũng gây ra lãng phí. Tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản bị thất thoát, bị thiệt hại. Chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. 
 Đồng thời, đại biểu đề nghị chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư. Đồng thời cần xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Song song đó, cần đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị trong việc quản lý tài sản công, đầu tư công; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; làm rõ trách nhiệm, có chế tài để xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm. Cần có biện pháp và giải pháp cụ thể không để đối tượng lợi dụng việc triển khai các dự án liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công, nhận hối lộ, thông đồng, móc ngoặc từ khâu tổ chức đấu thầu đến thi công, nghiệm thu hạng mục công trình; cấu kết, móc ngoặc với các đối tượng ngoài xã hội để thao túng hoạt động mua bán, đấu giá đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Mặt khác, đại biểu đề nghị cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản. Ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép để phục vụ mục đích trốn thuế hoặc lợi dụng kẽ hở trong khai báo hải quan, nâng khống giá trị xuất khẩu hàng hóa lên nhiều lần để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra chuyên ngành.

Ông Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận
tại Hội trường chiều ngày 31/10/2022 (nguồn quochoi.vn)

Tiếp tục phiên thảo luận, ông Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội, báo cáo đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế với những minh chứng số liệu thuyết phục, đồng thời bày tỏ sự tán thành cao với những nhiệm vụ, giải pháp mà báo cáo giám sát đã nêu.
Theo đại biểu Bế Trung Anh, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã đạt được nhiều thành công trong việc khắc phục những tồn tại hạn chế, nhưng cũng theo số liệu của báo cáo vẫn còn nhiều nội dung thiếu tích cực. Đại biểu cho rằng, trong tinh giản bộ máy biên chế, tinh giản bộ máy không thể là cứu cánh cho việc nâng cao hiệu suất làm việc của bộ máy, tăng năng suất lao động như chúng ta đang kỳ vọng. Đại biểu chia sẻ, chính vì dùng thuật ngữ năng suất lao động thấp khiến cho mọi con mắt đổ dồn đến năng lực, hiệu suất, thái độ làm việc của lao động trong phần đông cán bộ công chức, viên chức. Điều này khiến họ rất khổ tâm, thiếu tự tin. Đại biểu chia sẻ, trong thời gian qua đội ngũ cán bộ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự khó khăn khi thiếu giáo viên. Hay đội ngũ y bác sĩ bỏ việc, thậm chí chưa bỏ việc cũng đã phải làm từ sáng đến tối mà chưa thực hiện hết công việc của mình. Đại biểu Bế Trung Anh cho rằng còn một sự thật nữa nên mổ xẻ để có được nhận định chính xác hơn là quy trình, thủ tục còn rườm rà, nhiều nội dung không còn phù hợp nên năng suất lao động thấp. Các con số về năng suất lao động hàng năm cho thấy một dự báo rằng sẽ không bao giờ chúng ta đuổi kịp được các nước ở trong khu vực. Điều này càng chứng tỏ giải pháp tăng năng suất lao động hiện nay chưa đi vào trọng tâm của vấn đề. Theo đại biểu, nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế là "việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm". Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần tìm chính xác các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; nên cải cách thể chế theo định hướng tăng chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và không nên lãng phí luật.

 

Quang cảnh Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận
 phiên thảo luận ngày 31/10/2022 (nguồn quochoi.vn)

Nhìn chung, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng cao. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Theo đó, việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí còn lớn, nghiêm trọng là làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Quốc hội đã phân tích kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn Giám sát phối hợp với các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, có giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét.

KIẾN QUỐC
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TRÀ VINH

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 131
  • Trong tuần: 1 675
  • Tất cả: 3084583