Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại Tổ 6 về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chính sách giảm thuế 2% và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm
Sáng ngày 25/5/2023, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì điều hành của ông Bùi Minh Châu, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Tổ thảo luận số 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Trà Vinh, Quảng Nam, Đắk Nông, Phú Thọ tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tại buổi thảo luận, đã có 16 đại biểu tham gia nêu ý kiến về các nội dung theo hướng dẫn và gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo giải trình, tiếp thu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021...Có 06/06 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự và tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận với 03 lượt đại biểu thảo luận về các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Tham gia thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022, đại biểu Trần Quốc Tuấn cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong việc đánh giá sự chủ động, quyết tâm, nhận thức và trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu thống nhất cao với những kết quả đã đạt được và các nhóm hạn chế đã được chỉ ra, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý và làm rõ trách nhiệm trong việc nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội và lãng phí nguồn lực quốc gia, đại biểu cho biết, đến tháng 7/2022, Bộ ngành Trung ương còn nợ 10 Nghị định, 02 Quyết định hướng dẫn, quy định chi tiết 07 Luật, Nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật,…điển hình là tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
phát biểu thảo luận tổ sáng ngày 25/5/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó có quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, đại biểu cho rằng nếu chậm ban hành sẽ gây ra lãng phí các nguồn lực lớn của xã hội ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới, nguồn vốn hợp pháp cho các doanh nghiệp và niềm tin của thị trường tín dụng hiện nay, nghiêm trọng hơn, việc chậm hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật thời gian qua ở lĩnh vực này đã dẫn đến tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật và công tác quản lý nhà nước để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh, tài chính tiền tệ; có những hành vi vi phạm thực hiện trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý; đối với lĩnh vực đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, mặc dù đây là lĩnh vực khuyến khích đầu tư nhưng với sự phát triển quá nóng của nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn, bỏ qua việc tuân thủ các quy định pháp luật cùng sự thiếu đồng bộ của chính sách đang để lại nhiều hệ lụy, gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn, đến nay vẫn còn hàng trăm dự án đã được doanh nghiệp đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng chưa được đưa vào sử dụng và có nguy cơ phá sản, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong nhưng chưa được vận hành, để giải quyết vấn đề thiếu điện trầm trọng trong thời điểm hiện nay.
Việc sớm có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh tình trạng Kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính; vi phạm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời cũng được đại biểu quan tâm, qua đó, đại biểu đề xuất Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung như: thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa, xác định rõ việc nào là việc của địa phương, mạnh dạn giao cho địa phương làm và chịu trách nhiệm, có như vậy địa phương sẽ không hỏi Trung ương; thứ hai, nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của phát luật để căn cứ vào đó triển khai thực hiện; thứ ba, tăng cường kiểm tra giám sát để hướng dẫn, nhắc nhỡ, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, đồng thời  xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vì mục đích cá nhân kể cả việc xử lý người đứng đầu các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Cùng tham gia thảo luận về đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Thạch Phước Bình đặc biệt quan tâm đến việc có 02/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra và mức tăng trưởng những tháng đầu năm 2023 đạt thấp, đây là một thách thức rất lớn trong thời gian tới, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; đồng thời, qua tình hình thực tiễn và ý kiến kiến nghị của cử tri, đại biểu cho rằng quy hoạch điện VIII mặc dù đã được phê duyệt nhưng tiến độ là rất chậm, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan để đề ra các giải pháp thiết thực trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến việc triển khai Quy hoạch điện VIII, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết hiện nay có nhiều doanh nghiệp điện gió bị thua lỗ đến hàng trăm tỷ đồng, có nguy cơ dẫn đến phá sản là rất cao, cụ thể như: Công ty Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thuộc Tập đoàn Trung Nam) đang vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW - mới báo lỗ 859 tỉ đồng. Dự án Ea Nam của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 ghi nhận nợ phải trả hơn 12.100 tỉ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 (lãi 4,6 tỉ đồng năm 2021, lỗ 60,3 tỉ đồng năm 2022); CTCP Năng lượng Bắc Phương (lãi 10,9 tỉ đồng năm 2021, lỗ 31,5 tỉ đồng năm 2022). Ngoài ra, ngành điện gió còn ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp báo lợi nhuận âm hàng chục tỷ đồng, như Phong điện Chơ Long, Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, Phong điện Yang Trung…

