Cầu Kè chú trọng khai thác phát triển tiềm năng du lịch
Cầu Kè là 01 huyện nằm cách Trung tâm tỉnh Trà Vinh trên 40 km, do có địa hình nằm ven sông Hậu, sông ngòi chằng chịt, nước ngọt, phù sa bồi đắp quanh năm là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn gắn với mở rộng phát triển tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa truyền thống.

Lãnh đạo HU, UBND huyện Cầu Kè tham quan vườn cây ăn trái
ở cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân

Huyện Cầu Kè có 03 ấp cù lao là: Tân Qui I, Tân Qui II, xã An Phú Tân và ấp An Lộc, xã Hòa Tân nằm giữa sông Hậu cây trái rất trù phú là địa điểm lí tưởng hấp dẫn cho phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Trong này nổi bật nhất là các địa điểm du lịch sinh thái ở 02 ấp cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, hàng năm vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch, thưởng ngoạn không khí trong lành và được thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương. Ông David, một du khách Australia chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi về đây tham quan vườn chôm chôm tôi thấy rất là lạ, lần đầu tiên tôi mới thấy như vậy, tôi thấy khí hậu ở đây xung quanh là cây không nó tạo cho mát mẻ. Khi tôi trở về bên nước của tôi, tôi sẽ giới thiệu cho những người bạn để cho họ biết ở Việt Nam có những loại trái cây mà ở bên bểnh thì không có, đại khái như là trái chôm chôm, cũng là trái chôm chôm nhưng có nhiều loại, tôi rất là thích thú khi về đây được thưởng thức những gì ở quê hương Việt Nam”.

Hiện nay huyện Cầu Kè được nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều loại trái cây đặc sản  nổi tiếng như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài…và là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, với hơn 8.880 ha, tập trung nhiều ở các xã: An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới và Tam Ngãi, hàng năm cho sản lượng thu hoạch trên 130.000 tấn trái đem lại nguồn thu nhập cho người dân hàng trăm tỷ đồng.  Bên cạnh các sản phẩm trái cây đặc sản trên, Cầu Kè còn nổi tiếng với sản phẩm dừa Sáp (còn gọi là dừa đặt ruột, dừa kem) dùng để chế biến các loại thức ăn, nước uống sinh tố rất bổ dưỡng mà không có địa phương nào có loại trái cây này. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha  dừa sáp, được trồng tập trung nhiều ở các xã: Hòa Tân, Hòa Ân và thị trấn Cầu Kè, với số lượng hơn 45.000 cây, trong này có trên 37.000 cây  đang cho trái, với tỷ lệ trái sáp trung bình trên quầy đạt từ 20-40% nhưng giá trị của trái dừa cao gấp hơn 10 lần so với trái dừa thường. Những ngày thường dừa Sáp có giá phổ biến từ 90- 120 ngàn đồng/trái, nhưng vào các dịp lễ hội do sức tiêu thụ tăng lên nên có giá từ 150- 200 ngàn đồng/ trái nhưng nguồn cung vẫn không đáp ứng. Bà Dương Thị Lan, ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nói: “Lần đầu tiên cô xuống Cầu Kè, Trà Vinh cô thấy trái cây ngon quá, nào là bưởi da xanh, bưởi năm roi, dừa sáp, thích nhất là dừa sáp, rồi măng cụt cô mua về làm quà cho gia đình, cho bạn bè, thấy trái cây thích quá”.

Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch)

Ngoài ra, Cầu Kè còn được mọi người biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là vùng căn cứ của Tỉnh ủy Trà Vinh, miền Tây Nam bộ và được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chiến dịch Cầu Kè 1949, cũng là nơi sản sinh ra người con anh hùng, giàu tinh thần yêu nước, kiên trung: Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch) là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đồng thời Cầu Kè còn là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích cổ, di tích lịch sử văn hóa cách mạng đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng như: di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch, ở xã Châu Điền; di tích lịch sử cách mạng Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ, ở xã Tam Ngãi, di tích lịch sử nhà cổ Cầu Kè, ở thị trấn. Đặc biệt, mới đây ngày 19/8/2019, Huyện Cầu Kè đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung (chùa Ông Bổn), xã Hòa Ân. Đây là ngôi chùa cổ kính được xây dựng cách đây hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo “nội công ngoại quốc” và hiện ngôi chùa này còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Hoa. Ngoài ra, toàn huyện còn có 22 ngôi chùa  Khmer, với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, đồng thời ngày nay trên địa bàn huyện vẫn còn bảo tồn được những giá trị về văn hóa phi vật thể, với những lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa. Cụ thể như hàng năm (từ ngày 8 – 28/7 Âl) trên địa bàn huyện diễn ra lễ hội “Vu Lan Thắng Hội”, là một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức đan xen tại 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa như: Vạn ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi  và điểm Vạn Niên Phong Cung, khóm I, thị trấn Cầu Kè, qua đó đã thu hút hàng chục ngàn khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ hội. Anh Nguyễn Văn Nam, một du khách ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tôi đến lễ hội ông Bổn này đây cũng lần thứ 3 thì mục đích của mình cũng như bao nhiêu khách thập phương đến để cầu xin ông cho mình trong năm làm ăn được tấn tài tấn phát, sức khỏe được dồi giàu, gia đình được bình an. Về mặt qui mô tổ chức của lễ hội này thì theo tôi nhận định thì tôi thấy những khách thập phương đến đây trang nghiêm tôn kính, còn về mặt tổ chức cũng như mặt trật tự của lễ hội này thì tôi thấy rất là ổn và an toàn cho khách thập phương đến đây dự lễ”.

