Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa một tấm gương phụ nữ khởi nghiệp ở xã Phong Phú

    Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” trong thời gian qua đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Cầu Kè hưởng ứng tham gia tích cực. Qua đây đã xuất hiện nhiều gương điển hình phụ nữ trên các lĩnh vực, với tinh thần cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó làm kinh tế giỏi, không những làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Trong này, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, ở ấp Kinh Xáng, xã Phong Phú là một điển hình.

 

Chị Tuyết Hoa (người mặc áo thun xanh) đưa lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ xã tham quan cơ sở của mình

      Chia sẻ về quá trình lập nghiệp, chị Tuyết Hoa cho biết: Trước đây kinh tế gia đình khó khăn, ít đất sản xuất, cố gắng tiết kiệm lắm cũng đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Hơn 10 năm trước nhận thấy nghề đan bàn, ghế và các sản phẩn đồ gia dụng bằng dây nhựa là mô hình sản xuất phi nông nghiệp nhưng có thu nhập ổn định, không bị tủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu, hơn nữa hiện tại ở địa phương lực lượng lao động nông thôn còn thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định, nên chị bàn với gia đình và mạnh dạn mở cơ sở đan gia công các mặt hàng bàn, ghế, đồ gia dụng bằng dây nhựa để xuất khẩu. Từ một cơ sở tạm bợ, lượng lao động lúc ban đầu rất ít, nay chị được địa phương hỗ trợ cho mượn quỹ đất hơn 1.000m2 để mở rộng qui mô cơ sở và giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động nhàn rỗi tại địa phương, chủ yếu là lao động nữ. Chị Tuyết Hoa cho biết thêm: nghề đan bàn, ghế bằng dây nhựa đơn giản, người lao động chỉ cần học khoản một tuần là có thể gia công thành thạo, nghề cũng phù hợp cho mọi đối tượng lao động, chỉ cần chút khéo léo, nhanh tay và tỉ mỉ là làm được, bình quân một lao động tại cơ sở có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Điểm thuận lợi khi làm việc tại cơ sở của chị Hoa là không ràng buộc về thời gian cho nhân công lao động, ngoài làm tại cơ sở nhân công có thể nhận hàng về nhà làm thêm khi rãnh hoặc làm vào buổi tối, miễn là hoàn thành sản phẩm với số nguyên vật liệu theo quy định.

 

Chị Cao Thị Thẩm tham gia đan bàn, ghế tại cơ sở của chị Tuyết Hoa

     Cũng từ công việc này đã giúp cho không ít chị em phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn trước đây ở địa phương, giờ cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như chị Cao Ngọc Thẩm, ở ấp Kinh Xáng, do gia đình có ít ruộng đất để canh tác, kinh tế phụ thuộc vào công việc làm thuê bữa có, bữa không của hai vợ chồng chị nên cuộc sống thường thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi được học nghề đan đát, tham gia làm việc tại cơ sở đan của chị Hoa và được trả tiền công theo sản phẩm nên tranh thủ lúc rãnh thì chị đến cơ sở làm hoặc nhận về nhà làm, bình quân mỗi tháng chị có thu nhập hơn 03 triệu đồng, từ nguồn thu này cũng giúp giải quyết được phần nào các khoảng chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Chị Thẩm chia sẻ: “Làm chổ này tính ra tiện hơn đi làm ăn xa, ở đây thứ nhất là công việc làm ở gần nhà, thứ hai nữa là mình làm vừa chăm con, đưa con đi học, công việc thì làm hàng tháng cũng xây sở điện, nước, con cái đi học cũng được, đủ xây, mình đi làm ăn xa thì chi phí này kia, tiền nhà trọ cũng đâu còn gì nhiêu, ở quê nhà làm cho khỏe hơn, ở đây có công ăn việc làm mỗi ngày, quanh năm suốt tháng không bị gián đoạn, một tháng bình quân tôi làm khoản ba triệu mấy, là vừa coi con mình cũng nghỉ chứ một tháng không làm có suốt”.

    Hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè có không ít lao động đi làm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, mặc dù tiền lương tương đối cao nhưng chi phí cho sinh hoạt cũng không hề thấp, vì thế tiết kiệm lắm xem ra mới có dư chút đỉnh. Đặc biệt là trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã có không ít công ty, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến công nhân thất nghiệp, nhưng đối với cơ sở đan của chị Hoa do đặt tại địa phương nên vẫn duy trì hoạt động bình thường, đều này đã giúp cho các lao động làm việc tại đây có việc làm và thu nhập thường xuyên, cộng với giảm được các khoản chi phí sinh hoạt đi lại, ăn uống, hơn nữa gần nhà tiện cho việc chăm sóc gia đình, con cái. Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, ở ấp Kinh Xáng là một trong những lao động tham gia làm việc tại cơ sở đan của chị Hoa cho biết: Trước đây thu nhập kinh tế của gia đình chủ yếu từ làm ruộng nhưng cũng chẳng có dư giả bao nhiêu. Từ khi có cơ sở đan của chị Hoa, những lúc thời gian nhàn rỗi chị đến làm, hoặc nhận hàng về nhà làm vào ban đêm, mỗi tháng tạo thêm nguồn thu kha khá cho gia đình, qua đó giúp chị lo cho con cái có điều kiện học hành. Chị Tuyết Anh bộc bạch: “Tôi làm ở đây cũng được 6 năm rồi, thu nhập 70, 80 chục ngàn ngày cũng đủ trang trãi cuộc sống trong gia đình, lo cho con đi học, nếu dành dụm cũng dư được chút đỉnh, đở hơn đi làm ăn xa”.

 

Chị Tuyết Hoa kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật đan cho lao động làm việc tại cơ sở của mình

        Có thể nói do tính chất công việc không mấy phức tạp, lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi có thêm thu nhập kinh tế nên hiện nay tại địa phương có nhiều lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ tham gia đan gia công bàn ghế và đồ gia dụng bằng dây nhựa tại cơ sở đan của chị Hoa. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, hợp tác làm ăn với đối tác chị luôn đặc chữ tín và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên hiện nay cơ sở được các công ty ký hợp đồng cung cấp mẫu mã, nguyện vật liệu sản xuất với qui mô số lượng sản phẩm nhiều hơn; đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho lao động, nhờ đó mỗi khi có mẫu sản phẩm mới hầu hết các lao động đều tiếp cận và đan thành thạo các sản phẩm đạt độ thẫm mỹ cũng như chất lượng theo yêu cầu và giao sản phẩm hoàn chỉnh đúng theo hợp động với các công ty. Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, chủ cơ sở đan cho biết: Bình quân mỗi tháng cơ sở giao cho công ty trên dưới 600 sản phẩm bàn, ghế và đồ gia dụng hoàn chỉnh, tương đương 150 bộ sản phẩm, doanh thu sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất và trả lương cho lao động thì còn thu nhập trên dưới 15 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Chủ cơ sở đan nói: “Cơ sở của tôi cũng làm được trên 10 năm rồi, ký hợp đồng với các công ty thì luôn giữ chữ tín hàng hóa đều giao đúng ngày, chất lượng và số lượng. Khi có mẫu mã mới thì sẽ có kỹ thuật triển khai từng mẫu để cho thợ đan làm và đáp ứng đủ tiêu chuẩn kích thước của công ty giao cho mình. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 thì lượng hàng hơi bị giảm xuống nhưng mà bên cơ sở tôi sẽ tạo điều kiện hàng đều đều cho công nhân làm mỗi ngày, có thu nhập ổn định hơn”.

      Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, chăm lo gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa còn tích cực tham gia công tác xã hội, là một trong những hội viên tiêu biểu, năng nổ, nhiệt huyết tham gia các phong trào do Hội liên hiệp phụ nữ phát động. Đặc biệt là chia sẻ, giúp đở chị em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Nhận xét về chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, chị Trần Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Phong Phú nói: “Chị Tuyết Hoa là một trong phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương, thời gian qua chị mạnh dạn mở cơ sở đan gia công, trong quá trình hoạt động chị chịu thương, chịu khó, cần cù, siêng năng lao động, đặc biệt trong chữ tín ở làm ăn qua đó các công ty đối tác rất tin tưởng vào chữ tín của chị nên ký hợp đồng thường xuyên với chị, qua đó giúp cho cơ sở của chị được ăn nên làm ra, cơ sở cũng ngày càng được mở rộng ra hơn, tạo được nhiều việc làm lao động ở địa phương, đặc biệt là cho lao động hội viên phụ nữ, giúp cho các chị em hội viên phụ nữ có đời sống ổn định, thu nhập ngày càng cao, các chị cũng gắn bó với phong trào của Hội nhiều hơn, tham gia các hoạt động do Hội phát động cũng nhiều hơn”.

         Tin rằng với mô hình khởi nghiệp hiệu quả của chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, ở ấp Kinh Xáng, xã Phong Phú, trong thời gian tới sẽ được các cấp Hội phụ nữ xã Phong Phú nói riêng và Hội phụ nữ huyện Cầu Kè nòi chung tiếp tục phát động nhân rộng, nhằm tạo điều kiện giúp chị em phụ nữ nông thôn có cơ hội làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội./.          

 

                                                                                                                                 Bài, ảnh: Tấn Lập     

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 56
  • Trong tuần: 2 463
  • Tất cả: 4227236
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.