Cầu Kè khẩn trương ứng phó với khô hạn, nước mặn xâm nhập
     Hiện nay tình hình khô hạn mặn trên địa bàn huyện Cầu Kè diễn biến phức tạp và khó lường, độ mặn trên các tuyến sông bên ngoài các cống đầu mối trong những ngày gần đây ở mức rất cao, trong khi đó mực nước ngọt trên các tuyến sông, kênh, rạch bên trong nội đồng xuống rất thấp. Trước tình hình đó, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Cầu Kè đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất, nhất là vụ lúa Đông Xuân năm nay.

 

Hệ thống cống Bông Bót đóng lại ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng

      Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: Vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn huyện xuống giống được hơn 8.000 hécta, đến nay đã thu hoạch được hơn 350 hécta, chiếm hơn 4% diện tích xuống giống, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Các diện tích còn lại đang trong giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng, trong này có một số diện tích lúa ở các xã Phong Thạnh, Phong Phú, Châu Điền, Ninh Thới và Hòa Tân trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, đây là giai đoạn quan trọng cây lúa cần được cung cấp đủ nước cũng như dinh dưỡng để phát triển tốt và đạt năng suất tối đa, nhưng hiện nay do tình hình nắng nóng kéo dài nên độ mặn ở các tuyến sông, kênh, rạch và tại các cống đầu mối như Rạch Rum, ở xã Hòa Tân và cống Mỹ Văn, xã Ninh Thới, cống Bông Bót, cống Tân Dinh xã An Phú Tân độ mặn có lúc lên tới gần 7o/oo, vượt qua ngưỡng cho phép nên các cống đầu mối đã được đóng lại để ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào. 

 

Các diện tích lúa Đông Xuân ở xã Phong Thạnh đang bị khô hạn do thiếu nước

     Độ mặn tăng cao và kéo dài nên hiện tại theo thống kê thì toàn huyện có khoảng 100 hécta lúa, cây ăn trái của trên 120 hộ dân ở các xã: Phong Thạnh, Phong Phú, Hòa Tân và Châu Điền bị ảnh hưởng do khô hạn, nước mặn và mức độ thiệt hại từ dưới 30 đến trên 70%.

      Anh Thạch Minh, ở ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, vụ này anh đầu tư sản xuất 45 công và trà lúa của anh đang trong giai đoạn chuẩn bị làm đòng, do tình hình nước mặn kéo dài nên gần nữa tháng qua ngày nào anh cũng bám ngoài đồng chờ bơm nước ngọt cứu lúa, thế nhưng do độ mặn tăng cao, các cống đầu mối đã đóng lại ngăn mặn và lượng nước ngọt tại các tuyến kênh cũng đã cạn kiệt nên không thể bơm vào ruộng, nếu vài ngày tới độ mặn không được cải thiện thì diện tích lúa của gia đình anh sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ là đều khó tránh khỏi. Anh Minh nói: “Lúa tôi sạ được 50 mấy ngày rồi, thời điểm đang làm đòng mà không có nước tưới tiêu, khô hạn lâu quá hơn 20 ngày, nó ảnh hưởng trầm trọng luôn. Tôi đề nghị thế này cống nếu nước mặn thì đóng lại dùm, nếu nước hết mặn thì xả cống dùm cho bà con nông dân người ta tưới tiêu, thứ 2 nữa là tôi xin cấp địa phương và Nhà nước hỗ trợ móc con kênh này cho sâu chút để dự trữ nước cho bà con tưới tiêu, không thôi cả vườn ruộng ở đây chết hết luôn”.

 

Anh Thạch Minh, ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân trực chờ bơm nước lên cứu diện tích lúa đang khô hạn của gia đình

      Mặc dù trong thời gian qua huyện có quan tâm đầu tư nạo vét và mở rộng các tuyến kênh thủy lợi nội đồng bị bồi lắng để dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con, nhưng do tình hình nước mặn kéo dài, các cống đầu mới đóng lại ngăn nước mặn xâm nhập lấn sâu vào trong nội đồng nên hiện nay trên địa bàn huyện vẫn có một số tuyến kênh thủy lợi đang cạn kiệt nguồn nước ngọt, có những nơi để cứu hạn cho lúa, vườn cây ăn trái bà con nông dân tự nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh rạch, đồng thời đặt máy bơm trực sẵn chờ khi có nước là bơm lên ruộng, vườn cây ăn trái nhưng máy vẫn không hoạt động được vì không có nước. Ông Nguyễn Văn Liêu, ở ấp Hòa An, xã An Phú Tân nói: “Đóng cống này thì nói ngây dân khỏe vụ nước mặn nhưng nước không vô được giờ khô quá trời rồi, giờ mong sao có nước ngọt xả vô bơm lên cho cây trái tốt chứ để chết hết”.

