Bà con đồng bào Khmer ở xã Hòa Tân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế

        Hòa Tân là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Cầu Kè, chiếm hơn 50% dân số chung của xã và đa phần sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến đổi khí hậu, hạn mặn kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, thu nhập kinh tế cũng như đời sống của người dân. Trước tình hình trên, có một số hộ đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương đã nhạy bén, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và đã cho hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, từ đó đưa cuộc sống gia đình ổn định hơn.

   

Anh Thạch Danh chăm sóc vườn dừa sáp của gia đình

      Anh Thạch Danh, ở ấp Chông Nô 3 là một trong những hộ đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương mạnh dạn đi đầu chuyển đổi sản xuất phù hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao. Qua trao đổi anh Danh cho biết: Với diện tích 3,5 công đất ruộng mỗi năm sản xuất 03 vụ lúa sau khi thu hoạch trừ các khoảng chi phí còn lợi nhuận không được bao nhiêu, sau khi bị mất trắng do ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm 2016, sang năm 2017 anh quyết định chuyển đổi 3,5 công đất ruộng của gia đình sang lên liếp trồng hơn 200 gốc chanh không hạt và trồng xen gần 100 cây dừa dáp. Hiện vườn chanh của anh đã cho trái hơn 03 năm nay, bình quân mỗi năm cho thu hoạch trên dưới 3 tấn trái thương phẩm, với giá bán giao động từ 6000-25.000đ/kg, trừ các khoảng chi phí anh cũng còn lợi nhuận trên 40 triệu đồng mỗi năm. Riêng cây dừa sáp thì đang cho trái và thu hoạch được 05 đợt, mỗi đợt anh cũng thu về được 03 triệu đồng từ việc bán dừa sáp và bán dừa khô. Từ nguồn thu nhập ổn định này mà hiện nay anh Thạch Danh có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều và đón tết Chôl Chăm Thmây cổ truyền năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên gia đình đã chấp hành nghiêm các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh nên tổ chức ăn tết đơn giản hơn. Anh Danh chia sẻ: “Trong thời gian qua tình hình biến đổi khí hậu hạn mặn rất là phức tạp do đó tôi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh xen với dừa sáp. Sau thời gian chuyển đổi thì tôi thấy tình hình kinh tế cũng rất là ổn định, trong Tết Chôl Chăm Thmây năm nay gia đình cũng tổ chức ăn đơn giản để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ”.

 

Anh Thạch Minh (người đội nón bảo hiểm) trao đổi quá trình sản xuất với lãnh đạo UBND xã Hòa Tân

     Cũng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình khô hạn mặn nên anh Thạch Minh, ở ấp Chông Nô 2 cũng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng mãng cầu gai và trồng xen đu đủ. Anh Minh cho biết: Do vùng đất của gia đình nằm ở vùng gò cao nên thường bị thiếu nước vào mùa khô, hơn nữa trong vài năm trở lại đây nước mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng nên rất khó khăn trong việc sản xuất lúa. Tháng 9 năm 2019 anh quyết định chuyển đổi 2,5 công đất trồng lúa của gia đình sang trồng 300 gốc mãng cầu gai và trồng xen 160 cây đu đủ, rau cải các loại theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù trong những tháng đầu năm nay tình hình nước mặn luôn diễn biến gay gắt nhưng diện tích vườn cây ăn trái của anh Minh cũng như của bà con ở địa phương không bị ảnh hưởng của nước mặn, một phần là do hệ thống cống Bông Bót được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt. Hiện vườn đu đủ của anh Minh đang phát triển tốt, trái rất say và cho thu hoạch đúng vào dịp đón tết cổ truyền của dân tộc, thương lái đến tại vườn hỏi mua với giá là 7.000đ/kg nhưng anh chưa chịu bán, ước tổng sản lượng vườn đu đủ của anh trên 7 tấn trái, nếu trong thời gian tới giá cả tăng chút đỉnh thì sẽ cho thu nhập kha khá. Riêng đối với mãng cầu gai cũng đang phát triển tốt, anh đang chuẩn bị lấy trái chiến và hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới. Anh Minh nói: “Từ mặn tôi chuyển đổi cây trồng thấy rất hiệu quả, tôi trồng đu đủ này thấy rất đạt luôn, ngặt cái giá cả chưa được ổn định tôi chưa bán. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay không được vui bao nhiêu tại vì có virút Covid-19 này hoành hành quá, đối với gia đình tôi rồi cả đồng bào dân tộc Khmer nói chung ai cũng tập trung chống dịch, Chôl Chnăm Thmây năm nay đi chùa có thể đi thôi rồi về nhà tập trung chống dịch chứ không có đi lang thang vui vẽ trong chùa cả gia đình luôn không có tập trung lại nhiều người vui vẽ như mọi năm”

