Cầu Kè chú trọng khai thác phát triển tiềm năng du lịch khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát

  Huyện Cầu Kè nằm cách Trung tâm tỉnh Trà Vinh trên 40 km, do có địa hình nằm ven sông Hậu, sông ngòi chằng chịt, nước ngọt, phù sa bồi đắp quanh năm là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn gắn với mở rộng phát triển tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa truyền thống.

 

Khu du lịch sinh thái ở cù lao An Lộc, xã Hòa Tân điểm đến lý tưởng của du khách

   Huyện Cầu Kè có 03 ấp cù lao là: Tân Qui I, Tân Qui II, xã An Phú Tân và ấp An Lộc, xã Hòa Tân nằm giữa sông Hậu cây trái rất trù phú là địa điểm lí tưởng hấp dẫn cho phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, hàng năm vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch, thưởng ngoạn không khí trong lành và được thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương. Hiện nay huyện Cầu Kè được nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài…và là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, với hơn 8.200 ha, tập trung nhiều ở các xã: An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới và Tam Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã cho sản lượng thu hoạch gần 110.000 tấn trái đem lại nguồn thu nhập cho người dân hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh các sản phẩm trái cây đặc sản trên, Cầu Kè còn nổi tiếng với sản phẩm dừa Sáp (còn gọi là dừa đặt ruột, dừa kem) dùng để chế biến các loại thức ăn, nước uống sinh tố rất bổ dưỡng mà không có địa phương nào có loại trái cây này. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha  dừa sáp, được trồng tập trung nhiều ở các xã: Hòa Tân, Hòa Ân và thị trấn Cầu Kè, với số lượng hơn 174.000 cây, tương đương 699 hécta.

 

        Ngoài ra, Cầu Kè còn được mọi người biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là vùng căn cứ của Tỉnh ủy Trà Vinh, miền Tây Nam bộ và được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chiến dịch Cầu Kè 1949, cũng là nơi sản sinh ra người con anh hùng, giàu tinh thần yêu nước, kiên trung: Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch) là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, đồng thời Cầu Kè còn là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích cổ, di tích lịch sử văn hóa cách mạng đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng như: di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch, chùa Xóm Lớn, ở xã Châu Điền; di tích lịch sử cách mạng Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ, ở xã Tam Ngãi, di tích lịch sử nhà cổ Cầu Kè, ở thị trấn. Đặc biệt, điểm tín ngưỡng Minh Đức Cung (chùa Ông Bổn), xã Hòa Ân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật, đây là ngôi chùa cổ kính được xây dựng cách đây hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo “nội công ngoại quốc” và hiện ngôi chùa này còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Hoa. Ngoài ra, toàn huyện còn có 22 ngôi chùa  Khmer, với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer.

 

Khách du lịch đến tham quan lễ Vu Lan Thắng Hội của đồng bào Hoa  (trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19)

        Đồng thời ngày nay trên địa bàn huyện vẫn còn bảo tồn được những giá trị về văn hóa phi vật thể, với những lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa. Cụ thể như hàng năm (từ ngày 8 – 28/7 Âl) trên địa bàn huyện diễn ra lễ hội “Vu Lan Thắng Hội”, là một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức đan xen tại 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa như: Vạn ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi  và điểm Vạn Niên Phong Cung, khóm I, thị trấn Cầu Kè, qua đó đã thu hút hàng chục ngàn khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ hội. Tuy nhiên năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên huyện không tổ chức lễ hội “Vu Lan Thắng Hội” tại các điểm tín ngưỡng của người Hoa, năm 2022 khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát dự kiến lễ hội “Vu Lan Thắng Hội” sẽ được tỉnh chọn tổ chức qui mô cấp tỉnh kết hợp tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá những sản phẩm đặc trưng của huyện Cầu Kè, đây hứa hẹn sẽ thu hút một lượng khách du lịch đến với huyện trong thời gian tới.

 

Du khách đến tham quan nhà cổ Cầu Kè trước khi xảy ra dịch Covid-19

        Cũng chính vì những lợi thế trên, trong những năm qua huyện Cầu Kè đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, các tổ chức Quốc tế cùng huy động nội lực và sức dân đóng góp để để đầu tư nâng cấp mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái và lễ hội văn hóa truyền thống ở huyện. Đặc biệt, tháng 6 năm 2022 vừa qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh bàn giao tượng “Người mẹ cầm súng” cho huyện và bức tượng được đặt tại sảnh Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, bức tượng được phác thảo qua “Bức chân dung Người mẹ cầm súng” thể hiện lời dặn dò các con trước khi ra chiến trường. Hiện nay Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út đã được xây dựng cũng như bố trí, sắp xếp tái hiện lại hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Út năm xưa và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng của chị Út trong thời kì chiến tranh, đặc biệt là được dựng tượng Người mẹ cầm súng nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út tại trung tâm khuôn viên Khu tưởng niệm, đây được xem là địa chỉ đỏ để du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của chị Út nói riêng, của Đảng bộ, quân và Nhân dân huyện Cầu Kè nói chung trong thời gian tới.

 

Du khách tham quan tượng Người mẹ cầm Súng

       Trong 06 tháng đầu năm 2022 huyện Cầu Kè đã thu hút gần 7.100 lượt khách du lịch đến với địa phương, nhìn chung lượng khách du lịch đến với huyện trong thời gian gần đây có phần tăng trở lại, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các ngành, địa phương trong huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng, nhằm từng bước kích hoạt lại hoạt động ngành du lịch của địa phương. Có thể nói du lịch là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh do dịch Covid-19. Tuy nhiên hiện nay du lịch Việt Nam nói chung, các hoạt động du lịch ở tỉnh Trà Vinh cũng như ở huyện Cầu Kè nói riêng đang dần phục hồi phát triển trở lại thích ứng, an toàn hiệu quả trước tình hình dịch bệnh Covid-19, hy vọng đây sẽ là điều kiện tốt để các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện sẽ sớm phục hồi trở lại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện và nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là nâng cao thu nhập đối với những hộ đầu tư các ngành nghề phục vụ cho du lịch trên địa bàn huyện./.

                                                                               Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 2 482
  • Tất cả: 4226953
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.