Ghi nhận những thành tựu nổi bật của huyện Cầu Kè năm 2022

        Năm 2022 đã đi qua, đây cũng là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội bộ huyện Cầu Kè lần thứ XII, nhiệm kì 2020-2025. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nổ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân trong huyện đã triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết năm đã đề ra, góp phần đưa kinh tế- xã hội của huyện nhà tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng và phát triển ổn định.

 

Đường chính dẫn vào trung tâm huyện

      Trong năm 2022, Nghị quyết Huyện ủy đề ra 21 chỉ tiêu thì có 15 chỉ tiêu thực hiện vượt kế hoạch. Cụ thể: Về giá trị sản xuất trên địa bàn huyện, trong năm thực hiện ước đạt gần 17.495 tỷ đồng, tăng 13,64% so với năm 2021; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.968 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ; thu ngân sách 62 tỷ đồng, đạt gần 150% so dự toán tỉnh giao. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong năm đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thổ nhưỡng, đất đai của địa phương nên đã góp phần ổn định tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân. Về cây lúa, trong năm toàn huyện xuống giống được trên 22.990 hécta, đạt 96,3% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 125.170 tấn. Ông Huỳnh Văn Năng, ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú nói: “Lúa thì có kết hợp với Công ty Lộc Trời, làm ở xã Phong Phú thì cũng được 6 điểm ở 6 ấp, Công ty Lộc Trời hỗ trợ giống, thuốc trả sau, năm nay lúa bán có giá, Tết Quý Mão 2023 bà con ăn Tết phấn khởi”.

 

Sử dụng máy bay để phun thuốc giúp bà con giảm chi phí sản xuất

        Về cây màu gieo trồng được gần 9.100 hécta, tăng 266 hécta so năm 2021, ước sản lượng thu hoạch đạt trên 199.350 tấn. Ngoài ra, trong năm huyện còn vận động nông dân cải tạo, chuyển đổi trồng mới được gần 340 ha vườn cây ăn trái, với các loại cây ăn trái chủ lực được trồng phổ biến như: Cam sành, dừa sáp, mít Thái, vú sữa, bưởi da xanh, xoài, thanh nhãn… Nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện đến nay có trên 7.860 hécta, trong năm đã cho sản lượng thu hoạch đạt trên 192.400 tấn trái. Phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm từng bước được khôi phục phát triển sau dịch bệnh, với tổng đàn heo trên 58.320 con, đàn bò 23.285 con, đàn gia cầm, chủ yếu là gà, vịt trên 1,1 triệu con. Bên cạnh đó, phong trào nuôi thủy sản tiếp tục tăng qui mô về diện tích mặt nước thả nuôi, với trên 777 hécta, sản lượng thu hoạch tôm, cá nuôi kết hợp khai thác đánh bắt tự nhiên trên 16.560 tấn đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu kè chia sẻ: “Sau khi dịch bệnh Covid-19 kiểm soát thì thấy đời sống kinh tế nói chung của dân chung huyện phát triển tốt, riêng đồng bào dân tộc Khmer được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước sản xuất được phát triển đi lên. Về cơ sở hạ tầng thì được triển khai thực hiện nhiều công trình phúc lợi xã hội. Về tình hình kinh tế có bước phát triển đi lên, năm 2021 vì bị dịch bệnh hoành hành nên trựng lại nhưng mà đến 2022 thì đời sống kinh tế-xã hội phát triển rất đáng kể. Đạt được như vậy là nhờ tập trung lãnh đạo của huyện, sự lãnh đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, sự đồng tình của các địa phương cho nên mới đạt được kết quả rất là đáng mừng”.

 

Năm 2022 phong trào nuôi thủy sản ở huyện Cầu Kè  được phát triển mở rộng

       Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được khuyến khích mở rộng, trong năm huyện được UBND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định thành lập Cụm công nghiệp An Phú Tân, ở ấp An Hòa, xã An Phú Tân, có diện tích khoảng 20 hécta. Ngoài ra, trong năm huyện còn kêu gọi công ty Lan Anh, ở tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến thực phẩm, dự kiến trong quí I năm 2023 đưa vào hoạt động, qua đó sẽ góp phần giải quyết việc làm cho gần 500 lao động ở địa phương. Đồng thời huyện cũng mời gọi Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Hoàng Tân đầu tư xây dựng Chợ chuyên doanh nông sản và trái cây ở ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới. Quy mô chợ có diện tích 17.910 mét vuông, công suất thiết kế 200 điểm kinh doanh; Sản phẩm, dịch vụ cung cấp: Mặt bằng kiot, lô sạp cho thuê. Tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. Dự kiến Chợ chuyên doanh nông sản và trái cây ở ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quí tư (IV) năm 2023, qua đó sẽ góp phần tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông sản cũng như trái cây của bà con nông dân trong huyện nói chung và các khu vực lân cận nói riêng. Mặc khác, trong năm huyện đã vận động thành lập mới 43 doanh nghiệp, nâng toàn huyện có 186 công ty, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong năm giá trị sản xuất đạt trên 1.000 tỷ đồng.

