THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Sáng ngày 10/11/2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành. Trong phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, có 4 lượt đại biểu tranh luận. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể trong luật như: phạm vi, đối tượng áp dụng, tên gọi của dự án luật, cụ thể hóa hơn các chính sách trong Nghị quyết 20 của Trung ương, rà soát để thống nhất với các luật có liên quan, quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, liều lượng các chính sách, chính sách về tiếp cận đất đai, tích tụ ruộng đất, chính sách về tín dụng nội bộ; quy định về tổ hợp tác, chính sách khuyến khích phương thức chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã, việc thành lập và hoạt động của liên đoàn hợp tác xã; quy định về tổ chức đại diện, các quy định về hệ thống Liên minh Hợp tác xã, quy định về mô hình, tổ chức, quản trị hợp tác xã, về gia nhập hoạt động, rút khỏi thị trường; quy định về thành viên, số lượng thành viên, phân loại thành viên, quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; quy định về tài chính, tài sản, về trích lập các quỹ, sử dụng các quỹ chung không chia, tài sản hình thành từ quỹ chung không chia, chế độ kế toán và kiểm toán; quy định về quản lý nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước là trung ương và địa phương đối với kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh
phát biểu thảo luận tại Hội trường (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu đối với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trước hết đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật đề nghị lấy tên là “Luật các tổ chức kinh tế tập thể” để phù hợp với tên gọi các tổ chức tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCHTW Đảng khóa XIII, đồng thời, thể hiện rõ hơn tính chất đặc thù về “kinh tế - xã hội - cộng đồng” của khu vực kinh tế với nòng cốt là các Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã. Tuy nhiên, định nghĩa về “tổ chức kinh tế hợp tác” thuộc thành phần “kinh tế tập thể” có thể gây ra 02 mẫu thuẫn, cụ thể là không nhất quán với tên gọi các tổ chức kinh tế tập thể trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương vì Nghị quyết gọi các tổ chức thuộc thành phần này là “tổ chức kinh tế tập thể”, bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế hợp tác khác như: công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên cũng thực hiện các hoạt động hợp tác thì không được mang tên là tổ chức kinh tế hợp tác. Theo đại biểu, mâu thuẫn trên cho thấy, gọi tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Liên hiệp tác xã là các tổ chức kinh tế hợp tác là chưa hợp lý, từ đó, đại biểu đề nghị đặt tên gọi của dự thảo là “Luật các tổ chức kinh tế tập thể” để phù hợp và thống nhất với các Nghị quyết mà Đảng đã đặt tên. Bên cạnh đó, các cụm từ trong dự thảo Luật “kinh tế hợp tác” cần sửa thành “kinh tế tập thể”, Luật các tổ chức kinh tế tập thể phạm vi sẽ nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng. Phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế.
Tiếp theo là về khái niệm “Tổ hợp tác”, theo đại biểu, việc đưa các tổ chức kinh tế tổ hợp tác vào điều chỉnh của dự thảo Luật cũng sẽ phát sinh các bất cập như các tổ hợp tác hiện nay là những tổ chức kinh tế do người dân tự nguyện lập ra theo nhu cầu ngắn hạn, thông qua hợp đồng hợp tác bằng văn bản hoặc thỏa thuận miệng, nên quan hệ giữa các thành viên không mang tính bền vững và không có kế hoạch phát triển lâu dài. Tổ hợp tác có thể dừng hoạt động và tan vỡ khi xảy ra mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên, nếu đưa vào dự thảo yêu cầu phải đăng ký và đưa ra định hướng chuyển đổi Tổ hợp tác thành hợp tác xã sẽ gây tâm lý không thuận ở một bộ phận ở tổ hợp tác, không muốn đăng ký và không muốn phát triển thành Hợp tác xã sẽ dẫn đến tác động giải thể bộ phận Tổ Hợp tác và gây tâm lý không tốt trong xã hội. Đồng thời, pháp luật dân sự và Nghị định 151/2007/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ đã quy định rất cụ thể về Tổ hợp tác. Chính vì vậy, nếu  đưa vào điều chỉnh tại luật này sẽ gây ra mâu thuẫn với các quy định đang còn hiệu lực của Bộ luật Dân sự. Các quy định về Tổ hợp tác tại dự thảo là rất sơ sài, không phản ánh đầy đủ các nội dung đã quy định ở Luật Dân sự và Nghị định số 77/2019/NĐ-CP. Với các  mâu thuẫn, bất cập trên, đại biểu Bình đề nghị chưa đưa Tổ hợp tác vào dự thảo Luật và cần tổ chức điều tra các Tổ hợp tác về nguyện vọng phát triển trong tương lại để có căn cứ thực tiễn đưa vào Luật này. 
