THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 11/11/2022, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành. Trong phiên thảo luận có 15 đại biểu phát biểu.

Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số. Đại biểu tham gia nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; tính thống nhất của dự thảo luận với các luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước; hoàn thiện quy định về chữ ký điện tử; bổ sung quy định về các loại công nghệ mới sử dụng trong định danh nhân thân; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; đảm bảo về dữ liệu trong giao dịch điện tử,…

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tại Hội trường (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông về dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Tổ của ĐBQH về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu Bình còn băn khoăn hai vấn đề được đề cập trong dự thảo Luật, trước hết là về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận thương mại điện tử là bước phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông. Bản chất của thương mại điện tử là các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện thông qua các giao dịch điện tử, vì vậy, nếu xem xét về phạm vi điều chỉnh của luật thì pháp luật về giao dịch điện tử của một số nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc có sự quy định rộng hơn so với Luật của nước ta. Cụ thể, Luật của Hàn Quốc được áp dụng cho tất cả các giao dịch điện tử trừ khi có sự quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Trong khi đó, Luật của Việt Nam không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Căn cứ vào các quy định như đã nêu ở trên thì phạm vi điều chỉnh của Luật Hàn Quốc có sự khái quát cao hơn so với nước ta. Điều này sẽ giúp cho Luật của Hàn Quốc bao trùm được toàn bộ các giao dịch điện tử trên thực tế, đồng thời tạo được sự ổn định cho các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử khi có sự thay đổi của các văn bản luật khác.
Mặt khác, khái niệm giao dịch điện tử của pháp luật của một số nước, đặc biệt là Hàn Quốc, cũng có sự quy định cụ thể hơn so với Luật của nước ta. Theo Luật của Hàn Quốc, giao dịch điện tử là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ giao dịch thông qua thông điệp dữ liệu khi mua bán/cung ứng hàng hóa/dịch vụ. Trong khi đó, pháp luật nước ta quy định giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Cách quy định này của pháp luật nước ta sẽ tạo ra cách hiểu khác nhau là các giao dịch được thực hiện một phần hay toàn bộ bằng phương tiện điện tử sẽ được coi là giao dịch điện tử. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung này.
Tiếp theo là đối với các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử. Qua nghiên cứu dự thảo Luật đã cho thấy, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử còn khá chung chung, chưa cụ thể hóa cách thức xử lý và giải quyết. Điều này sẽ trở thành rào cản cho cơ quan áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm. Từ đó đại biểu Bình tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, cần bổ sung thêm các quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý như kỹ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động đối với cơ quan, tổ chức. Song song đó, đối với vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử, cần được tiếp tục quy định cụ thể và chi tiết vì hiện nay Luật Giao dịch điện tử còn quy định còn rất chung hoặc ít nhất, cần quy định theo hướng trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật nào, luật dân sự hay luật chuyên ngành nào khác có liên quan cần được quy định rõ.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu phương thức mới trong giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và cách mạng 4.0. Đại biểu cho biết, ở nước ta hiện nay, các tranh chấp chủ yếu được giải quyết thông qua phương thức trực tiếp truyền thống như: thương lượng, hòa giải, trọng tài hay tòa án. Trong khi đó, đặc trưng của giao dịch điện tử là hình thức giao dịch được thực hiện trên thị truờng “phi biên giới” và chủ thể tham gia giao dịch có thể từ bất kỳ một quốc gia nào trên bản đồ thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến đang đặt ra yêu cầu nghiên cứu và triển khai xây dựng tại Việt Nam. 
Bên cạnh đó, với điều kiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay của nước ta, giải pháp xây dựng cơ chế online được đánh giá là phù hợp. Việc giải quyết tranh chấp online sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể và cơ quan quản lý như tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính chủ động v.v... Trên thế giới hiện nay, mô hình cơ quan giải quyết tranh chấp trực tuyến có thể triển khai theo hai hướng là mô hình thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc sự chỉ đạo, điều hành của một cơ quan quản lý trong bộ máy nhà nước và pháp luật quy định các tổ chức tư cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến (hiện đang áp dụng tại Mỹ). Các tổ chức này sẽ xây dựng website để tiến hành giải quyết tranh chấp trực tuyến với sự cộng tác của các Hòa giải viên, Trọng tài viên có chuyên môn cao. Song điều kiện của nước ta, giải quyết tranh chấp thương mại điện tử trực tuyến còn rất mới mẻ, việc quản lý đối với tổ chức tư cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp sẽ gặp nhiều hạn chế, khó khăn, vì vậy, chúng ta có thể lựa chọn việc xây dựng cơ chế online theo mô hình thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp. Theo đó, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thương mại điện tử sẽ nghiên cứu thành lập một cơ quan, đon vị có sự quản lý nhà nước để tiến hành giải quyết tranh chấp trực tuyến. Cơ quan này sẽ thực hiện 03 phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến là: Hỗ trợ thương lượng trực tuyến, Hòa giải trực tuyến và Trọng tài trực tuyến. Cơ quan giải quyết tranh chấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống website, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết, tiến hành đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp trực tuyến có kiến thức, chuyên môn vững vàng. Đồng thời, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ phối hợp với Hòa giải viên hay Trọng tài viên có uy tín của các trung tâm trọng tài lớn trong nước để triển khai cơ chế giải quyểt tranh chấp phù hợp. Sau đó, chúng ta có thể nghiên cứu, chuẩn bị thêm các điều kiện cần thiết để áp dụng các mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến khác như giao cho các tổ chức tư được cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, việc ban hành văn bản pháp luật dưới hình thức Nghị định tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử trực tuyến cũng cần được quan tâm. Nghị định này sẽ quy định hướng dẫn các nội dung của giải quyết tranh chấp như: cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các phương thức giải quyết, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trực tuyến v.v... Các quy định nền tảng này sẽ là điều kiện quan trọng để cơ quan có thẩm quyền, các bên tranh chấp nắm rõ, áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến có hiệu quả, đại biểu Bình nhấn mạnh.

 KIẾN QUỐC
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 2015
  • Trong tuần: 26 282
  • Tất cả: 3059732