Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Chiều ngày 27/5/2023, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã điều hành Tổ 6 thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Phiên thảo luận có 09 đại biểu tham gia phát biểu ý kiến đối với các dự án Luật nêu trên, cụ thể về độ tuổi nghỉ hưu trong ngành công an; độ tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân; thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh; trường hợp miễn thị thực; việc nâng thời hạn thị thực điện tử; việc cấp thị thực vì mục đích nhân đạo; trách nhiệm của Bộ Ngoại giao,..và nhiều nội dung quan trọng khác. Tại buổi thảo luận này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có 02 đại biểu tham gia phát biểu thảo luận.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tổ chiều ngày 27/5/2023

Trước tiên là đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Quốc Tuấn thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật này để sửa đổi, bổ sung một số quy định của 02 Luật quy định về xuất nhập cảnh hiện hành. Đại biểu cho biết việc sửa đổi này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để phát triển, trong đó đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam,… qua đó đại biểu cho rằng bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh là hoàn toàn phù hợp. Vì đây là thông tin bắt buộc mà công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Khi có thông tin nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh sẽ tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu.
Bên cạnh đó, đại biểu củng đồng tình cao việc bổ sung quy định cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ trên môi trường điện tử, việc bổ sung quy định này sẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân, tiết kiệm được chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng cũng được đại biểu đồng tình và thống nhất cao vì quy định này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kép cho Việt Nam, vừa tạo thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục và tiết kiệm chi phí cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn đối với người nước ngoài khi họ nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, chính điều này sẽ  góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.
Đồng thời, đại biểu Tuấn cho rằng việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là một bước tiến mới, phù hợp với tình thực tiễn hiện nay khi nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác. Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực Asean nên đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi nội dung này. Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm vào nội dung Điều 45a, quy định trách nhiệm của Bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cụ thể “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch hoặc cho người nước ngoài tạm trú qua đêm khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm phải thông báo cho cơ quan Công an hoặc Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất”. Vì theo đại biểu nếu quy định như dự thảo thì chỉ có Công an xã mới có thẩm quyền tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là ở các khu vực biên giới, cửa khẩu, mặc khác chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

 

ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
phát biểu thảo luận tổ chiều ngày 27/5/2023

Tiếp theo là đại biểu Thạch Phước Bình, cũng bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết sửa đổi các dự án luật, tuy nhiên, đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu cho biết dự thảo lần này tập trung sửa đổi 09 khoản thuộc 5 Điều của Luật Công an nhân dân năm 2018, trong đó, có dự thảo 03 chính sách lớn: chính sách về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu, công tác; cấp bậc cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân. Qua đó, đại biểu cho biết, đối với hạn tuổi phục vụ của công an đã cập nhật với Bộ luật Lao động 2019, trong đó đã điều chỉnh so với Luật Công an nhân dân năm 2018, theo hướng tăng các hạn tuổi phục vụ cao nhất của công an nhân dân, đối với nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi, tăng 02 tuổi đối với sĩ quan, hạ sĩ quan…, tuy nhiên, đại biểu Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đối với lực lượng công nhân công an vì Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định bên cạnh điều kiện bình thường, từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động là 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ, đồng thời, Bộ luật Lao động cũng có quy định về hạn tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện đặc biệt, nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định, vì vậy, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nên có quy định mở theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc bổ sung nội dung “đối với trường hợp đặc biệt sẽ điều chỉnh hạn tuổi phục vụ” đối với công nhân công an, hạ sĩ quan cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Bình quan tâm đối với quy định, sĩ quan được xét thăng cấp hàm cấp hàm Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác, trường hợp không còn đủ 03 năm công tác thì do Chủ tịch nước quyết định, theo đại biểu, đây là quy định rất mở, tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem lại quy định “trường hợp không đủ 03 năm công tác thì do Chủ tịch nước quyết định” vì chưa rõ, cần quy định thời gian công tác tối thiểu để thống nhất thực hiện; đồng thời, đối với quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân, Thượng tướng không quá 7, đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, an ninh và thống nhất mức trần cao nhất sĩ quan công an đối với sĩ quan công an được biệt phái, bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh là Thượng tướng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định mức trần đối với sĩ quan công an được biệt phái và được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội và đề xuất mức Đại tướng nhằm phù hợp với Kết luận số 35 của Bộ Chính trị.
Đối với nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật này, quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị thành lập mới cũng được đại biểu Bình quan tâm và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đối với quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị thành lập mới vì hiện nay đã có 205/205 chức danh cấp Tướng theo Thông báo số 185 ngày 28/10/2014 của Bộ Chính trị đã được sử dụng hết nên không còn chức danh để thực hiện quy định này, vì vậy đại biểu Bình đề nghị quy định theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh hoặc thay đổi chức danh hàm cấp Tướng hoặc quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung một số chức danh mang hàm cấp tướng so với hiện hành.
Về thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 01/01/2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đại biểu cho rằng quy định như trên là mang tính chất hồi tố là chưa phù hợp, cần xem xét lại; đồng thời, đề xuất mức hàm cao nhất đối với trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là Thượng tướng nhằm phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị trong quy định chức danh tương đương của hệ thống chính trị.

 Tin: B.T. Loan, ảnh Minh Triều
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 1006
  • Trong tuần: 25 273
  • Tất cả: 3058723