     Không những các diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng bởi khô hạn, nước mặn mà hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè còn có hàng ngàn hécta diện tích vườn cây ăn trái, hoa màu của bà con nông dân ở các xã nằm cặp tuyến sông Hậu như: Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân cũng bị ảnh hưởng của nước mặn không thể phát triển và đều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cũng như thu nhập của bà con nông dân trong thời gian tới.

Anh Võ Thái Bình, ở ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân nói thêm: “Kênh cạn không đủ nước để cứu cây thì tôi đầu tư đường ống vải 250 mét để bơm lên vườn để chữa cháy trước mắt thôi nếu tình hình kéo dài thì không thể chịu nổi. Kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư nạo vét kênh mương cho bà con đủ nước tưới tiêu cho vườn và cho ruộng lúa”.

     Hiện nay do tình hình nắng nóng kéo dài nên độ mặn ở các tuyến sông, kênh, rạch và tại các cống đầu mối như Rạch Rum, ở xã Hòa Tân và cống Mỹ Văn, xã Ninh Thới, cống Bông Bót, cống Tân Dinh xã An Phú Tân luôn có sự thay đổi theo chiều hướng tăng cao nên đã được đóng lại để ngăn không cho nước mặn xâm nhập lấn sâu vào trong nội đồng. Ông Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông huyện Cầu Kè nói: “Kiểm tra độ mặn mỗi ngày là 2 lần lúc đỉnh triều cũng như cột nước, khi kiểm tra độ mặn dưới 1%0 thì chúng tôi mở cửa lấy nước vào, khi đó cán bộ 10 phút kiểm tra một lần, khi phát hiện độ mặn vượt lên 1%0 thì chúng tôi sẽ đóng cống lại trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu bên trong cho bà con”.

 

Cán bộ Xí nghiệp thủy nông huyện Cầu Kè theo dõi đo độ mặn trên các tuyến sông để điều tiết đóng mở cống lấy nước ngọt

     Theo dự báo của ngành chức năng, thì mùa khô năm nay còn kéo dài và nước mặn sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là trong thời điểm từ nay đến cuối tháng 03 âm lịch nên nguy cơ thiếu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là điều khó tránh khỏi, nhất là các diện tích lúa Đông Xuân xuống giống muộn và lúa hè thu xuống giống sớm ở huyện Cầu Kè. Để khắc phục tình trạng khô hạn cũng như nước mặn xâm nhập vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, bà Ngô Thị Hồng Nghị, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: “Tình hình hạn mặn năm nay đến sớm và độ mặn cũng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước đây, thì trước tình hình trên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng các kế hoạch để phòng, chống với hạn mặn. Phối hợp với Xí nghiệp thủy nông huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn lắp đặt 33 biển báo về thông tin tình hình hạn mặn trên địa bàn các xã, thị trấn, hàng ngày Xí nghiệp thủy nông cũng đã cập nhật thông tin tình hình hạn mặn lên trên các biển báo này để người dân kịp thời cập nhật thông tin và có biện pháp trữ ngọt ngăn mặn trên diện tích sản xuất của mình. Đồng thời thì cũng đẩy nhanh tiến độ nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng theo kế hoạch năm 2020, bên cạnh đó thì cũng đã khảo sát thêm các tuyến kênh hiện đang bị bồi lắng để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục cho kế hoạch nạo vét trong năm 2020 này. Cũng phối hợp với các ngành chức năng vận động người dân trục vớt lục bình trên các tuyến sông chính và nạo vét các tuyến kênh nhỏ để trữ nước ngọt. Ngoài ra cũng phối hợp với các ngành chức năng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất giống như là các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa để hạn chế lượng nước ngọt”.

     Hiện đang bước vào thời gian cao điểm mùa khô năm 2020, các diện tích lúa Đông Xuân cũng như vườn cây ăn trái, hoa màu của bà con nông dân trên địa bàn huyện Cầu Kè đang thiếu nước trầm trọng. Nhưng với tình hình độ mặn trên các tuyến sông đầu mối luôn diễn biến khó lường và có chiều hướng tăng cao, dự báo nguồn nước ngọt sẽ không đảm bảo đủ để tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đều này sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Về lâu dài, để đảm bảo phát triển ngành nông nghiệp bền vững trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là khô hạn, mặn huyện cần khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể và khả thi, nhằm giúp cho bà con nông dân an tâm sản xuất./.

 

                                                                                                                                     Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 2 413
  • Tất cả: 4227186
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.