 

Chợ chuyên doanh nông sản và trái cây ở ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới đang trong giai đoạn xây dựng

    Lĩnh vực thương mại, dịch vụ được phục hồi nhanh và duy trì ổn định sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kì. Trên lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội cũng được quan tâm, trong năm huyện đã triển khai xây dựng cơ bản 44 công trình, với tổng số vốn đầu tư trên 144 tỷ đồng, các công trình thi công hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân, tạo cho bộ mặt nông thôn của huyện nhà ngày càng đổi mới và phát triển toàn diện. Anh Lê Văn Huấn, ở ấp Mỹ Văn, xã Ninh Thới nói: “Trong những tháng đầu năm 2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp sau đó được kiểm soát bà con rất phấn khởi. Thứ 2 nữa về cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh bà con đi lại rất dễ dàng. Thứ 3 nữa là về cây ăn trái cũng được ổn định, thu nhập kinh tế bà con ổn định, đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 sun túc hơn so với năm rồi”.

       Trao đổi với chúng tôi về sự phát triển đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Kè chia sẻ: “Tôi thấy Cầu Kè mấy năm gần đây phát triển rất tốt, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, trước hết phải nói về xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội trong đó giao thông. Bây giờ các ấp vùng sâu đều có đường đi, nhiều nơi có đường nhựa, rồi đường đanl. Thứ 2 là về sản xuất đời sống thì thấy phát triển nông nghiệp toàn diện ở Cầu Kè rất là tốt, về lúa, cây ăn trái, tạo những điểm nhấn đáng chú ý là các điểm du lịch, Cầu Kè có nhiều dạng du lịch rất là tốt. Tôi cũng hy vọng rằng các đồng chí cũng như bà con quê hương Cầu Kè tiếp tục phát huy truyền thống huyện anh hùng để làm thế nào tiếp tục giữ vững, rồi khắc phục những khó khăn để đưa Cầu Kè phát triển trong thời gian tới, làm cho bộ mặt cũng như đời sống của người dân về vật chất, văn hóa tinh thần ngày càng tốt hơn”.

 

Lượng khách du lịch rất đông đến tham dự lễ Vu Lan Thắng Hội năm 2022

      Lĩnh vực văn hoá -xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục- đào tạo được tăng cường và phát triển cả về cơ sở vật chất và qui mô trường lớp. Trong năm huyện được tỉnh kiểm ta công nhận hoàn thành kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2022. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Về lĩnh vực du lịch, sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương nên du lịch của huyện Cầu Kè có hướng phục hồi trở lại. Trong năm có khoảng 29.218 lượt khách du lịch các nơi trong và ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm, tăng hơn 27.000 lượt khách so năm 2021. Song song đó, công tác chăm lo giải quyết các chính sách về an sinh xã hội cũng được huyện quan tâm, vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 113 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương trao tặng cho gia đình chính sách, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Tạo việc làm mới cho gần 3.790 lao động, đưa 121 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Với các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất của Nhà nước và sự chung tay vận động giúp đở của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, sự nổ lực vươn lên của từng hộ dân, qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 0,9%, hộ cận nghèo giảm còn 3,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,68 triệu đồng/người/năm, tăng 2,8 triệu đồng so năm 2021. Cùng với đó, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng được các ngành, địa phương quan tâm triển khai quyết liệt, trong năm huyện có 02 xã về đích nông thôn mới nâng cao là: Hòa Tân và Châu Điền, xã An Phú Tân về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện giữ vững các tiêu chí huyện nông thôn mới. Công tác Quốc phòng-An ninh được tăng cường giữ vững ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

 

Đ/c Nguyễn Hoàng Khải, TUV, Bí thư HU Cầu Kè trao giấy khen cho các tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2022

      Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, trong năm Huyện ủy đã tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; chú trọng đổi mới về tổ chức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Đồng hành cùng người nghèo”; xây dựng và triển khai thực hiện mô hình Dân vận khéo “Nghe dân nói-Làm dân tin”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trao đổi với chúng tôi về công tác lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết trong năm 2022, đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, TUV, Bí thư HU, Chủ tịch HĐND huyện Cầu Kè nói: “Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng huyện Cầu Kè lần thứ XII, đây là một trong những năm rất là khó khăn, tại vì sau đại dịch thì tất cả đều phải phục hồi, tình hình kinh tế lúc này hơi yếu, chính vì vậy Huyện ủy đã tập trung dồn sức ban hành các Nghị quyết Chuyên đề để tổ chức lãnh đạo chỉ đạo thực hiện và đến cuối năm 2022 đã tổ chức thắng lợi 21 chỉ tiêu, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt. Năm 2022 phải nói quá trình lãnh chỉ đạo, điều hành thì trong đó chúng tôi chọn điểm, đặc biệt là phát triển kinh tế-xã hội, đến cuối năm các nguồn thu trên địa bàn đạt và vượt, đặc biệt là thu ngân sách năm nay vượt rất cao, tỷ lệ phát triển sản xuất, tất cả các loại hình khác trên địa bàn huyện đều phát triển rất nhanh, ổn định tư tưởng đời sống người dân, người dân thì có việc làm ổn định, an ninh trật tự, chính trị, xã hội trên toàn huyện thì được giữ vững”.

         Có thể nói những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong năm 2022 có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục bứt phá trên những chặng đường mới, góp phần xây dựng huyện Cầu Kè anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hướng tới xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023 theo Nghị quyết Huyện ủy đã đề ra, để mỗi mùa xuân về trên quê hương thêm rạng rỡ, để mỗi người, mỗi nhà có thêm niềm vui và tràn đầy hạnh phúc mỗi khi Tết đến, Xuân về./.

 

                                                                               Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 126
  • Trong tuần: 1 459
  • Tất cả: 4228253
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.