Đồng bào dân tộc Khmer huyện Cầu Kè nổ lực vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống

     Trong thời gian qua tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, thu nhập kinh tế cũng như đời sống của đại bộ phận người dân. Nhưng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Chính quyền địa phương cùng với sự nổ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, không khí sản xuất, kinh doanh của người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng trên địa bàn huyện Cầu Kè đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhờ đó mà chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện nâng lên rõ nét.  

 

Anh Lý Sô Phia (người ngồi ngoài cùng bên trái), ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền thoát nghèo bền vững nhờ nổ lực vượt qua khó khăn

      Đón mừng Tết Chôl-Chnăm-Thmây cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer năm nay đối với gia đình anh Lý Sô Phia, ở ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền vô cùng phấn khởi vì được thoát nghèo và kinh tế gia đình anh có phần phát triển khá ổn định. Anh Sô Phia cho biết, trước đây do gia đình ít đất canh tác lại thiếu vốn đầu tư sản xuất nên gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, năm 2015 anh được xét vay số vốn 70 triệu đồng để chuyển đổi sản xuất, với số tiền được hỗ trợ anh đầu tư mua 01 con bò cái giống để nuôi, số còn lại anh đầu tư chuyển đổi 03 công đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang lên liếp luân phiên trồng rau màu các loại… bình quân mỗi vụ màu sau khi bán trừ các khoảng chi phí anh còn lời nhuận trên 20 triệu đồng, thấy được hiệu quả từ việc chuyển đổi trồng màu nên được anh duy trì trồng từ đó cho đến nay. Riêng đối với con bò cái giống ban đầu, qua thời gian dài chăm sóc anh đã gầy dựng được 14 con và trong quá trình nuôi đã bán được 08 con bò thịt với số tiền gần 150 triệu đồng, hiện đàn bò của anh còn được 06 con, ước tổng giá trị trên 130 triệu đồng. Mặc dù trước đây gia đình anh Sô Phia thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng nhờ biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt nên hiện nay gia đình của anh đã thoát nghèo bền vững. Anh Lý Sô Phia chia sẻ:  “Hồi trước gia đình cũng khó khăn, rồi nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn trồng trọt, chăn nuôi, bây giờ gia đình thoát nghèo, dành dụm được một số tiền cất nhà. Năm nay Tết Chôl Chnăm Thmây ăn tết sun túc cũng không quên phòng chống Covid-19”.

 

Gia đình chị Sơn Thị Sa Rai, ở ấp 3, xã Phong Phú thoát nghèo bền vững nhờ có con đi xuất khẩu lao động

      Bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Khmer như về nhà ở, đất ở, vốn chuyển đổi ngành nghề, trợ giá, trợ cước thì việc tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững cho người dân nên trong thời gian qua các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Cầu Kè đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, từ đó nhiều gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động đã thoát nghèo bền vững và vươn lên khá, giàu ở địa phương, trong đó có không ít hộ đồng bào dân tộc Khmer. Điển hình như gia đình chị Sơn Thị Sa Rai, ở ấp 3, xã Phong Phú có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững cũng nhờ có đứa con đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Qua trao đổi chị Sa Rai chia sẻ: Cách đây hơn 03 năm gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhận thấy lợi ích của việc xuất khẩu lao động nên chị đã động viên con trai lớn của mình đăng ký đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng 3 năm ở Nhât Bản, làm công nhân cho một công ty xây dựng, với mức lương 40 triệu đồng/tháng. Do có công việc làm và mức thu nhập ổn định nên sau khi hết thời gian hợp đồng lao động con trai của chị tiếp tục xin gia hạn thêm hợp đồng để được tiếp tục làm việc và tích lũy thêm tài chính. Chị Sa Rai cho biết thêm, từ khi con trai đi xuất khẩu lao động mà gia đình chị đã có nhiều khởi sắc hơn nhờ số tiền hơn 20 triệu đồng mỗi tháng con trai gửi về. Chị Sa Rai phấn khởi nói: “Tôi có thằng con trai đi Nhật mỗi tháng gửi về cũng được 20 triệu, năm nay ăn tết vui vẻ, khỏe và đầy đủ hơn hồi trước chút. Hiện tại gia đình cũng khỏe thấy thoải mái hơn”.

 

Đón tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyển năm 2022 đồng bào dân tộc Khmer trong huyện Cầu Kè chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

           Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm trên 33% so với tổng số hộ dân toàn huyện, bên cạnh việc hỗ trợ kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, thì trong những năm qua huyện Cầu Kè còn được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, vui chơi, sản xuất, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe của bà con ở địa phương. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer được kéo giảm xuống còn gần 63 hộ, chiếm 0,6% so tổng số hộ Khmer của huyện. Trao đổi với chúng tôi về chính sách phát triền toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương, ông Sơn Oanh Rươne, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cầu Kè cho biết: “Trong thời gian qua thì Phòng Dân tộc cũng đã phối hợp với các Phòng, Ban, Ngành huyện cũng như là UBND các xã, thị trấn đã triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, như là hỗ trợ về đất ở, nhà ở, vốn sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, tư vấn, giới thiệu giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc trong và ngoài tỉnh cũng như là đưa lao động xuất khẩu ra nước ngoài làm việc có thời hạn. Ngoài ra, mới đây thì cũng có hỗ trợ chính sách giúp cho đối tượng bệnh dịch Covid-19, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, cũng tạo điều kiện cho bà con có điều kiện để phát triển thoát nghèo bền vững theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh cũng như của Huyện ủy Cầu Kè. Nhìn chung trong năm 2022 trên địa bàn huyện đối với đồng bào dân tộc Khmer đón mừng Chôl Chnăm Thmây tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thì có phần sun túc hơn so với các năm trước khi mà đại dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát”.

          Có thể nói, sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay ở Cầu Kè đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương đối với sự phát triển về mọi mặt. Đây cũng là động lực giúp cho bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện tiếp tục hăng hái lao động sản xuất và xây dựng tạo thêm các công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào thi đua, mang lại sự khởi sắc cho từng phum, sóc./.

 

                                                                                 Bài, ảnh: Tấn Lập

 

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 134
  • Trong tuần: 1 467
  • Tất cả: 4228261
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.