Về quy định “Phân loại Hợp tác xã”, dự thảo quy định phân Hợp tác xã thành 04 loại: siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn theo các tiêu chí về số thành viên chính thức, doanh thu hoặc tổng vốn, phân theo các lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng, công nghiệp và xây dựng, vận tải, thương mại dịch vụ, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Đại biểu Bình chi biết, có một số vấn đề phát sinh trong quy định này là sự cần thiết của phân loại Hợp tác xã có hay không chưa rõ; quy mô của Hợp tác xã sẽ liên tục thay đổi theo thời gian cả về thành viên và tổng nguồn vốn; phân loại tổ chức kinh tế theo ngành và lĩnh vực kinh tế cũng không hợp lý vì theo quy định về quyền của tổ chức kinh tế tập thể thì mỗi tổ chức kinh tế tập thể có quyền: “Sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên”. Theo đó, mỗi tổ chức kinh tế tập thể có thể hoạt động nhiều ngành nghề khác nhau nên không thể phân loại tổ chức kinh tế tập thể theo ngành nghề được.
Từ các vấn đề trên, đại biểu Bình đề nghị dự thảo tiếp cận các hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo định nghĩa đã đưa ra để thực hiện phân loại, bảo đảm tính toàn diện và đặc thù về các hoạt động mà tổ chức kinh tế tập thể phải thực hiện. Theo đó mỗi tổ chức kinh tế tập thể có 03 nhóm hoạt động gồm: “Kinh tế”, “Văn hóa tập thể” và “Xã hội-cộng đồng”. Cụ thể trong nhóm “kinh tế”, các tổ chức kinh tế tập thể có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 05 lĩnh vực như nông, lâm thủy sản và lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, vận tải, tài chính, tín dụng, thương mại và nhà ở, y tế, giáo dục, môi trường…) ; trong nhóm “Văn hóa tập thể”, các tổ chức kinh tế tập thể thực hiện các hoạt động tập thể về đào tạo-tập huấn-phổ biến pháp luật, chính sách của nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, văn nghệ-thể thao, tham quan, học tập kinh nghiệm các tổ chức tổ chức kinh tế tập thể khác; trong nhóm “Xã hội, cộng đồng”, các tổ chức tổ chức kinh tế tập thể thực hiện các hoạt động nội bộ và với ngoài gồm chăm sóc sức khỏe thành viên, thăm hỏi thành viên cao tuổi, ốm yếu, tham gia đóng góp các hoạt động xã hội địa phương,…phân loại như trên sẽ là căn cứ để Nhà nước có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm giúp cho tổ chức tổ chức kinh tế tập thể thực hiện thành công các nhóm hoạt động trên và phát triển đúng bản chất, vai trò của loai hình tổ chức kinh tế - xã hội của mình.   
 Về chính sách của nhà nước về phát triển các tổ chức tổ chức kinh tế tập thể, dự thảo đề cập 09 nhóm chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể là rất nhiều, nhưng chưa thể hiện rõ mục tiêu tác động của từng nhóm và chưa thể hiện tính đồng bộ của các nhóm chính sách. Trong điều kiện hiện đại, mỗi tổ chức tổ chức kinh tế tập thể có quyền triển khai các hoạt động kinh tế khác nhau theo khả năng về các nguồn lực và lợi thế của mình như đã đề nghị về phân loại Hợp tác xã. Qua đó, đại biểu Bình đề, nghị sắp xếp các chính sách đã đề cập trong Dự thảo theo 03 nhóm bảo đảm tính đồng bộ gồm: “Định hướng”; “Tạo động lực”; “Phòng ngừa & giảm thiểu rủi ro” đối với 03 nhóm hoạt động “kinh tế”, “văn hóa tập thể”, “xã hội - cộng đồng” trong mỗi tổ chức tổ chức kinh tế tập thể như đã đề xuất ở trên. Theo đó, đại biểu đề xuất các chính sách cần được thiết kế theo hướng, cụ thể: (1) Các chính sách có mục tiêu “Định hướng”, “Tạo động lực”, “Phòng ngừa & giảm thiểu rủi ro” nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động “kinh tế”  của tổ chức tổ chức kinh tế tập thể trong Nông-lâm-thủy sản; Công nghiệp-xây dựng-vận tải; Thương mại; Tài chính-tín dụng; Nhà ở-Ytế-Giáo dục-Môi trường; (2) Các chính sách có mục tiêu: “Định hướng”, “Tạo động lực”, “Phòng ngừa & giảm thiểu rủi ro” nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động “Văn hóa tập thể” trong tổ chức tổ chức kinh tế tập thể; (3). Các chính sách có mục tiêu: “Định hướng”, “Tạo động lực”, “Phòng ngừa & giảm thiểu rủi ro” nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động “xã hội-cộng đồng” trong tổ chức tổ chức kinh tế tập thể. 
Theo cách tiếp cận như trên, mỗi tổ chức tổ chức kinh tế tập thể thực hiện hoạt động nào sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ hoạt động đó, không hoạt động sẽ không được hưởng lợi của chính sách. Từ đó, đại biểu Bình cho rằng, thiết kế chính sách như trên sẽ vừa đảm bảo tính đồng bộ của chính sách, vừa đảm bảo tính công bằng, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của tổ chức KTTT và loại bỏ tình trạng lợi dụng chính sách như hiện nay.

B.T.LOAN
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HDND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 47
  • Trong tuần: 1 647
  • Tất cả: 3084375