Ông Phạm Văn Thành, ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh một tấm gương thương binh vượt khó thoát nghèo

    Trong những năm qua trên địa bàn huyện Cầu Kè đã có không ít thương binh, mặc dù mang trên mình nhiều thương tật, nhưng với tinh thần “Tàn nhưng không phế”, vẫn không trông chờ, ỷ lại sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước mà đã cố gắng vượt qua nổi đau của thương tật, khó khăn để chiến thắng với cái nghèo như thương binh 3/4 Phạm Văn Thành, ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh là một điển hình.

 

Ông Phạm Văn Thành (người đứng ngoài cùng bên trái) kiểm tra nhân công lao động chăm sóc ngò gia

      Theo lời kể của ông Phạm Văn Thành, vào năm 1965 khi đó ông mới 15 tuổi theo tiếng gọi của Đảng, của cách mạng ông đã tham gia làm nhiệm vụ giao liên ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ. Đến năm 1967 ông tham gia Điện quân huyện Châu Thành, năm 1968 trong một lần tham gia đánh địch ông đã bị thương và bị địch bắt đưa đi giam giữ ở nhà tù Phú Quốc, đến năm 1973 ông được địch trao trả tù binh. Năm 1974 ông tham gia công tác ở Trường huấn luyện đặc công Trung Đoàn 3, sư 330, đến năm 1978 ông tiếp tục tình nguyện tham gia chiến dịch biên giới và đến năm 1979 sau khi tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia ông xuất ngũ về với gia đình mang trên mình thương tật với tỉ lệ 3/4. Sau khi về với gia đình, những năm đầu do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất nên cuộc sống luôn chật vật, nhưng bằng ý chí của người lính Cụ Hồ cùng với niềm tin trong cuộc sống, thương binh Phạm Văn Thành đã quyết tâm vượt qua số phận. Ông tìm tòi học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm đến các gương sản xuất giỏi học hỏi kinh nghiện và cách làm hay để áp dụng vào thực tế, từ đó kinh tế của gia đình từng bước được cải thiện. Với 05 công đất ruộng được cha mẹ cho sau khi lập gia đình ra ở riêng, ông chuyển sang lên liếp trồng các loại cây ăn trái. Nhờ có tính cần cù siêng năng lao động, tiết kiệm trong chi tiêu và biết tích luỹ nên qua bao năm tháng miệt mài lao động đến nay gia đình ông đã có cuộc sống khá ổn định, hiện tại ông sở hữu trên 04 hécta diện tích trồng dừa, bình quân mỗi tháng ông có thu nhập từ việc bán dừa khô hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Thành còn kết hợp trồng ngò gai xen trong vườn dừa, mỗi tháng ông thu nhập từ bán ngò gai cũng trên 05 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư trang thiết bị máy móc để xay mụn dừa làm phân bán cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, bình quân mỗi tháng ông xuất bán trên dưới 200 bao mụn dừa, sau khi trừ các khoảng chi phí ông còn lợi nhuận gần 10 triệu đồng. Nói về nghị lực vươn lên thoát nghèo của mình, ông Phạm Văn Thành cho biết: “Khi rời quân ngũ về nhà thì lúc bấy giờ gia đình rất khó khăn, con nhỏ, đất sản xuất thì ít, chưa am hiểu gì về kỹ thuật nên cuộc sống thiếu đủ thứ. Nhưng bản thân không cam chịu số phận, bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, làm mọi cách để cải thiện kinh tế gia đình. Mình áp dụng phương pháp lấy ngắn nuôi dài, trên trồng cây ăn trái, dưới trồng xen hoa màu, mương nuôi cá, rồi kết hợp nuôi thêm heo, gà, vịt. Trong chi tiêu thì mình cũng phải tiết kiệm, cái nào đáng chi thì mình mới chi, không phun phí. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình càng ngày càng được cải thiện và cuộc sống sung túc hơn”.

 

Ông Phạm Văn Thành (người đứng thứ 2 bên phải qua) tận dụng phụ phẩm từ dừa của gia đình để sản xuất phân bón

         Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Phạm Văn Thành còn là người chồng, người cha, người ông mẫu mực trong gia đình. Bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong cách thức làm ăn, tạo điều kiện giúp đở những hội viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương để có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Thành cho biết thêm: “Khi cuộc sống mình có chút dư thì tôi cũng sẵn sàng giúp đở, hỗ trợ đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn như là vốn, con giống, rồi hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, giúp nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó thì hàng năm tôi cũng trích một tháng lương thương binh để đóng góp cho quỹ khuyến học ở địa phương, cùng chung tay chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước”.

      Nhận xét về tấm gương thương binh vượt khó thoát nghèo của ông Phạm Văn Thành, ông Ông Thành Tại, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cầu Kè nói: “Đối với đồng chí Thành thì phải nói đây là tấm gương thương binh tàn nhưng không phế, đồng chí luôn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, bằng nghị lực của mình tự vươn lên trong cược sống, không trông chờ vào sự chăm lo của Đảng, Nhà nước. Phải nói đồng chí Thành là một hội viên Cựu chiến binh, đồng thời là một thương binh tiêu biểu đáng được biểu dương, nhân rộng để hội viên Cựu chiến binh trong toàn huyện học hỏi làm theo”.

      Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng hình ảnh những người lính chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc năm nào vẫn sống mãi trong lòng Tổ quốc và nhân dân. Thời chiến, những người lính chiến đấu vì độc lập tự do đất nước, còn trong thời bình họ luôn cần cù lao động sản xuất, vững vàng tiến về phía trước để chiến thắng với đói nghèo như ý chí, nghị lực của thương binh hạng 3/4 Phạm Văn Thành, ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh là một minh chứng “Tàn nhưng không phế” đáng được phát huy, biểu dương và trân trọng./. 

                                                                                                                                                                                                                                          

                                                                            Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 251
  • Trong tuần: 23 998
  • Tất cả: 4199395
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.