      Có thể nói, nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước cộng với sự nổ lực phấn đấu vươn lên mà trong những năm qua đã có không ít hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã Hòa Tân có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer được kéo giảm xuống còn 45 hộ, chiếm 3% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc Khmer của xã. Đời sống nâng lên, kinh tế ổn định bà con đồng bào dân tộc Khmer tích cực tham gia các phong trào thi đưa yêu nước ở địa phương, đặc biệt từ sự đồng lòng chung sức của người dân trên địa bàn xã nói chung, đồng bào Khmer nói riêng mà đến nay xã Hòa Tân thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, Thượng tọa Thạch Văn, sư cả chùa Chông Nô 3 nói: “Thấy rất là phấn khởi, theo đường lộ thì xanh, sạch, đẹp, nếu mà mình so sánh với hồi trước thì rất là khang trang, sạch đẹp, thấy đời sống của phật tử hiện nay rất là nâng cao rồi, giảm bớt hộ nghèo, phát triển nông thôn mới này theo sư thấy rất là tốt”.  

 

Bà con dân tộc Khmer ở địa phương tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế

       Mặc dù đời sống có bước phát triển khá, bộ mặt nông thôn, phum sóc không ngừng thay da đổi thịt, đây là tín hiệu vui để bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã Hòa Tân đón tết Chôl Chăm Thmây cổ truyền của dân tộc đầm ấm và sun túc hơn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tết cổ truyền năm nay bà con đón tết có phần kém vui, không rơm rả, nhộn nhịp như tết mọi năm, tất cả vì đảm bảo sức khỏe, chung tay phòng, chống và sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Thượng tọa Thạch Văn, sư cả chùa Chông Nô 3 nói: “Không phải là mình ở đây mà cả thế giới luôn cũng có Covid-19 rất là nguy hiểm, Đảng, Nhà nước cũng quan tâm đến mình, để khi nào hết Covid-19, bước qua cái đó mình hãy làm lễ, phát triển sau. Đón tết năm nay mình phải giảm bớt chút đi, tuyên truyền cho phật tử làm thế nào đem cơm vô chùa dâng cho các vị sư rồi mình trở về, thứ 2 nữa cũng tuyên truyền cho phật tử biết đời sống, sức khỏe của mình rất quan trọng, nếu mà mình tránh được thì mình rất vui vẻ, rất phấn khởi”.

 

Mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Hòa Tân được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao

      Trao đổi với chúng tôi về công tác chăm lo phát triển trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã trong thời gian qua, ông Lê Quốc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: “Tình hình kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer năm nay nhìn chung cơ bản phát triển ổn định, xã luôn thực hiện nhiều chủ trương, chính sách cho người đồng bào dân tộc để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của hộ gia đình. Đón tết dân tộc Chôl Chnăm Thmây năm nay trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp thì UBND xã thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như Chỉ thị 04 của UBND tỉnh, tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc đón tết không có tập trung đông người, thực hiện các biện pháp cách ly tại gia đình cũng như tham gia các hoạt động văn hóa khác, rồi thứ 2 nữa là sinh hoạt cộng sồng thì bà con dân tộc mình cũng phải có chấp hành nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị 04 của UBND tỉnh là không có  tụ tập đông người, làm sao đảm bảo sức khỏe ổn định cho bà con trong dịp tết Chôl Chăm Thmây an toàn và tiết kiệm, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19 trong cả nước”.

     Tin rằng với những thành quả trong lao động sản xuất có được hôm nay cùng với sự chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã Hòa Tân sẽ đón mừng tết Chôl Chăm Thmây cổ truyền của dân tộc năm nay trên tình thần đơn giản, an toàn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc và cùng với cả nước ngăn chặn, sớm đẩy lại đại dịch Covid-19, trả lại đời sống thường nhật cho cộng đồng xã hội./.

 

                                                                          Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 95
  • Trong tuần: 2 502
  • Tất cả: 4227275
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.