Quang cảnh rước bằng công nhận di tích quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung, ở xã Hòa Ân

Cũng chính vì những lợi thế trên, trong những năm qua huyện Cầu Kè đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, các tổ chức Quốc tế cùng huy động nội lực và sức dân đóng góp để để đầu tư nâng cấp mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái và lễ hội văn hóa truyền thống ở huyện. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, huyện Cầu Kè đã tổ chức 04 kì Hội chợ Bông lúa vàng và Ngày hội trái ngon và hàng năm huyện còn duy trì Hội chợ trưng bày các sản phẩm đặc trưng  gắn với tham quan du lịch miệt vườn sông nước của huyện. Đây là sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhằm tôn vinh những người làm ra những giống cây tốt, trái ngon phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, là dịp để quảng bá thương hiệu trái cây, tiếp thị du lịch sinh thái cù lao Tân Qui nổi tiếng với trái ngọt, cây lành với du khách trong và ngoài nước, nâng cao vị thế cạnh tranh và phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững. Ngoài ra, trong những năm qua, huyện Cầu Kè còn được  đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi tạo điểm nhấn cho du khách đến thăm viếng, tham quan giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời còn thực hiện phương thức  xã hội hóa trùng tu tôn tạo đưa vào khai thác điểm tham quan du lịch nhà cổ ở thị trấn Cầu Kè. Không những thế, đến nay trên địa bàn huyện Cầu Kè còn hình thành được điểm du lịch Homestay (du lịch trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng và văn hóa bản địa), ở xã Hòa Ân, đến đây du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên trong lành và trở thành thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán và được thưởng thức những món ăn dân dã địa phương và được tham quan thưởng thức những hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương. Anh Lê Hoàng Đệ, một du khách đến tham quan cù lao Tân Qui chia sẻ thêm: “Tôi đến cù lao Tân Qui rất là nhiều lần rồi nhưng tôi không cảm thấy chán tại vì ở đây trái cây rất là ngon ngọt về sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài, mận các thứ của địa phương cù lao Tân Qui này. Và tôi cũng rất yêu mến quê hương này về không khí rất là mát mẻ, dưới sông thì có bãi cát tấm cũng rất là mát mẻ trong lành, bên trên thì có nhiều loại trái cây rất là đặc biệt của cù lao Tân Qui 1, đây là một điểm của tạo hóa ban tặng rất tuyệt vời, tôi thì rất thích”.

Khánh thành đưa Nhà cổ Cầu Kè vào khai thác phục vụ du lịch

Mặc dù hiện nay du lịch ở huyện Cầu Kè có bước phát triển so với trước đây, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn hạn chế, thiếu sự đầu tư đúng mức của Nhà nước và người dân chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nên chưa có nhiều loại hình du lịch ở địa phương đủ chuẩn, hấp dẫn du khách và chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương. Để khai thác phát triển tiềm năng du lịch ở huyện trong thời gian tới, huyện Cầu Kè đã có những giải pháp cụ thể được ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè chó biết: “Huyện ủy, UBND huyện sẽ chú trọng đến lĩnh vực du lịch và xem đây là một trong những nhiệm vụ đột phá để đưa kinh tế của huyện ngày một phát triển hơn. Để làm được đều này thì trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục mời gọi các nhà công ty, doanh nghiệp đến đầu tư các ngành nghề phục vụ du lịch, quảng bá và mở rộng các điểm du lịch hiện có của huyện, đồng thời thì cũng tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trên để đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài ra thì chúng tôi cũng chú trọng đến công tác cải cách hành chính và tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ổn định, nhằm tạo môi trường thuận lợi để làm sao thu hút nhà đầu tư đến kinh doanh cũng như thu hút khách du lịch đến với Cầu Kè ngày một nhiều hơn”.

Hy vọng với sự quan tâm đầu tư đúng mức của huyện, cùng với các chính sách khuyến khích mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp, tin chắc rằng trong thời gian tới tiềm năng du lịch ở huyện Cầu Kè sẽ được khai thác và phát triển bền vững, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện./.

Bài, ảnh: Trương Thi
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 141
  • Trong tuần: 1 474
  • Tất cả: 4228268
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.