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận sáng ngày 25/5/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Mặt khác, theo đại biểu Bình thì hiện có 23 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đang kiến nghị Chính phủ thỏa thuận giá với EVN và có 28/84 nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị tham gia đàm phán giá với công ty mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều hồ sơ chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phấn rất chậm, qua đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra mức giá tạm thời tối đa là 50% giá trần khung giá phát điện tại Quyết định số 21 của Bộ Công thương, tuy nhiên, đối với mức giá này các doanh nghiệp cho rằng đã đi ngược hoàn toàn đối với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải cacbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo, từ đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương sớm có phương án thỏa thuận giá vì nếu kéo dài, doanh nghiệp càng thua lỗ trong sản xuất. 
Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn cát xây dựng, khiến nhiều công trình bị đình trệ, không đảm bảo tiến độ đề ra, nhất là trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo cũng được đại biểu Bình quan tâm, khi đồng bằng sông Cửu Long đang có nhu cầu cát rất lớn để phục vụ cho các dự án cao tốc trong khu vực. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3 (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 18,5 triệu m3, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 17,8 triệu m3, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m3, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m3). Chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó, nhu cầu trong năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3. Trong khi đó, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế. Từ đó, đại biểu Bình đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc xây dựng ngân hàng cát. Việc xây dựng ngân hàng cát  là rất cần thiết hiện nay. Ngân hàng cát là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của ÐBSCL đã cho thấy hằng năm lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng.
Một vấn đề khác mà đại biểu Bình  quan tâm là thời gian gần đây, thực tế ở một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các Bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan, địa phương... hậu quả của việc này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Từ đó, cử tri hoan nghênh việc Thủ ướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Ông Bình đánh giá việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương có giải pháp đối vấn đề này, song đại biểu Bình cho rằng để trị "bệnh" sợ, đùn đẩy trách nhiệm cản trở, ách tắc hoạt động nền kinh tế,  cùng với việc thực hiện ngay Công điện của Thủ tướng và các công văn triển khai của các cấp, các ngành, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành tháng 9/2022 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Song song đó, đại biểu Bình cũng lưu ý rằng nói gì thì nói, thể chế, quy định, luật lệ, công điện… dù có hoàn thiện đến mức độ nào thì cũng phải qua lăng kính của người thực hiện công việc đó. Dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành có ban hành bao nhiêu văn bản thì nhân cách của người cán bộ, đảng viên có vai trò rất lớn trong "bệnh" sợ, đùn đẩy trách nhiệm cũng như là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá... vì lợi ích chung. Trong đó, tập thể phải là “bệ đỡ” cho tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân. Tránh tình trạng bệnh “sợ trách nhiệm” biến thành “vô trách nhiệm”. Từ đó, ông Bình rất mong là Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm nội dung này.  
Đối với việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, theo đại biểu Bình thì đây là chính sách rất cần thiết, là thực hiện việc khoan thư sức dân, tạo điều kiện cho người dân trong việc mua sắm, tuy nhiên đại biểu cho rằng việc ban hành danh mục hàng hóa loại trừ hiện nay có những danh mục hàng hóa rất khó xác định nên trong quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và lộ trình kéo dài thời gian do Chính phủ đề xuất từ ngày 01/7/2023 đến ngày 31/12/2023 là rất khó thực hiện cần xem xét lại. Mặt khác, ông Bình cho biết, theo dự báo của các chuyên gia thì năm 2023 và 2024 thì tình hình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, từ đó đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.   

 

Đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận sáng ngày 25/5/2023 (Ảnh: Minh Triều)

Vấn đề dân tộc thiểu số được đại biểu Bế Trung Anh đặc biệt quan tâm, mặc dù hiện nay Chính phủ đã ban hành quy định liên quan đến nội dung về thành phần dân tộc thiểu số, tuy nhiên, qua nhiều giai đoạn việc công bố số lượng thành phần dân tộc là khác nhau, mặc dù tiêu chí phân định là giống nhau, đại biểu điển hình hiện nay có dân tộc Tà Ôi trong đó có nhóm người Pa kô và một số dân tộc khác được ghép thành phần dân tộc như trên, đại biểu cho rằng việc phân định thành phần dân tộc thiểu số là nhằm mục đích ưu tiên chính sách nhưng sau thời gian dài không thay đổi quan điểm so với thực tiễn là đi chậm so với các nước trên thế giới; chính sách dân tộc phải mang tính bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên, hiện nay xảy ra tình trạng ghép một dân tộc với nhóm người thành một dân tộc thì không là bảo tồn nữa, bên cạnh đó, đại biểu cho rằng mỗi cá nhân khi được sinh ra phải được xác định dân tộc theo quy định của pháp luật nên nhà nước cần phải quan tâm, thực hiện tốt quy định này để đảm bảo các quyền công dân.

B.T.Loan 
Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 1 553
  • Tất cả: 3084097