Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng gấc ở xã Hòa Ân
Hiện nay sản phẩm từ gấc đang là nguồn nguyên liệu chính được sử dụng trong việc chế biến tinh dần dược liệu và sản xuất các loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian gần đây một số hộ nông dân trên địa bàn xã Hòa Ân đã mạnh dạn chuyển đổi đưa cây gấc vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cây gấc góp phần mang lại kinh tế ổn định cho người dân ở xã Hòa Ân

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ân cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã đã có hơn 100 hộ dân chuyển đổi gần 30 hécta từ các diện tích vườn tạp, già cỏi và diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây gấc. Hầu hết các hộ trồng gấc đều có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cùng diện tích đất sản xuất các loại cây trồng truyền thống của gia đình trước đây. Anh Ngô Hiền Hòa, ở ấp Giồng Lớn là một trong những người đầu tiên đưa cây gấc về trồng ở địa phương, ban đầu anh trồng thử nghiệm 30 gốc, thấy cây gấc thích nghi với vùng đất ở địa phương và cho năng suất cũng như lợi nhuận kinh tế khá cao, anh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi 05 công đất giồng cát của gia đình sang trồng gấc, hiện nay vườn gấc của anh sinh trưởng tốt, cho trái say và đang bước vào giai đoạn thu hoạch, bình quân mỗi tuần thu hoạch từ 800-1.000 kg gấc thương phẩm, với giá bán hiện nay 7.500đ/kg, sau khi trừ các khoảng chi phí sản xuất anh Hòa còn lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng/tháng, với nguồn thu nhập khá ổn định từ việc trồng cây gấc đã giúp gia đình anh Hòa khấm khá hơn trước rất nhiều. Anh Hòa phấn khởi nói: “Đất ở đây nào giờ tôi không có trồng gì hết bỏ hoang không hà, tôi mới cải tạo trồng được lần rồi mới trồng thêm. Rất mai mắn được Hợp tác xã Việt Thành cung cấp vốn, giống, phân, kỹ thuật rồi bao tiêu đầu ra cho nên bà con chúng tôi rất an tâm để trồng gấc, tương lai sau này tôi mở rộng ra trồng thêm một số nữa. Từ khi trồng gấc tới giờ tôi thấy gia đình rất là ổn định, có thu nhập, tuần hái lần cũng được vài trăm kg sống rất khỏe”.

Anh Ngô Hiền Hòa, ở ấp Giồng Lớn chăm sóc vườn gấc của gia đình

Theo các hộ trồng gấc cho biết thêm: Gấc là loại cây dễ trồng, thích nghi với thổ nhưỡng ở địa phương, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, từ khi trồng đến thu hoạch trái là 6 tháng, thời gian thu hoạch trái kéo dài từ 1,5 đến 2 năm, sau đó người trồng cắt bỏ dây chừa lại gốc tiếp tục chăm sóc sau 04 tháng sẽ cho thu hoạch trái tiếp và chu kỳ thu hoạch liên tục từ 10 đến 15 năm. Hơn nữa cây gấc hiện nay ít bị mắc các loại sâu bệnh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng của thị trường hiện nay đang rất lớn nên giá gấc thương phẩm luôn ở mức cao nên người trồng gấc có nguôn thu nhập khá ổn định. Anh Ngô Na, ở ấp Thông Thảo là một trong những hộ dân ở địa phương có thu nhập kinh tế gia đình khá ổn định từ việc trồng gấc nói: “Qua quá trình trồng thì thấy cây gấc đạt kinh tế cao hơn so với cây trồng khác, giá cả lúc cao thì 17.000 đ, còn trung bình thì 7.000 đ. Từ khi trồng gấc tới giờ thì thấy gia đình khấm khá hơn trước”.

Hợp tác xã Việt Thành, ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân bao tiêu gấc
thương phẩm cho bà con ở địa phương

Được biết, hiện nay các hộ trồng gấc ở xã Hòa Ân đều được Hợp tác xã Việt Thành, ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân ký kết cung ứng cây giống, phân thuốc, kỹ thuật sản xuất, đặc biệt là bao tiêu đầu ra trái gấc thương phẩm, nếu giá thị trường tăng lên thì Hợp tác xã thu mua gấc của bà con theo giá thị trường, nếu giá tuột giảm xuống thấp hơn 6.000 đ/kg thì Hợp tác xã vẫn thu mua với giá 6.000 đ/kg, đảm bảo cho bà con trồng gấc có lợi nhuận. Cũng từ sự liên kết này mà bà con trồng gấc ở xã Hòa Ân an tâm chuyển đổi các diện tích vườn tạp, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây gấc. Ông Thạch Lành, ở ấp Giồng Lớn chia sẻ: “Từ khi tôi trồng gấc giá cả cũng ổn định, tôi bán cho Hợp tác xã 01 kg 7.000 đ. Từ khi tôi trồng gấc gia đình tôi cũng ổn định, thoải mái”.

Ông Kiên Tâm, thành viên Hợp tác xã Việt Thành, ở xã Hòa Ân cho biết thêm: “Về phía Hợp tác xã chúng tôi sẽ đảm bảo cho bà con nông dân cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong thời gian suốt mùa vụ cho bà con nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Về giá cả thì Hợp tác xã sẽ mua theo giá thị trường cho bà con nông dân, giá lên thì Hợp tác xã sẽ mua theo giá lên còn nếu giá cả sụt giảm thì phía Hợp tác xã sẽ bao tiêu giá ổn định từ 6.000 đ trở lên làm sao để bà con nông dân trồng có lợi nhuận”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây gấc mang lại, Đảng ủy, UBND xã Hòa Ân đã xác định nhân rộng và đưa cây gấc vào chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nhất là hiện nay bệnh dịch tả heo Châu Phi đang bùng phát trên diện rộng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất cũng như đời sống của bà con nhân dân ở địa phương. Do đó, việc chuyển đổi sang trồng cây gấc có thể được xem là hướng đi phù hợp hiện nay trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ân nói: “Qua thời gian theo dõi chuyển đổi mô hình trồng gấc của bà con nông dân trên địa bàn xã Hòa Ân thì thấy rằng cây gấc rất là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn xã, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Do đó UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để mở rộng diện tích, bởi vì hiện nay trên địa bàn xã có Hợp tác xã Việt Thành đã biêu tiêu sản phẩm cho bà con nên bà con cũng an tâm chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng gấc để tăng sản lượng và tăng thu nhập cho bà con nông dân, nâng cao cuộc sống”.

Cây gấc đang được xã Hòa Ân định hướng phát triển trong thời gian tới

Hiệu quả kinh tế mà cây gấc mang lại đã và đang được khẳng định, trong thời gian tới cùng với việc định hướng người dân phát triển cây gấc thành sản phẩm hàng hóa, Chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng trồng tập trung, tránh manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Ngoài ra, cũng cần khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt trước khi chưa liên kết đầu ra ổn định dẫn đến nguồn cung vượt cầu, lại rơi vào điệp khúc được mùa mất giá như những loại cây trồng khác./.

  Bài, ảnh: Tấn Lập
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 91
  • Trong tuần: 1 424
  • Tất cả: 4228218
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.