Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 02/11/2022, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Ông Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tại Hội trường chiều ngày 02/11/2022 (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung mà dự thảo nghị quyết đã nêu. Đại biểu cho rằng dưới cách tiếp cận nội quy là những quy định mang tính bắt buộc đối với những người trong một tập thể nhằm bảo đảm trật tự và kỷ luật trong tập thể, nội dung nội quy không được trái với quy định của pháp luật, nội quy không thể hiện ý chí của Nhà nước mà nó được hiểu là quy tắc xử sự chung để điều chỉnh các mối quan hệ trong cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp. Nội quy được lập thành văn bản và không trái luật. Từ đó, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp, đại biểu băn khoăn và tham gia thảo luận một số vấn đề như: đối với những quy định chung, đại biểu cho rằng,dự thảo đã quy định 12 điều về kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo kỹ thuật lập pháp cũng như đồng bộ với các luật, nghị quyết đã được ban hành, đại biểu đề nghị bổ sung một điều quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh hay phạm vi, đối tượng áp dụng. Theo đại biểu Bình, nội dung điều này sẽ quy định theo hướng khái niệm nội quy kỳ họp, phạm vi điều chỉnh hay phạm vi và đối tượng áp dụng, bao gồm các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị kỳ họp Quốc hội, các cuộc họp tại kỳ họp Quốc hội, quyết định cơ cấu, tổ chức, nhân sự, v.v.. 
Bên cạnh đó, về tổng kết kỳ họp Quốc hội, đại biểu cho rằng để tổng hợp được đầy đủ và nhanh nhất ý kiến của đại biểu Quốc hội về đánh giá tổng kết kỳ họp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trước khi kết thúc kỳ họp 3 ngày Tổng Thư ký Quốc hội sẽ xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về đánh giá kết quả kỳ họp bằng phiếu khảo sát theo mức độ đồng ý và có thể áp dụng phương pháp thống kê Likert 5 mức độ hoặc 7 mức độ. Kết quả khảo sát không chỉ phản ánh đầy đủ thực chất, khách quan, kết quả, chất lượng kỳ họp mà đây còn là dữ liệu sơ cấp hết sức quan trọng để Chủ tịch Quốc hội đánh giá chất lượng kỳ họp trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp. 
Đồng thời, đối với quy định thảo luận tại phiên họp toàn thể, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp, cụ thể "được tạm dừng, hoãn, tạm hoãn hoặc dừng phiên họp, kỳ họp trong tình huống có sự cố bất khả kháng hoặc xét thấy nếu tiếp tục phiên họp, kỳ họp có thể không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần của đại biểu Quốc hội, của tổ chức, cá nhân có liên quan", đồng thời bổ sung một khoản quét là "trường hợp có tiếp tục họp hay không do Quốc hội quyết định trong từng trường hợp cụ thể", điều này cũng phù hợp với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. 
Tiếp theo, đối với quy định về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể, đại biểu Bình cho biết, cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong Nội quy kỳ họp hiện hành, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn có trường hợp người chất vấn đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ hoặc các Bộ trưởng trong một số kỳ họp vừa qua còn nặng về ý kiến của cá nhân, địa phương, đơn vị thay vì lợi ích chung của đông đảo cử tri hoặc đưa ra câu hỏi với thái độ gay gắt, chưa thuyết phục, khiến người trả lời chất vấn bị ức chế, một số chất vấn còn thiếu sự tôn trọng người được hỏi, thiếu sự tôn trọng diễn đàn chung. Mặt khác, chất vấn không thể là bới lông tìm vết, soi mói khuyết điểm, không phải là để níu kéo nhau, cản trở nhau mà là để xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đảm bảo sự minh bạch và chế độ trách nhiệm, những đặc tính quan trọng của một nhà nước pháp quyền. Phê bình mặc dù là thuộc tính của chất vấn nhưng không phải là mục đích của chất vấn. Qua chất vấn giúp cho hoạt động của các cơ quan và người được chất vấn làm tốt hơn, hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, đại biểu rất mong Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định có tính ràng buộc nhằm hạn chế, khắc phục những bất cập nêu trên và nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn. 
Về tập hợp, tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo tự mình hoặc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức liên quan báo cáo, giải trình ý kiến bằng văn bản đến từng đại biểu Quốc hội để tăng tính thuyết phục của các dự thảo luật, nghị quyết được thông qua.; cũng như bổ sung cơ chế quy định về việc bảo lưu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nếu như quan điểm đó khác so với số đông và đại biểu Quốc hội đó vẫn phải chấp hành theo đa số, theo nguyên tắc của kỳ họp. Bên cạnh đó, về một số vấn đề khác, đại biểu Bình đề nghị Ban soạn thảo cần tích hợp hoặc bổ sung các nội dung về tài liệu, trang phục, thông tin, đảm bảo trật tự an ninh và trang nghiêm của kỳ họp thành một điều theo hướng tên gọi là các điều kiện đảm bảo cho kỳ họp Quốc hội và bổ sung các quy định về chế độ ăn, nghỉ, phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng, hỗ trợ đại biểu Quốc hội; các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín của đại biểu Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội vì nhiều đại biểu Quốc hội cũng đang chịu áp lực từ địa phương, cơ quan, đơn vị khi tham gia những vấn đề nhạy cảm, vấn đề khó, vấn đề mới phát sinh có liên quan trực tiếp với cá nhân, tổ chức của địa phương hoặc Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan phục vụ cho hoạt động kỳ họp được tiến hành chất lượng, hiệu quả.

 

Quang cảnh Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc phiên thảo luận chiều ngày 02/11/2022 (nguồn quochoi.vn)

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời cho rằng việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội. 
Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, đề xuất phương án tích cực hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các vấn đề đại biểu Quốc hội đã phát biểu để tiếp thu tối đa các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

KIẾN QUỐC
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 2457
  • Trong tuần: 26 724
  • Tất cả: 3060174